Quái vật Frankenstein sinh ra từ đâu?
Nhật ký của Mary Shelley, tác giả của 'Frankenstein', tiết lộ câu chuyện bi thảm phía sau một tác phẩm nổi tiếng, theo The Observer.
Những người hâm mộ phim kinh dị đều biết rằng quái vật Frankenstein không sinh ra từ sấm sét, mà được ra đời nhờ trí tưởng tượng của Mary Shelley trong một kỳ nghỉ tại sườn núi gần Geneva. Nguồn cảm hứng đến khi những đám mây tro núi lửa bất ngờ che khuất Mặt trời vào mùa hè năm 1816 và Shelley cùng bạn bè đang cố nghĩ ra những câu chuyện đáng sợ.
Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Theo một bộ sưu tập mới tiết lộ nhật ký cá nhân của tác giả trẻ, có nhiều bằng chứng cho thấy trí tưởng tượng của Shelley được khơi dậy bằng một điều gì đó riêng tư và gần gũi hơn nhiều.
Sự đau buồn và xấu hổ
Bộ sưu tập nhật ký, thư từ và truyện ngắn của Shelley trong giai đoạn này, lần đầu tiên được xuất bản cùng nhau, đã tiết lộ bóng tối bao trùm lên cốt truyện của Frankenstein. Theo đó, cảm hứng thực sự đến từ vụ tự tử bí ẩn của chị gái cùng cha khác mẹ của Shelley, Fanny Imlay. Nhà thơ kiêm học giả về Shelley, Fiona Sampson, người đã viết lời giới thiệu cho bộ sưu tập mới ra mắt của Manderley Press, tin rằng sự xấu hổ ẩn sau cái chết buồn này đã làm nên màu sắc của cuốn tiểu thuyết.
Shelley, khi đó vẫn được biết đến với cái tên Mary Godwin, đã từ Thụy Sĩ về Anh. Bà thuê nhà trọ tại Bath cùng người tình Percy Bysshe Shelley và đứa con nhỏ của họ. Sampson nói với tờ Observer rằng: "Với hy vọng tìm được một nơi kín đáo để sống, nhưng họ thực sự đã ở ngay trung tâm của nơi được Jane Austen mô tả là một nơi buôn chuyện".
Bi kịch nhanh chóng ập đến với họ, và không chỉ một lần. Đầu tiên, Harriet, người vợ 21 tuổi bị Percy bỏ rơi trước khi bỏ trốn cùng Shelley, đã tự tử bằng cách nhảy vào hồ Serpentine ở London. Sau đó, chị gái bà, Fanny, đứa con đầu lòng của người mẹ nổi tiếng Mary Wollstonecraft, với nhà ngoại giao người Mỹ Gilbert Imlay, cũng tự tử trong một phòng khách sạn ở Swansea.
Sampson đã tìm thấy bản tin gốc về việc phát hiện ra một thi thể vô danh trong các trang lưu trữ của tờ Cambrian Times khi bà đang nghiên cứu tài liệu để viết cuốn In Search of Mary Shelley. Trong số các manh mối về danh tính của xác chết là quần lót có chữ viết tắt tên người mẹ quá cố của họ, Wollstonecraft, và một chiếc khăn tay lụa của một quý ông. Tuy nhiên, đối với Sampson, câu hỏi chính là tại sao Imlay lại đi qua Bath, thay vì đi thẳng từ London, để đến Swansea.
Sampson nói: "Điểm dừng xe buýt nằm cạnh nghĩa trang Abbey, nơi Shelley và chị gái bà đã sống. Nhưng vào ngày Imlay đến Bath, nhật ký của Mary đã tạo ra bằng chứng ngoại phạm cho chồng. Khi giải mã nhật ký của bà ấy, rõ ràng là được viết để gửi tới công chúng, Shelley nói cụ thể rằng mình và Percy đã đi bộ đến South Parade để học vẽ, điều bà ấy thường không bao giờ đề cập đến”.
Sampson nghi ngờ về một sự bất ổn trong gia đình, có thể xuất phát từ tình cảm của Imlay dành cho Percy, người Shelley cũng yêu. “Chúng ta có thể đưa ra giả thuyết rằng Imlay đã gặp Percy vào ngày hôm đó vì ông ấy đã ngay lập tức lên đường đến Swansea khi nghe tin Imlay qua đời. Có dấu hiệu cho thấy Imlay đã phải lòng Percy và có lẽ lần gặp đó là sự từ chối cuối cùng”. Sampson dường như nghe thấy giọng buồn của Imlay trong lời than thở của Frankenstein: “Tôi cô đơn và khốn khổ. Chỉ có một người xấu xí như tôi mới có thể yêu tôi”.
Rebeka Russell, người chịu trách nhiệm xuất bản của bộ sưu tập mới, chia sẻ về những ngày của Shelley ở Bath. “Danh tiếng văn chương của Mary thường chỉ được biết tới qua Frankenstein, người chồng là nhà thơ nổi tiếng nhưng thực sự là một gã tồi và có thể cả tên tuổi của mẹ bà. Nhưng thực sự bà ấy đã gánh vác quá nhiều trách nhiệm, với tư cách là một người em, một người bạn đời, một người mẹ và một ‘người phụ nữ’ bị khinh miệt. Bộ sưu tập này cho thấy bà ấy là một người có cuộc sống phi thường của riêng mình”.
Tiếng nói về quyền phụ nữ
Hai bi kịch gần nhau này đã làm thay đổi cách hiểu về Frankenstein, bộ phim được Netflix chuyển thể. Trong khi công chúng thường coi Frankenstein là lời cảnh báo về những nguy cơ của khoa học, nhưng với tư cách là con gái của Wollstonecraft, người thúc đẩy quyền phụ nữ nổi tiếng nhất nước Anh, Shelley quan tâm đến tác động của thiên chức làm mẹ và trách nhiệm sinh nở. Trên thực tế, mẹ của Shelley đã không qua khỏi sau khi sinh hạ bà. Wollstonecraft qua đời vào năm 1797.
Maureen Lennon, nhà viết kịch đứng sau vở nhạc kịch mới về Wollstonecraft và Shelley, đồng tình rằng hai người phụ nữ này chủ yếu quan tâm đến những hạn chế đối với phụ nữ. Lennon, người viết vở kịch kể về sự nghiệp đầy phiêu lưu của Wollstonecraft cũng cho biết: “Fanny có một câu chuyện bi thảm. Khi Fanny chào đời, Wollstonecraft đã viết một tác phẩm tuyệt vời về nỗi sợ hãi của bản thân khi nhìn thấy đứa con của mình. Bà ấy nói rằng bà ấy muốn con mình có nguyên tắc và mạnh mẽ, nhưng cũng phải hạnh phúc. Tuy nhiên, bà ấy sợ rằng khó có thể đạt được tất cả chúng”.
Lennon cho biết: “Tôi muốn làm một chương trình về cách chúng ta nuôi dạy trẻ em gái và phụ nữ trẻ, bởi vì nhiều tác phẩm của Wollstonecraft vẫn mang cảm giác rất hiện đại”.
Nguồn Znews: https://znews.vn/quai-vat-frankenstein-sinh-ra-tu-dau-post1526197.html