Quách Ngạn Vỹ - chàng rể Đài say hội họa Việt

Du học ở Anh ngành lịch sử, nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam về hội họa đương đại, lấy vợ Việt, sống tít Quản Bạ, Hà Giang, hàng năm tổ chức các chương trình dạy vẽ từ thiện cho trẻ em nghèo miền núi, kêu gọi họa sĩ Việt tham gia... là đôi nét chân dung Quách Ngạn Vỹ, chàng rể Đài say duyên cùng hội họa đương đại Việt.

Cái duyên cớ khiến Quách Ngạn Vỹ chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai, đầu tiên là vì tình yêu với người vợ hiền và gia đình nhỏ gồm hai cô con gái song sinh, duyên dáng, thứ đến - ở góc độ nghề nghiệp, chính là tình yêu của Vỹ với hội họa đương đại Việt.

Cả hai chất xúc tác mãnh liệt ấy biến chàng rể Đài như Vỹ thành một “ma xó” Hà Giang, rành rẽ tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt của người miền cao, khi la cà phố phường Hà Nội, khi ung dung nếm chén rượu ngô Bản Thăng - một bản xa cuối cùng trên địa đồ Quản Bạ, giáp đất Trung Quốc - như một người Bố Y (vợ của Vỹ là người Bố Y) bản địa.

Vỹ cũng là người bạn rất thân của phần đông họa sĩ đương đại Việt, là người sáng lập dự án “Ngôi sao miền núi”, giới thiệu những nhân tố mới của hội họa Việt thông qua các cuộc triển lãm thường niên tại Việt Nam và Đài Loan.

Lên núi dạy họa

Với nền tảng gia đình có hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm hội họa, đến khi tiếp cận hội họa Việt qua nghiên cứu, viết sách với đề tài “Mỹ thuật Việt Nam đương đại trong thời kỳ đổi mới” (cũng là đề tài nghiên cứu luận văn thạc sĩ tại Việt Nam), Quách Ngạn Vỹ có nhiều lợi thế khi nhận ra tiềm năng hội họa đương đại có thể hòa nhập vào thị trường quốc tế, đầu tiên là Đài Loan.

Chuyện sáng lập dự án “Ngôi sao miền núi” chính là “ngưỡng cửa” thú vị, góp phần nâng tầm cho không ít họa sĩ trẻ Việt Nam.

Quách Ngạn Vỹ trong không gian triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam tại Cao Hùng, Đài Loan.

Quách Ngạn Vỹ trong không gian triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam tại Cao Hùng, Đài Loan.

Khởi đầu từ 2014, hoạt động của dự án “Ngôi sao miền núi” được Vỹ cho biết cụ thể: “Hàng năm, mình vận động các họa sĩ trẻ - phần đông là khu vực phía Bắc - tham dự chương trình, huy động nguồn kinh phí tài trợ đi lại, ăn ở cho các bạn đến thôn bản vùng sâu, vùng xa Hà Giang, tiếp đến là các tỉnh phía Bắc... dạy vẽ cho các em nhỏ - thường trong dịp nghỉ hè. Cách dạy cũng đơn giản, bày trò chơi, cho các em tiếp cận với hội họa theo một tư duy và trải nghiệm thực tế, giúp các em có cảm nhận về màu, về hội họa gắn liền với yếu tố văn hóa vùng miền, dân tộc”.

Vỹ cùng các họa sĩ tự lên lịch cho chuyến đi, chọn ra điểm đến phù hợp - ưu tiên ở các vùng miền hẻo lánh, học sinh nghèo, mục đích vừa để các em có dịp học thêm về hội họa, cũng là cơ hội để họa sĩ và mạnh thường quân chia sẻ, đóng góp dụng cụ vẽ, học tập cho trẻ em nghèo miền núi.

Sự lan tỏa của dự án được đúc kết sau mỗi hành trình, các họa sĩ có thêm ý tưởng, cảm hứng, tư duy sáng tác theo các chủ đề mỗi năm dự án đặt ra. Những Ánh sao (2014), Sắc đá (2015), Dòng chảy (2016), Sơn lục (2017), Trường ca (2018)... chính là những triển lãm đúc kết từ dự án, tạo dấu ấn tốt cho hội họa đương đại Việt.

Tham gia dự án từ những mùa đầu tiên, họa sĩ Trần Tuấn Long chia sẻ: “Mỗi chuyến lên miền núi, dạy hội họa cho các em nhỏ bao giờ cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp, không chỉ về con người, mà còn về văn hóa, phong cảnh... Chuyến đi cũng giúp cho bản thân họa sĩ thay đổi nhiều trong tư duy sáng tác.

Cụ thể như năm 2018, tôi tham gia vào dự án với chủ đề Trường ca ở Kon Tum, Tây Nguyên, chuyến đi khiến tôi thay đổi nhiều, đặc biệt là hình dung về một Tây Nguyên hùng vĩ không như những gì đã học, đã đọc. Tôi lấy sự nuối tiếc làm ý tưởng để thể hiện hình ảnh Tây Nguyên hôm nay”.

