Quán ăn 'mỗi ngày một món', gần 30 năm khách không cần thắc mắc 'hôm nay ăn gì'
Cứ nghe khách than 'không biết hôm nay ăn gì', chị Trình nghĩ ra ý mỗi ngày nấu một món. Điều đặc biệt này khiến quán ăn nằm trong con hẻm nhỏ của chị nườm nượp khách gần 30 năm qua.
Không còn thắc mắc “hôm nay ăn gì?”
Nằm trước hẻm 233 đường Trần Quý (quận 11, TP. HCM), quán ăn chị Mười của vợ chồng chị Trần Thị Trình (44 tuổi) luôn nườm nượp khách sau giờ nghỉ trưa.
Dù quán chị Mười chỉ có vỏn vẹn vài chiếc bàn, ghế nhựa, thế nhưng luôn hút khách bởi sự đặc biệt của nó.
Quán ăn chị Mười của vợ chồng chị Trần Thị Trình (44 tuổi)
Được biết, quán mở cửa vào lúc 11h30 đến 16h30 các ngày trong tuần. Các món ăn dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/tô. Riêng món bánh canh cua, nếu thực khách muốn gọi thêm cua nguyên con, giá sẽ dao động từ 90.000 - 120.000 đồng.
Quán ăn này không bán cố định 1 món mà các món ăn được bán sẽ thay đổi theo ngày. Thứ hai bán bún thái, thứ ba bán bánh canh cua, thứ tư bán mì vịt/gà tiềm, thứ năm bán cà ri gà/vịt, thứ sáu bán bún mì vàng, thứ bảy bán bún mắm, chủ nhật bán bánh canh cua.
Menu đa dạng các món, được bán khác nhau theo ngày trong tuần
Khi được hỏi về ý tưởng bán mỗi ngày một món khác nhau, chị Mười cho biết: “Cứ nghe khách than không biết hôm nay ăn gì, tôi lại nghĩ ra ý mỗi ngày nấu một món. Điều này vừa giúp quán mình đặc biệt hơn, vừa giúp cho khách ăn đỡ ngán”.
Nguyên liệu được vợ chồng chị Trình chọn phải là nguyên liệu tươi, sống. Cứ đúng 6h sáng mỗi ngày, vợ chồng chị Trình sẽ ra chợ để đích thân chọn lựa nguyên liệu, rồi chuẩn bị dần đến 11h là dọn ra bán.
Nguyên liệu ở đây hoàn toàn là nguyên liệu tươi sống, được chọn kỹ
Thực khách ở đây hầu như là khách quen, ăn lâu năm. Khi được hỏi món nào ở đây ngon nhất, đa phần không ai trả lời được vì họ dường như thích… hết tất cả các món trong thực đơn.
Bên cạnh đó, một số người mới tới đây ăn cho rằng món họ thích nhất là bánh canh cua và bún mắm.
Tô bún mắm đầy đủ có gồm tôm, mực, ớt sừng dồn, chả cá, chả lụa, thịt heo quay, rau các loại... đậm chất miền tây. Bánh canh cua tô đầy đủ gồm giò, tôm, chả cá, huyết.
Cả hai món có điểm chung là nước lèo được nêm vừa phải, không quá mặn và rất vừa ăn. Đặc biệt, món còn thu hút thực khách bởi mùi hương. Nhiều thực khách cho biết, vừa ngồi xuống bàn, món chỉ vừa mới xong ở quầy đã nghe mùi thơm “nức” mũi.
Tô bánh canh cua trông bắt mắt với đầy đủ nguyên liệu
“Tôi ăn ở đây đã mười mấy năm rồi. Lúc đầu thấy mỗi ngày bán mỗi món khác nhau cũng hơi lạ. Nhưng ăn riết rồi ghiền. Món ăn ở đây vừa ngon, vừa rẻ, rất hợp túi tiền đối với những người là công nhân, sinh viên”, anh Nguyễn Hoàng Long (ngụ quận 10) chia sẻ.
Chị Phan Thu Thảo (ngụ quận 11) cho biết: “Ăn ở đây quen rồi, ăn chỗ khác tôi ăn không được. Ở đây thích nhất là bánh canh cua, vì nước lèo nấu ngon, trong tô chị ấy cho nhiều cua, huyết, chả nên tôi thích lắm”.
4 tiếng bán vài trăm tô, khách đi nước ngoài vẫn gọi về kêu “nhớ”
Chị Trình kể, ngày xưa do gia đình ở quê nghèo, lại đông thành viên nên chị cùng anh em trong gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp. Sài Gòn đất chật, người đông, thời gian đầu chị gặp khó khăn khi tìm việc làm. Nhưng rồi nhận thấy bản thân yêu thích nấu ăn, chị mới bắt đầu tự tìm hiểu và học hỏi cách nấu từ chị của mình.
Quán chị Mười nằm trước hẻm 233 đường Trần Quý (quận 11, TP. HCM)
Lúc trước, các món trong thực đơn được bán với giá 10.000 đồng, sau vật giá leo thang, chị Trình nâng giá lên 12.000, 15.000 rồi lên 30.000 đồng như bây giờ.
"Mỗi món tôi chỉ bán 25.000 tới 30.000 đồng, mặc dù mình có thể nâng giá để lời hơn, nhưng tôi vẫn quyết định giữ nguyên giá. Khách của mình đa phần là công nhân, họ không có điều kiện để ăn món ăn đắt đỏ 40.000, 50.000 đồng. Tuy bán rẻ, lời ít, nhưng đổi được cái mình giữ chân khách lâu hơn”, chị Trình nói.
Chồng chị Trình đích thân đi giao món ăn nếu khách có nhu cầu giao tận nhà
Kinh doanh ngoài đường phố gần 30 năm, chị cho biết khó khăn nhất là về mặt thời tiết, thức khuya dậy sớm khiến sức khỏe chị không được tốt. Ấy vậy mà, cứ hễ trời mưa thì chị lại buồn, một phần buồn vì bán… ế, một phần vì nhớ khách.
“Trời mưa không thấy khách hay bữa nào nghỉ là buồn lắm. Tại nhiều khi bán vầy, khách tới ăn họ đứng nói chuyện, kể này kể kia cũng vui, bữa nào không bán thấy… thiếu thiếu, đâm ra buồn lắm”, chị nói.
Nhiều khách hàng đến đây vừa ăn, vừa trò chuyện với vợ chồng chị Trình
Chị Trình kể, có nhiều khách quen, là “bạn hàng” với chị suốt mười mấy năm trời. Thời điểm họ phải ra nước ngoài sinh sống, có vài người gọi điện thoại về cho chị, nhờ chị quay phim tô bánh canh cua cho đỡ… nhớ, rồi kể chuyện này chuyện kia, hứa khi nào trở về Việt Nam sẽ ghé ăn nữa.
Quán ăn của chị chỉ có vỏn vẹn khoảng 4 cái bàn, vài chiếc ghế nhựa được xếp sao cho gọn nhất vì con hẻm chỉ vừa hai chiếc xe gắn máy đi qua. Thế nhưng, quán của chị Trình vẫn nườm nượp khách gần 30 năm qua.
Quán chị Mười luôn nườm nượp khách vào giờ ăn trưa
Vậy nên, khách quen đi xa là nhớ quán chị Mười, có thể nói nhớ ở đây không chỉ là nhớ mùi vị tô bánh canh cua mà chị nấu, mà còn nhớ nụ cười, sự thân thiện của vợ chồng chị Trình đối với khách hàng.