Quái vật 'máy nghiền' mới lộ diện ở Brazil: Dài 6 m, 72 triệu tuổi
Titanochampsa iorii, cái tên bao hàm cụm từ Titan chỉ những người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp, đã được dùng để đặt cho loài quái vật đáng sợ ở São Paulo - Brazil.
Theo Sci-News, con quái vật được khai quật ở vùng Monte Alto thuộc São Paulo này là một loài cá sấu cổ đại, khổng lồ và chưa từng biết, sống cùng thời với những con thằn lằn hộ pháp (khủng long lớn nhất địa cầu titanosaurus) và khủng long abelisaurid ăn thịt.
Cùng với các quái vật kỷ Phấn Trắng nói trên, con cá sấu khổng lồ này đã thống trị vùng đất nay là Brazil trong giai đoạn từ 72 đến 66 triệu năm trước.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Thiago Fachini từ Đại học São Paulo cho biết con quái vật có thể dài đến 6 m khi còn sống và có cú cắn rất mạnh. Nó sống trong môi trường từ khô cằn đến bán khô hạn, nơi rải rác các đầm lầy nhỏ.
"Cả kích thước lớn của Titanochampsa iorii và vết cắn mạnh được suy đoán của nó đều phù hợp với lối sống lưỡng cư, bao gồm cả hành vi phục kích, như đã thấy ở hầu hết các loài cá sấu ngày nay và phù hợp với mối quan hệ có thể có của nó với các loài bò sát" - tiến sĩ Fachini cho biết.
Những mảnh đầu tiên từ cơ thể hóa thạch của nó đã được tìm thấy từ năm 1987, nhưng cho đến nay các nhà khoa học mới thu thập đủ dữ liệu để xác định được nó là một loài mới và mô tả sơ lược về nó.
"Với kích thước lớn và tính chất rời rạc, các phần hóa thạch của Titanochampsa iorii ban đầu được dán nhãn là một phần hộp sọ của một con thằn lằn hộ pháp" - các tác giả cho biết. Mãi đến gần đây họ mới phát hiện các bất thường và nhận thấy nó phải là một loài cá sấu cổ đại.
Hộp sọ vẫn còn nguyên một phẩy vảy ở góc bên hộp sọ, giúp tái tạo lại "dung nhan" của nó dễ dàng hơn.
Ngoài việc đại diện cho một nhóm cho đến nay ít được biết đến trong kỷ Phấn trắng của Brazil, Titanochampsa iorii góp phần hiểu rõ hơn về các khía cạnh tiến hóa của cá sấu cũng như nhóm mà nó đại diện, vốn còn để lại con cháu cho đến ngày nay, trong khi các nhóm cá sấu cổ đại khác của kỷ Phấn Trắng đã tuyệt chủng gần hết.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Historical Biology.