Đưa tranh Việt qua xứ Đài

Tính đến nay, dự án đã hoạt động liên tục trong 6 năm liền, và địa bàn không chỉ riêng các tỉnh miền núi phía Bắc, mà lan rộng đến Kon Tum, Tây Nguyên (2018), khu vực Nam bộ với Long Sơn, Vũng Tàu (2019).

Sau mỗi triển lãm trong nước (diễn ra dịp cuối năm ở Hà Nội), các tác phẩm của nhóm họa sĩ tham gia dự án “Ngôi sao miền núi” được Vỹ làm giám tuyển, giới thiệu tiếp sang Đài Loan thông qua triển lãm cùng tên như ở Việt Nam, được người yêu tranh xứ Đài nhiệt tình đón nhận. Có thể nói, nhờ những nghiên cứu về hội họa, xuất bản sách của Vỹ, cùng những lần triển lãm tại Đài Loan, nhiều họa sĩ Việt được giới sưu tầm tranh ở Đài Loan ngưỡng mộ, đẩy giá trị thực tế cao thêm nhiều lần so với chính giá trị trong nước.

Quách Ngạn Vỹ trong buổi giới thiệu hội họa sơn mài Việt tại Trung tâm Văn hóa Cao Hùng.

Quách Ngạn Vỹ trong buổi giới thiệu hội họa sơn mài Việt tại Trung tâm Văn hóa Cao Hùng.

Những triển lãm nhóm hay cá nhân cho các họa sĩ Việt mà Vỹ thiết lập hàng năm ở Đài Loan, dần khẳng định uy tín và đẳng cấp của hội họa Việt. Gần đây nhất là cuộc trưng bày hơn 100 tác phẩm tại Trung tâm Văn hóa Cao Hùng với chủ đạo là chất liệu sơn mài, Vỹ cũng đã làm cầu nối giới thiệu kỹ thuật sơn mài độc đáo của Việt Nam thông qua các tác phẩm cụ thể của nhóm 18 họa sĩ tham gia dự án “Ngôi sao miền núi” trong chủ đề Trường ca 2018.

Một triển lãm hội họa Việt hiếm hoi mà có thể thấy rõ ở đó không khí rộn ràng, sôi động, cùng mối quan tâm, đón chào nồng nhiệt của người yêu nghệ thuật đến các họa sĩ Việt thông qua những giao lưu, trò chuyện về ngôn ngữ - ý tưởng - bối cảnh sáng tác. Nói như họa sĩ Nguyễn Trường Linh, người tham gia dự án “Ngôi sao miền núi” với các triển lãm đều đặn hàng năm ở cả Việt Nam và Đài Loan, là: “Ở Đài Loan, người xem tranh họ hỏi họa sĩ rất nhiều, trong đó có những câu hỏi, cảm nhận khiến tôi thực sự bất ngờ, bởi nó trùng khớp hoàn toàn với ý tưởng tôi tạo ra bức tranh ấy. Điều đó cũng là những khích lệ - động viên khiến tôi tự hào, tự thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong sáng tác và thể hiện”.

Vai trò của Vỹ như chiếc cầu nối hoàn hảo, góp phần giới thiệu tên tuổi các họa sĩ Việt ra thị trường nước ngoài. Thời gian gần đây, thị trường hội họa Đài Loan bắt đầu chú ý nhiều hơn đến chất liệu sơn ta của Việt Nam, những họa sĩ sử dụng chất liệu sơn ta như Nguyễn Trường Linh, Trần Tuấn Long, Nguyễn Xuân Lục... được Vỹ giới thiệu, đều để lại những dấu ấn đẹp tại thị trường Đài.

Quách Ngạn Vỹ giới thiệu họa sĩ và tác phẩm thuộc dự án “Ngôi sao miền núi” ở Trung tâm Văn hóa Cao Hùng.

Quách Ngạn Vỹ giới thiệu họa sĩ và tác phẩm thuộc dự án “Ngôi sao miền núi” ở Trung tâm Văn hóa Cao Hùng.

Quách Ngạn Vỹ cho biết thêm: “Các nhà sưu tập Đài Loan chờ đợi mỗi mùa triển lãm để chọn được tác phẩm ưng ý, họ rất vui khi được tiếp cận, giao lưu cùng họa sĩ Việt hoặc giản đơn chỉ để xem thay đổi trong hành trình sáng tác của họa sĩ họ yêu thích từ những năm đầu tham gia chương trình”.

Qua mỗi năm, thị trường có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn, cũng nhờ đó thúc đẩy tư duy sáng tác, hoạt động nghệ thuật của họa sĩ càng thêm nghiêm túc, chuyên nghiệp. Cách làm của Vỹ với hội họa đương đại Việt, không to tát, ồn ào, nhưng từng bước góp phần khẳng định giá trị, vẻ đẹp, và sự hội nhập tốt của nghệ thuật Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bài và ảnh: Thiên An

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/quach-ngan-vy-chang-re-dai-say-hoi-hoa-viet-20760.html