Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.

Sự ra đời của Đảng bộ Hà Tĩnh

Cuối năm 1929, tại TX Hà Tĩnh, Chi bộ cộng sản đầu tiên (Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trường Tiểu học Pháp - Việt) được thành lập. Đến tháng 1/1930, tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng đã cải tổ, thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - một trong ba tổ chức cộng sản hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam sau này... Khuynh hướng cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản đã được phổ biến, tiếp nhận mạnh mẽ ở Hà Tĩnh. Phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh đã nằm trong trào lưu chung của cả nước lúc bấy giờ.

 Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh tháng 3/1930. Ảnh: Thiên Vỹ

Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh tháng 3/1930. Ảnh: Thiên Vỹ

Cuối tháng 3/1930, tại Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc - Can Lộc), được sự ủy nhiệm của Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ, đồng chí Trần Hữu Thiều (tức Nguyễn Trung Thiên) đã triệu tập Hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Ngay sau khi thành lập, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo mở rộng hệ thống tổ chức đảng, thành lập các đảng bộ huyện, chi bộ làng xã và kết nạp hàng trăm đảng viên.

Sự ra đời của Đảng bộ Hà Tĩnh là sự kết tinh truyền thống yêu nước và quá trình đấu tranh dân tộc, giai cấp kiên cường, bền bỉ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, là kết quả của việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam mà phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh đã lĩnh hội được. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa quyết định mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Từ đây, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc nói chung và quê hương nói riêng, Nhân dân Hà Tĩnh đã có một Đảng tiên phong lãnh đạo - Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Đảng bộ Hà Tĩnh.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, sức mạnh, ý chí, nghị lực và trí tuệ của con người Hà Tĩnh được phát huy mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH.

Đảng bộ Hà Tĩnh trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930-1945)

Trong những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh đã vùng dậy làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn, quyết liệt, chống thực dân và phong kiến tay sai. Mặc dù bị kẻ thù đàn áp khủng bố khốc liệt, nhưng Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) đã giành được những thành quả có ý nghĩa lịch sử quan trọng và để lại nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá.

 Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc) là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc) là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thành quả có ý nghĩa đầu tiên là qua thực tiễn phát triển của phong trào, Đảng bộ Hà Tĩnh tuy mới thành lập song đã khẳng định được vị trí, vai trò và năng lực lãnh đạo của mình đối với quần chúng cách mạng. Xô-viết Nghệ Tĩnh là kết quả vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng ta vào thực tế địa phương để định ra những mục tiêu, khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng bức thiết của quần chúng, đã vận động, tập hợp và tổ chức được đông đảo quần chúng vùng dậy đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng...

Thành quả nổi bật và là đỉnh cao của phong trào đấu tranh cách mạng 1930-1931 là lần đầu tiên trong lịch sử ở Hà Tĩnh, bạo lực chính trị của quần chúng đã tấn công liên tục, làm tan rã chính quyền thực dân, phong kiến, lập nên 170 làng, xã Xô-viết trong tỉnh - hình thức chính quyền cách mạng của Nhân dân. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chính quyền Xô-viết đã kịp thực hiện nhiều cải biến cách mạng, đem lại những quyền lợi thiết thực về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho người dân lao động, có tác dụng nâng cao niềm tin của Nhân dân Hà Tĩnh vào Đảng, vào cách mạng.

Cao trào cách mạng 1930-1931 thực sự là trường học rèn luyện toàn diện về lập trường tư tưởng và phương pháp tổ chức, phương pháp đấu tranh cho đảng viên, quần chúng, tạo điều kiện cho Đảng bộ tiếp tục tập hợp, tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng các giai đoạn sau.

Cao trào cách mạng 1930-1931 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho phong trào đấu tranh của Nhân dân địa phương nói riêng và cho cách mạng Việt Nam nói chung: bài học về vận động, tổ chức và phát huy năng lực cách mạng to lớn của quần chúng nhân dân, chủ yếu là nông dân, xây dựng khối liên minh công nông; bài học về xây dựng Đảng; bài học về xác định phương pháp cách mạng; bài học về giành và giữ chính quyền, về thời cơ cách mạng... Cao trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931 thực sự là cuộc diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám sau này.

 Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập giành chính quyền của Cách mạng tháng Tám 1945. Ảnh tư liệu.

Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập giành chính quyền của Cách mạng tháng Tám 1945. Ảnh tư liệu.

Cuộc khủng bố trắng của bọn đế quốc và phong kiến Nam triều đối với cao trào cách mạng 1930-1931 ở Hà Tĩnh ngày càng diễn ra khốc liệt. Hàng trăm người bị giết, hàng nghìn cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt bớ, tù đày. Bên cạnh việc đàn áp, kẻ thù còn dùng nhiều thủ đoạn lừa bịp, mị dân hòng lung lạc ý chí đấu tranh cách mạng của quần chúng.

Trước tình hình đó, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng đều giữ vững niềm tin vào Đảng, kiên trì vượt qua khó khăn, thử thách, khôi phục lại tổ chức và phong trào. Trong ngục tù của đế quốc, hầu hết đảng viên và quần chúng luôn giữ trọn lòng trung thành với Đảng và cách mạng, không chịu khuất phục trước kẻ thù, nhiều người đã hy sinh vô cùng oanh liệt.

Số đảng viên còn lại ở các địa phương và những người tạm lánh sang đất bạn đều tìm mọi cách, tạo mọi cơ hội để gây dựng lại tổ chức. Do biết dựa vào dân và được Nhân dân đùm bọc, che chở, họ đã vượt qua lưới mật thám về các địa phương chắp nối liên lạc, nhen nhóm phong trào. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Đảng bộ được hồi phục, phong trào cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh nhanh chóng được tổ chức lại, phát triển mạnh vào những năm 1937-1938, góp phần quan trọng vào cuộc vận động dân chủ do Đảng ta phát động trong toàn quốc.

Chính sách cai trị phát xít cùng những thủ đoạn mua chuộc của Nhật - Pháp trong những năm 1939-1945 không thể dập tắt phong trào cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh. Mặc dù Đảng bộ bị địch khủng bố, phá vỡ nhiều lần, phần lớn cán bộ, đảng viên còn lại ở các địa phương vẫn tích cực hoạt động để tuyên truyền, vận động quần chúng. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú. Dưới ánh sáng các nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Hà Tĩnh đã tích cực chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Đầu năm 1943, Hội Việt Nam cứu quốc Hà Tĩnh được thành lập, đến tháng 4/1943, hội đổi tên là Mặt trận Cứu quốc. Cơ sở của Mặt trận Cứu quốc phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh, một số căn cứ du kích được xây dựng, các tổ chức tự vệ ra đời, phong trào đấu tranh của quần chúng diễn ra sôi nổi.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), làn sóng cách mạng dâng cao cả tỉnh. Các cơ sở Việt Minh được thành lập và phát triển ở nhiều nơi. Ngày 20/5/1945, được sự giúp đỡ của Xứ ủy Trung kỳ, Ban Vận động thành lập Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh ra đời, các nhóm Việt Minh ở các địa phương được tập hợp lại. Các đoàn thể cứu quốc được mở rộng.

Ngày 8/8/1945, trước sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình trong nước, Việt Minh liên tỉnh tổ chức đại hội đại biểu để bàn kế hoạch chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Theo quyết định của đại hội, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được chia thành 6 phân khu để chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa.

Ngày 13/8/1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh các huyện thuộc phân khu Nam Hà (Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Hà Tĩnh) họp thảo luận kế hoạch khởi nghĩa và thành lập ủy ban Khởi nghĩa tỉnh. Ngày 15/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ Tĩnh ban hành lệnh khởi nghĩa...

Chỉ trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Can Lộc ngày 16/8 và kết thúc là cuộc khởi nghĩa ở Hương Khê vào ngày 21/8, Nhân dân Hà Tĩnh đã giành được chính quyền. Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh của cả nước giành được chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám. Thắng lợi lịch sử này là kết tinh của truyền thống văn hóa cách mạng của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà qua nhiều thời kỳ, mà trực tiếp là 15 năm đấu tranh đầy gian khổ hy sinh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Hà Tĩnh với những thành tựu ngày càng toàn diện hơn.

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

P.V

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/qua-trinh-ra-doi-va-phat-trien-cua-dang-bo-ha-tinh-post281173.html