Qua thời tăng trưởng ấn tượng, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á... hụt hơi
Xuất khẩu sụt giảm và tăng trưởng chậm lại, những nền kinh tế một thời có mức tăng trưởng ấn tượng - những con Hổ châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore giờ đây đang gặp nhiều thách thức.
Nhiều nước châu Á bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm. (Nguồn: Barrons)
Ngay cả các nền kinh tế phát triển nhanh - được biết đến là những con Hổ mới tại châu Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với mức độ ngày càng gia tăng và các cuộc biểu tình ở Hong Kong càng làm môi trường kinh tế châu Á thêm phức tạp.
Đi ngược lại với xu thế của khu vực, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực du lịch và sản xuất công nghiệp. Chuyên gia Pong Teng Siew, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Inter - Pacific Securities cho biết, nền kinh tế Đài Loan cũng có thể đạt được những thành tựu bất ngờ khi các công ty của nước này chuyển các cơ sở kinh doanh từ đại lục quay lại Đài Loan.
Tuy nhiên, tất cả các quốc gia đều đang chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đà tăng trưởng toàn cầu. Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bàn và Hàn Quốc, bắt nguồn từ những khúc mắc kéo dài hàng thế kỷ đang làm gián đoạn thị trường điện thoại thông minh. Một số công ty xuất khẩu hàng đầu Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi quyết định từ phía Nhật Bản về việc loại nước này ra khỏi danh sách đối tác thương mại ưu tiên trong lĩnh vực vật liệu được sử dụng trong ngành công nghệ cao.
Nền kinh tế Hong Kong đã sụt giảm 0,4% trong quý 2/2019 do chịu ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình trên diện rộng kéo dài suốt 3 tháng qua. Kinh tế Singapore sụt giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các đồng tiền có giá trị thấp có thể có lợi cho việc xuất khẩu bởi nó khiến cho sản phẩm xuất khẩu rẻ hơn khi thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng các công ty có thâm hụt thương mại sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho nguyên liệu nhập khẩu.
Tỉ giá đồng Nhân Dân Tệ (NDT) đã vượt ngưỡng 7/1 so với USD. Giá trị NDT được cho là sẽ giảm tới mức trong khoảng 7,20/1 (theo nhận định của Ngân hàng ANZ và Ngân hàng ING) và 7,40 (theo RBC Capital Markets và JP Morgan) vào cuối năm nay và có thể cán mốc 7,66/1 (theo Ngân hàng America Merrill Lynch).
Tuy nhiên, theo dự báo của AmBank Research việc phá giá đồng NDT cũng đặt giới hạn cho các đồng tiền khác trong khu vực. “Sự mất giá của NDT sẽ đặt giới hạn cho việc phá giá các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, bao gồm đồng Rupee, Đô la Singapore, Won, Ringgit và đồng Rupiah với tỉ giá USD”. Trong trưởng hợp xấu nhất, các nhà nghiên cứu của AmBank Research cho rằng, đồng Ringgit sẽ mất giá tới 8-10% so với USD, đồng NDT sẽ giảm giá trị khoảng 10% so với đồng USD.
Ông Hor Kwok Wai, Giám đốc điều hành thị trường toàn cầu của Ngân hàng Hong Leong cho biết “Các đồng tiền trong khu vực châu Á sẽ tiếp tục phá giá trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài và những tác động của nó đến lĩnh vực thương mại". Đặc biệt, đối với những quốc gia châu Á duy trì kim ngạch xuất khẩu lớn với Trung Quốc, tốc độ và quy mô của đợt phá giá đồng NDT phản ánh nhu cầu ổn định đồng tiền này.
Nhiều đồng tiền châu Á hiện nay phụ thuộc vào những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trong việc quản lý sự ổn định của đồng NDT. Chuyên gia Lee Heng Guie, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - xã hội tại Malaysia cho biết “ Sự mất giá nhanh chóng của đồng NDT lần này tạo nên một nguy cơ với một số đồng tiền của các quốc gia châu Á do sự suy thoái của thị trường kinh doanh và tài chính”. Nhiều quốc gia châu Á phải đối mặt với những rủi ro về nguyên liệu trong bối cảnh thương mại và đầu tư sụt giảm cũng như những gián đoạn của chuỗi cung ứng.
Sự mất giá của đồng nội tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu có thể giúp một quốc gia đạt được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu cuộc chiến thương mại đang leo thang không được giải quyết, lĩnh vực xuất khẩu sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực.
Trong khi đó, các con Hổ châu Á có thể xoay xở bằng việc áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa để kích thích nền kinh tế. Ông Danny Wong, CEO của Quỹ đầu tư Areca Capital cho biết, “Tất cả những sự kiện này đều bắt nguồn từ những tranh chấp thương mại. Các quốc gia châu Á phải tự tìm cách để ổn định tăng trưởng bằng việc tăng cường hợp tác trong vấn đề thương mại giữa các quốc gia châu Á và đa dạng hóa các lĩnh vực bên cạnh xuất khẩu sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc chiến Thương mại. Vẫn còn hy vọng cho các nền kinh tế châu Á để có thể vượt các quốc gia phát triển trong những năm tới.