Quá trình 'lớn nhanh như thổi' của Asanzo, từng nắm 16% thị phần tivi
Ở thời hoàng kim, Công ty nghiên cứu thị trường GfK ước tính Asanzo nắm tới 16% thị phần tivi trong nước, xếp thứ 4 thị trường chỉ sau LG (17%), Sony (25%) và Samsung (35%).
Ngày 24/6, sau khi bị khởi tố về tội Trốn thuế, ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Xuân Tình, Người đại diện pháp luật, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú thành bắt tạm giam.
Trước đó, VKSND TP.HCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Phạm Văn Tam và ông Phạm Xuân Tình về tội Trốn thuế.
Theo cơ quan điều tra, hành vi trốn thuế của hai cá nhân trên được hình thành thông qua các giao dịch mua bán hàng hóa giữa Tập đoàn Asanzo và một số công ty liên quan trong giai đoạn trước tháng 10/2019.
"Lớn nhanh như thổi"
Đáng chú ý, dù không còn giữ vai trò lãnh đạo tại Tập đoàn Asanzo, tên tuổi của ông Phạm Văn Tam vẫn gắn liền với quá trình "lớn nhanh như thổi" của nhà sản xuất thiết bị điện tử này.
Được biết, CTCP Tập đoàn Asanzo thành lập vào ngày 20/10/2016 với tên gọi ban đầu là CTCP Tập đoàn Asan, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Ban đầu, công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó, ông Phạm Văn Tam góp 90 tỷ đồng, tương đương 90% tỷ lệ sở hữu. 10% vốn còn lại chia đều cho 5 chủ đầu tư khác, gồm 2 tổ chức là CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam (thành lập tháng 11/2014) và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo (thành lập tháng 6/2016) cùng 3 cá nhân là bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toán và ông Phạm Xuân Tình.
Đến ngày 13/7/2018, ông Phạm Văn Tam thoái gần hết vốn tại doanh nghiệp, giảm tỷ lệ sở hữu cá nhân tại Asanzo từ 90% xuống 1%. Không lâu sau, các cổ đông tổ chức như CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo cũng lần lượt thoái hết vốn.
Sau quá trình thoái vốn của nhà sáng lập Phạm Văn Tam, ông Phạm Xuân Tình (em trai ông Tam) trở thành Người đại diện theo pháp luật và Giám đốc Tập đoàn Asanzo.
Từ đó tới nay, doanh nghiệp này không cập nhật thêm về cơ cấu cổ đông và vốn điều lệ.
Ngoài Tập đoàn Asanzo, "hệ sinh thái" doanh nghiệp liên quan vị doanh nhân này còn có CTCP Viễn thông Asanzo và Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo cùng thành lập tháng 1/2017 với vốn điều lệ lần lượt 5,9 tỷ và 2,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có CTCP Đầu tư Asanzo thành lập tháng 10/2017 vốn 5,9 tỷ đồng; CTCP Công nghệ Cao Asanzo thành lập tháng 1/2019 vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Hay mới nhất là CTCP Đầu tư Tập đoàn Winsan thành lập tháng 5/2020 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Với riêng thương hiệu tivi Asanzo, thương hiệu này bắt đầu nổi lên trên thị trường điện tử Việt từ năm 2013 với những sản phẩm tivi giá rẻ dành cho thị trường nông thôn.
Theo giới thiệu, tivi Asanzo được sản xuất và lắp ráp dựa trên công nghệ Nhật Bản hiện đại và chất lượng cao. Với lợi thế sản xuất và lắp ráp ngay tại thị trường nội địa, do đó giá thành của các mẫu tivi Asanzo cũng thấp hơn nhiều so với các thương hiệu cạnh tranh khác như Samsung, Sony, LG…
Trong thời gian đầu, chiến lược của Asanzo là chọn đặt linh kiện nước ngoài, thiết kế lắp ráp lại và lược bỏ hoàn toàn những chức năng không cần thiết. Từ đó sản phẩm có giá thành rẻ và phù hợp với nhu cầu số đông.
Trong đó, mẫu tivi Asanzo 25 inch đời thứ 2 mà Asanzo đưa ra thị trường vào tháng 9/2018 được đón nhận "nồng nhiệt" do có giá rẻ chưa tới 2 triệu đồng/chiếc.
Doanh nghiệp này cũng đón đầu thị trường khi cho ra mắt nhiều sản phẩm phù hợp với đặc điểm với từng vùng miền, như miền Tây là tivi chạy bằng ắc quy, miền Trung là bo mạch chống ăn mòn hơi nước biển, miền Bắc thì đầu tư vào thiết kế hiện đại.
Cũng nhờ chiến lược giá rẻ nhắm vào khách hàng là hộ gia đình nông thôn và lao động thu nhập thấp, chỉ sau 6 năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã nhanh chóng chuyển mình từ một doanh nghiệp không tên tuổi nổi lên thành một thương hiệu đồ điện tử nội địa "quốc dân".
Nắm 16% thị phần tivi, cạnh tranh với LG, Sony, Samsung
Bắt đầu tung các sản phẩm tivi ra thị trường từ cuối năm 2013, Asanzo khi đó đánh giá các mẫu mã tivi đa phần có giá cao, nhiều chức năng hiện đại phù hợp với các gia đình tại khu vực thành thị. Trong khi đó, người dân ở các vùng nông thôn vốn chỉ cần một chiếc tivi đẹp, bền và có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu cơ bản thì lại quá ít sự lựa chọn.
Các nhà sản xuất lớn không mấy mặn mà với thị phần có biên lợi nhuận thấp này và tập trung vào các xu hướng thời thượng đang làm mưa làm gió trên thế giới.
Nắm được điều này, Asanzo cho ra đời những chiếc tivi phục vụ chủ yếu cho thị trường nông thôn.
Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo cho biết đã tiêu thụ được hơn 122.000 chiếc tivi. Tới năm 2015, con số này đã tăng gần gấp 3 lần. Năm 2016, lượng tivi bán ra của Asanzo lên tới con số 500.000 chiếc và tiếp tục tăng 140% một năm sau đó.
Cùng tivi, năm 2018, Asanzo cũng cho biết đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm điện máy các loại. Đồng thời, nhà sáng lập Phạm Văn Tam cũng chia sẻ kế hoạch IPO tập đoàn điện tử này, dự kiến thực hiện vào năm 2020.
Đáng chú ý, trong giai đoạn hoàng kim, Asanzo ghi nhận thành tích bán hàng mảng tivi chỉ xếp sau các ông lớn như Samsung, LG và Sony.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị phần của Asanzo trên thị trường tivi Việt Nam khi đó chiếm khoảng 16%, trong khi ông lớn LG chiếm 17%, Sony 25% và Samsung 35%.
Đây là con số rất ấn tượng nếu so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành tivi, vốn bị đánh giá là đã rơi vào trạng thái bão hòa.
Cũng trong năm 2019, với lượng hàng tiêu thụ vượt dự tính, sản phẩm máy lạnh cũng chiếm 20-30% doanh số của Asanzo, xếp thứ 2 chỉ sau sản phẩm chủ lực là tivi.
Chỉ tính trong năm này, các nhà máy của Asanzo đã phải hoạt động hết công suất để cung ứng mỗi ngày khoảng 1.000 máy lạnh, với 50% đến từ thị trường phía Nam tiếp đến là miền Bắc với 35% và miền Trung 15%.
Ước tính trong cả năm 2019, có khoảng 300.000 sản phẩm máy lạnh của Asanzo được thị trường tiêu thụ.
Về tình hình kinh doanh, năm 2014, Asanzo cho biết doanh thu của hãng đã đạt 670 tỷ đồng. Đến năm 2015, con số này tăng lên gần 1.600 tỷ.
Năm 2017, Asanzo cho biết doanh thu của hãng đạt 4.620 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với năm liền trước (tương đương doanh thu năm 2016 đạt gần 2.570 tỷ đồng).
Đến năm 2018, Asanzo ước tính doanh thu tăng khoảng 35% (khoảng 6.240 tỷ đồng), cũng là lần đầu tiên chỉ tiêu này vượt mức 5.000 tỷ đồng.
Từ một doanh nghiệp sản xuất tivi, sau 6 năm, Asanzo trở thành tập đoàn có hơn 70 dòng sản phẩm điện tử gồm tivi, điều hòa, tủ lạnh, smartphone. Tập đoàn này sở hữu 7 nhà máy, hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, 15.000 điểm bán hàng và 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển "nóng", Asanzo cũng vướng không ít lùm xùm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nợ thuế hay bị Sharp Việt Nam tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật... Asanzo dần đánh mất thiện cảm trong mắt người tiêu dùng.
Hiện tại, trên website chính thức của mình, Asanzo cho biết hãng vẫn đang tập trung cung cấp các thiết bị điện tử, điện lạnh, điện gia dụng trong gia đình như tivi, điện thoại, tủ đông lạnh, máy điều hòa, quạt làm mát không khí và phân phối cả những thương hiệu độc quyền.