Quá trình chuyển giao ở Mỹ: 10 ngày đảo ngược chính sách của ông Trump
Theo Wall Street Journal, ngày 17-1, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden thông báo trong 10 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Joe Biden sẽ ban hành khoảng 10 lệnh hành pháp. Đây là những quyết định nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng được coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.
Tập trung giải quyết khủng hoảng
Cụ thể, ông Joe Biden sẽ ký những lệnh liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 gây ra như bắt buộc đeo khẩu trang ở các cơ quan liên bang, đi lại giữa các tiểu bang, gia hạn tạm dừng các hoạt động thu hồi tài sản.
Song song đó, mở cửa lại các trường học và doanh nghiệp một cách an toàn thông qua mở rộng xét nghiệm, tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy bỏ lệnh cấm đi lại với 7 quốc gia theo đạo Hồi của chính phủ tiền nhiệm.
Hầu hết các lệnh hành pháp trên đều đảo ngược những chính sách mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi và không cần được quốc hội thông qua. Theo ông Ron Klain, Chánh Văn phòng Nhà Trắng của nội các mới, những hành động này không chỉ khắc phục những thiệt hại nặng nề hiện nay mà còn nhằm đưa nước Mỹ tiến lên phía trước.
Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng sẽ công bố một đề xuất nhập cư được mong đợi từ lâu, tạo điều kiện trở thành công dân Mỹ cho hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ - dù biện pháp này cần được quốc hội thông qua.
Ngoài ra, còn có kế hoạch yêu cầu Bộ Giáo dục Mỹ gia hạn thời gian tạm ngừng thu các khoản trả nợ cũng như lãi suất của các khoản vay của sinh viên liên bang. Trước đó, ông Joe Biden đã công bố gói kế hoạch phục hồi kinh tế 1.900 tỷ USD nhằm giúp nước Mỹ vượt qua hậu quả nặng nề do Covid-19 gây ra cũng như thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng bệnh này.
Siết chặt an ninh
Kênh 12 của Israel đưa tin đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đang đàm phán với Iran về các điều kiện để Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và Israel hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ được bổ sung những điều khoản mới.
Thông báo về các quyết định trên được đưa ra vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden diễn ra vào ngày 20-1, động thái được cho là củng cố kế hoạch hàn gắn nước Mỹ như cam kết của tân chủ nhân Nhà Trắng. Tuy việc ký những sắc lệnh hành pháp mới cho thấy quyết tâm đảo ngược chính sách từ người tiền nhiệm của ông Joe Biden, nhưng theo giới quan sát, 4 năm cầm quyền của ông Donald Trump vẫn có những thành tựu nhất định.
Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chính phủ tiền nhiệm đã thể hiện tốt trong các về chỉ số kinh tế, tỷ lệ việc làm, cũng như định vị lại quan hệ Mỹ - Trung. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng đó vẫn là những di sản ông Donald Trump để lại về đối nội lẫn đối ngoại. Sự hàn gắn nước Mỹ đòi hỏi chính phủ mới không thể đảo ngược toàn bộ những gì ông Donald Trump đã làm, mà phải kế thừa có chọn lọc.
Nước Mỹ vẫn đang rối ren trong thời kỳ chuyển giao chính phủ. Vụ biểu tình bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội ngày 6-1 đã gây ra những hệ lụy không nhỏ, tăng cao mâu thuẫn đảng phái, tạo nguy cơ bất ổn an ninh thường trực trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden. An ninh đang được thắt chặt tại thủ đô Washington và 50 tiểu bang nhằm ngăn chặn nhóm biểu tình quá khích đang kêu gọi tấn công tòa án liên bang, tòa án bang và các địa phương.
Cảnh sát Đồi Capitol vừa bắt giữ một người đàn ông khi tìm cách vượt một chốt cảnh sát ở trung tâm Washington với giấy tờ giả, một khẩu súng lục được nạp đạn cùng hơn 500 viên đạn. Người này có ý đồ tiếp cận nơi diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden.