'Qua thoái trào, sách điện tử Việt sẽ tăng trưởng ba năm tới'
Dù các đơn vị không còn hừng hực khí thế làm sách điện tử như vài năm trước, song ebook vẫn đang tăng trưởng, dự đoán tăng trưởng 15-20% trong ba năm tới.
Trong khuôn khổ Hội sách bản quyền Hàn Quốc tại Hà Nội 2019 (diễn ra trong hai ngày 23 và 24/7), Viện Chấn hưng công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc đã mời đại diện một số đơn vị Việt Nam giới thiệu về ngành sách nước ta. Ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc điều hành công ty Waka - thuyết trình về các vấn đề sách điện tử của Việt Nam. Bên lề sự kiện, ông Hoàng có những chia sẻ về tình hình sách điện tử hiện nay.
Việt Nam đang chuẩn bị cho thị trường sách điện tử
- Theo ông, Việt Nam có điều kiện thuận lợi gì để phát triển sách điện tử?
- Theo tôi, Việt Nam có ba điều kiện thuận lợi để phát triển sách điện tử. Một là tỷ lệ dân số trẻ, lượng học sinh (cấp 1 và 2), sinh viên chiếm đến 18% dân số.
Hai là sự phổ biến của Internet. Số người sử dụng và tần suất sử dụng rất cao. Có 66% dân số dùng Internet và 94% trong số đó là sử dụng hàng ngày.
Ba là thói quen đọc và trả phí đọc trực tuyến đã hình thành. Nhu cầu đọc tăng lên và nhu cầu viết của các tác giả (trong nước) cũng phát triển mạnh.
Trong 2-3 năm tới, sự phát triển và thay đổi của cơ sở hạ tầng giao thông sẽ giúp tăng thời gian và cơ hội đọc sách hơn.
- Vậy những năm qua ebook tại Việt Nam đã phát triển ra sao?
- Tôi tạm thời chia khái niệm của ebook ở Việt Nam thành 3 loại.
Loại 1: Ebook là phiên bản điện tử của sách in. Nghĩa là sách in tồn tại trước, và bản ebook chỉ là một phương thức thể hiện thứ cấp.
Loại 2: Các nội dung trực tuyến được thể hiện dưới dạng ebook (chủ yếu hiện nay là văn học trực tuyến và truyện tranh). Trong một vài trường hợp, những nội dung 'hot', phổ biến của loại thứ hai được xuất bản bản in.
Loại 3: Các ebook tương tác. Không chỉ đọc, người dùng còn nghe, xem, cảm nhận, vận động… với nội dung của sách; tương tác giữa những người đọc với nhau, giữa người đọc với tác giả, dịch giả, theo phương thức mới.
Với cách chia đó, tình hình phát triển ebook trong những năm qua có thể khái quát như sau:
Giai đoạn 2009 - 2012: Giai đoạn mở đầu cho sự phát triển của ebook loại 1, tăng trưởng nhanh về số lượng và các đơn vị cung cấp. Tốc độ tăng trưởng cao nhất là cuối 2011, đầu 2012. Có sự xuất hiện của rất nhiều đơn vị cung cấp nền tảng đọc sách điện tử “made in Vietnam”.
Giai đoạn 2013 - 2016: Ebook rơi vào thoái trào khi vướng bài toán đầu tư và doanh thu, cũng như sự thắt chặt về bản quyền hay giấy phép ebook từ cơ quan quản lý. Giai đoạn này đánh dấu sự sụt giảm về số lượng ebook loại 1 bị gỡ khỏi các nền tảng đọc do hết hạn khai thác và không được gia hạn quyền khai thác ebook.
Giai đoạn 2016 - 2018: Rất nhiều đơn vị cung cấp nền tảng đọc lựa chọn rời khỏi thị trường. Một số đơn vị xuất bản thử nghiệm đưa ebook loại 3 vào khai thác nhưng mới chỉ tồn tại ở dạng thí điểm, và chưa thực sự phổ biến.
Giai đoạn giữa 2017, có sự phát triển mạnh mẽ của ebook loại 2. (Ở đây tôi muốn nói đến các ebook loại 2 có bản quyền, còn ebook không có bản quyền vẫn tồn tại rất nhiều). Với sự phát triển này, chiều hướng phát triển sách điện tử có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Số lượng user (người sử dụng), thời gian đọc cũng như doanh thu đều tăng trưởng đáng kể. Tới nay có khoảng 3 triệu người đọc trả phí.
