Quá yêu bản thân là đúng hay sai?

Yêu bản thân sẽ giúp con người ta thêm tự tin, trân trọng cuộc sống. Nhưng việc yêu bản thân quá mức lại là một dạng bệnh về tâm lý. Trong y học gọi là chứng vĩ cuồng.

 Yêu bản thân quá mức là một triệu chứng điển hình của chứng vĩ cuồng. Ảnh: Vietcetera.

Yêu bản thân quá mức là một triệu chứng điển hình của chứng vĩ cuồng. Ảnh: Vietcetera.

Người “vĩ cuồng” đi đâu cũng muốn được người khác ngưỡng mộ và họ cần sự ngưỡng mộ này. Quả thực họ không thể sống mà không có nó. Những người này cần cảm giác bản thân phải xuất chúng trong mọi việc mà mình đảm nhận, việc mà họ chắc chắn có khả năng làm (nếu không họ sẽ không cố gắng làm).

Họ cũng ngưỡng mộ chính mình vì những phẩm chất mà anh ta có: vẻ đẹp, trí thông minh, tài năng; và ngưỡng mộ cả những thành tựu của bản thân. Chớ trêu thay, nếu chính những phẩm chất này khiến họ thất bại thì tấn bi kịch trầm cảm dữ dội sẽ xuất hiện.

Với người bình thường, nếu bị ốm, hoặc đã có tuổi nên sức khỏe giảm sút trông thấy, hoặc một người phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, cảm thấy buồn bực, thì mọi chuyện sẽ trôi qua khá nhẹ nhàng. Nhiều người có thể chấp nhận chuyện dung nhan tàn phai, mất đi sức trẻ, sức khỏe, những người thân yêu, dù họ buồn, nhưng không suy sụp đến mức trầm cảm.

Trong khi đó, có những người rất tài năng, thường là các thiên tài bậc nhất, lại mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng. Bởi một người chỉ có thể cảm thấy an toàn khi lòng tự trọng của anh ta được thiết lập từ những cảm xúc thật, chứ không phải từ việc sử hữu phẩm chất nào đó.

Khi một người vĩ cuồng bị tổn thương, chúng ta thấy rất rõ “lòng tự trọng” của họ mong manh như thế nào, “lơ lửng như quả bóng” như một bệnh nhân của tôi từng mơ. Quả bóng đó bay lên rất cao, khi có gió lớn, nó bị thủng và biến thành một miếng cao su rách rưới, co rúm trên sàn nhà. Vì không có sự tự tin thực sự, nên sức mạnh nội tại của những người mắc chứng vĩ cuồng không được củng cố.

Trong một nghiên cứu được thực hiện ở Chestnut Lodge, Maryland vào năm 1954, các nhà khoa học đã xem xét tiểu sử gia đình của mười hai bệnh nhân mắc chứng Rối loạn hưng-trầm cảm và thấy được mối liên hệ giữa hoàn cảnh gia đình và các chứng bệnh này.

Tất cả các bệnh nhân đến từ các gia đình bị cộng đồng dân cư cô lập đều cảm thấy không được tôn trọng. Họ nỗ lực nhiều hơn để nâng cao uy tín của bản thân với hàng xóm, bằng cách tán đồng ý kiến của số đông.

Những đứa trẻ mắc chứng Rối loạn hưng-trầm cảm thường được gắn cho những trọng trách quan trọng trong việc nâng cao sự tôn trọng và vị thế của gia đình trước cộng đồng dân cư. Ví dụ như những đứa trẻ phải tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép, có thành tích học tập tốt để hàng xóm tôn trọng cha mẹ chúng hơn.

Nếu đảm bảo được những điều đó, đứa con sẽ được cha mẹ yêu thương nhiều hơn. Nếu đứa bé đó phạm lỗi, nó sẽ bị cha mẹ phạt, bị ghẻ lạnh, vì cha mẹ cho rằng con cái đã làm cho gia đình mất mặt.

Ngày nay, với xu hướng xê dịch của các gia đình cũng như các thành viên, việc thích nghi với một nền văn hóa xã hội khác là cần thiết để có thể hòa nhập dễ dàng và có một cuộc sống bình thường.

[…]

Nếu không được trị liệu kịp thời, người mắc chứng vĩ cuồng sẽ không cắt đứt được mối liên kết bi kịch giữa tình yêu và sự ngưỡng mộ. Họ sẽ luôn tìm kiếm sự ngưỡng mộ, thứ mà họ không bao giờ thấy đủ. Sự ngưỡng mộ khác với tình yêu.

Sự ngưỡng mộ vốn chỉ là một sự thỏa mãn thay thế của những nhu cầu nguyên thủy về sự tôn trọng và sự thấu hiểu, những nhu cầu luôn ở trong vô thức từ thời thơ ấu. Thường thì chúng ta sẽ dành cả đời để tìm kiếm sự thay thế này.

[…]

Một bệnh nhân của tôi từng kể rằng cô ấy luôn có cảm giác mình đang đi trên đôi cà kheo, khi lúc nào cũng phải tìm kiếm sự ngưỡng mộ từ người khác để cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Người phụ nữ này cảm thấy ghen tỵ với những người biết hài lòng với cuộc sống, dù họ không đạt được những thành tựu đáng nể. Cô ấy cho rằng những người này thật hạnh phúc vì được bước đi trên chính đôi chân của mình.

Người vĩ cuồng thường ghen tị với người bình thường vì họ không phải cố gắng tìm kiếm sự ngưỡng mộ từ người khác, không phải tìm mọi cách để gây ấn tượng với những người xung quanh. Bởi thoải mái sống một cuộc đời bình thường cũng thật hạnh phúc.

Người vĩ cuồng không bao giờ có được sự tự do, vì anh ta lệ thuộc thái quá vào cảm giác được ngưỡng mộ từ người khác. Ngoài ra, họ luôn tin lòng tự trọng bị chi phối bởi vẻ bề ngoài và những thành tựu cá nhân, những thứ có thể bất chợt sụp đổ.

Alice Miller/ Bách Việt Books và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/qua-yeu-ban-than-la-dung-hay-sai-post1473785.html