Quán ăn dè dặt bán các món có thịt lợn
HNN - Trước diễn biến phức tạp của bệnh liên cầu lợn, nhiều quán ăn ở TP. Huế dè dặt khi bán các món chế biến từ thịt lợn. Hiện, chính quyền địa phương và ngành y tế đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn các món tái sống liên quan đến thịt lợn.

Hiện nay, khách chỉ chọn ăn bún bò thay vì ăn bún thịt lợn như trước
Quán vắng khách vì thiếu thịt lợn
Sáng của một ngày giữa tháng 7, tôi đến khu vực chợ Tây Lộc (phường Phú Xuân), một trong những điểm tập trung nhiều hàng ăn sáng tại TP. Huế. Khác với vẻ rộn ràng quen thuộc, các quán bán bún bò, bánh canh… trở nên ít khách hẳn. Chị Lan, chủ quán bán bún bò, giò heo ở khu vực này chia sẻ: “Mấy ngày nay chị không nấu bún có giò heo nữa mà bán bún bò tái, bò hầm. Bệnh liên cầu lợn đang xuất hiện ở địa phương, mình sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng”.
Theo chị Lan, từ đầu tuần, sau khi nghe tin về các ca mắc liên cầu lợn nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế, chị rất dè dặt khi chế biến bán các món có nguyên liệu từ thịt lợn. Lượng khách cũng vắng rõ rệt, vì bún bò Huế mà không có giò heo thì còn gì gọi là “bún bò Huế” nữa, nhưng an toàn là trên hết. Chờ vài hôm nữa, khi không còn bệnh liên cầu lợn chị lại bán bún bò, giò heo.
Không chỉ quán chị Lan, hàng loạt quán ăn khác tại đường Phùng Hưng, Đinh Tiên Hoàng, Trường Chinh, Nguyễn Huệ, Đặng Huy Trứ… cũng rất ít bán các món chế biến từ thịt lợn. Anh Nguyễn Văn Đức, chủ một quán cơm bình dân tại đường Nguyễn Sinh Cung (phường Vỹ Dạ) chia sẻ: “Mấy hôm nay tôi chuyển sang bán gà, cá, rau củ. Mình bán hàng ăn phải có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng”.
Theo ghi nhận từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y TP. Huế, từ giữa tháng 7 đến nay, lượng tiêu thụ thịt lợn ở các chợ truyền thống giảm hơn 50% so với trước đây. Hiện tại, mỗi ngày các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên toàn thành phố tiêu thụ khoảng 30 tạ thịt lợn móc hàm (thịt sau mổ). Một số đầu mối bán sỉ khách đặt hàng ít lại vì sức tiêu thụ quán ăn giảm đáng kể.
Không nên ăn nem sống, tiết canh
Bên cạnh động thái ngưng bán thịt lợn của nhiều hàng quán, công tác tuyên truyền, phòng bệnh cũng đang được các cấp, ngành ở TP. Huế đẩy mạnh. Trên các kênh thông tin truyền thông từ thành phố đến phường, xã đã có những khuyến cáo liên quan đến bệnh liên cầu lợn. Nhiều nội dung nhấn mạnh: “Người dân tuyệt đối không ăn nem chua, nem nướng chưa qua xử lý nhiệt, tiết canh hoặc các món tái sống từ thịt lợn. Luôn thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi”.
Bà Nguyễn Thị H., tiểu thương bán nem chua tại chợ Đông Ba cho biết, bình thường nem chua của bà bán rất chạy, khách quen đặt cả trăm cây mỗi tuần. Giờ thì ế hẳn vì người ta sợ bệnh. Mấy hôm nay bà H. tạm dừng bán nem sống. “Tôi cảm thấy buồn nhưng không thể vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe người khác” - bà H. nói.
Theo thông tin từ Sở Y tế, tại TP. Huế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận có 37 ca bệnh liên cầu lợn. Các bệnh nhân đều có tiền sử ăn tiết canh, nem chua sống hoặc các món ăn chưa nấu chín từ thịt lợn.
Mới đây, tại hội nghị tập huấn “Kiểm soát và điều trị bệnh liên cầu lợn” để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn do Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức, bác sĩ CKII Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Huế thông tin: Liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, có thể gây nhiễm trùng máu, viêm màng não, tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Vi khuẩn này không chết nếu thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân thay đổi thói quen ăn uống, không sử dụng các sản phẩm sống, tái, đặc biệt là tiết canh, nem chua.
“Việc “ăn chín, uống sôi”, tuyệt đối tránh xa các món tái sống cần được xem là thông điệp cần thiết, không chỉ trong mùa bệnh mà trong đời sống hằng ngày” - lãnh đạo CDC thành phố chia sẻ thêm.
Hiện nay, TP. Huế đang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn. Đặc biệt ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng liên quan từ thành phố đến phường, xã để đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân cam kết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn. Các trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể cũng được yêu cầu siết chặt kiểm tra đầu vào thực phẩm.
Lãnh đạo Sở Y tế lưu ý, bệnh sẽ được kiểm soát nếu người dân cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Hiện nay không ai cấm bán hay ăn thịt lợn nếu được nấu chín kỹ và có nguồn gốc rõ ràng. Nhưng ăn thịt sống, tiết canh hay nem chua sống lúc này là cực kỳ nguy hiểm. Không nên chủ quan vì có thể phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí cả tính mạng…