Giai đoạn 2018 đến nay: Giai đoạn chuẩn bị, quá độ cho những bước phát triển tiếp theo. Thị trường Việt Nam giai đoạn này có những số liệu và các điều kiện khá tương đồng với giai đoạn đầu của các thị trường ebook phát triển.
- Ebook luôn chiếm tỉ lệ thấp so với sách giấy (khoảng 4% năm 2018). Ông nghĩ sao về con số này?
- Con số 4% này chỉ là nói về doanh thu của ebook loại 1 (như phân chia ở trên) so với tỷ trọng doanh thu của toàn ngành xuất bản. Với mối quan tâm và ưu tiên hiện tại của các đơn vị xuất bản ở Việt Nam như hiện nay, thì con số này sẽ khó thay đổi trong vài năm tiếp theo, thậm chí sẽ giảm. Tuy nhiên theo dự đoán của tôi, tỷ trọng của cả ngành ebook so với sách in sẽ tăng lên khoảng 15-20% trong 3 năm tới, vì ebook ở Việt Nam đã bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
- Với lượng ebook làm ra mỗi năm ít như vậy, kho sách của Waka thường lấy nguồn ebook từ đâu?
- Waka hiện tại tập trung vào các ebook loại 2 và bắt đầu lập kế hoạch phát triển, sản xuất các ebook loại 3.
Trong năm 2017, 2018, Waka trở thành đối tác chiến lược, phân phối cho nhiều công ty văn học mạng nước ngoài. Chúng tôi cũng tập trung sự quan tâm của mình sang lĩnh vực truyện tranh trực tuyến.
Song song với đó, Waka phát triển dự án 4.0, theo mô hình sáng tác theo nhóm với hy vọng đẩy mạnh phong trào viết, tạo tiền đề cho hình thức tự xuất bản trong các tác giả ở Việt Nam. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án nữa trong mảnh ghép này để hoàn thiện hệ sinh thái của mình.
Giới làm sách ngần ngại, chưa đầu tư lớn cho ebook
- Theo ông, việc sản xuất, kinh doanh ebook ở Việt Nam hiện nay gặp những khó khăn gì?
- Rào cản một là về hành lang pháp lý đang chưa đầy đủ. Ví dụ, khi triển khai nội dung truyện tương tác, chúng tôi đưa ra nhiều tình huống để người đọc lựa chọn diễn biến. Nếu bạn chọn tình huống A, sự việc sẽ xảy ra theo hướng A1, nếu bạn chọn tình huống B thì câu chuyện đi theo hướng B1. Riêng việc nộp lưu chiểu bản cứng xin cấp phép ebook, chúng tôi chưa biết phải xử lý như nào, các đơn vị cấp phép cũng lúng túng.
Rào cản thứ hai là tâm lý của các đơn vị xuất bản, phát hành. Đa số các NXB, phát hành không mặn mà làm ebook vì đầu tư lớn, hành lang pháp lý chưa rõ, công sức bỏ ra nhiều nhưng doanh thu chưa cao. Việc này dẫn đến nguồn cung ebook tốt đã thiếu lại còn hạn chế và không kịp thời. Và người đọc muốn đọc ebook có bản quyền lại không biết tìm ở đâu, đôi khi chạy qua bên các site sách lậu.
Rào cản thứ ba là về phương thức thanh toán. Với nhu cầu đọc của người dùng lứa tuổi học sinh (ví dụ cấp 2) chưa đến tuổi làm chứng minh thư nên cũng không thể làm thẻ ngân hàng hay ví điện tử. Dù rất muốn mua ebook để đọc nhưng các em cũng không biết mua bằng cách nào.
- Theo ông, những năm tới, kinh doanh, phát hành ebook tại Việt Nam có triển vọng gì?
- Theo ý kiến cá nhân tôi, Việt Nam có triển vọng phát triển được đội ngũ tác giả sáng tác. Đây là tiền đề cho sự phát triển rất nhiều lĩnh vực khác liên quan trong hệ sinh thái xuất bản (như mở ra mảng khai thác sở hữu trí tuệ, các kịch bản chuyển thể (của ngành film, và ngành game), các yếu tố chuẩn mực trong văn hóa, hành xử trong xã hội...)
Xu hướng thứ hai là các nội dung liên quan đến audiobooks phục vụ học tập, và các sách tương tác (ebook loại 3). Đồng thời có thể ra đời loại hình lai giữa các nội dung sách theo trend (trào lưu) và các bài viết chuyên sâu, phục vụ nhu cầu tìm đọc thông tin một cách nhanh chóng, cung cấp cho người đọc hình dung bước đầu, tổng quan về vấn đề họ đang quan tâm.