'Quần áo rác' được biến thành đồ hiệu
Thị trường thời trang đã qua sử dụng đang phát triển mạnh mẽ tại Hàn Quốc. Đặc biệt, quần áo hàng hiệu second-hand phù hợp với nhu cầu của người trẻ muốn có phong cách riêng.
Lee Dong-jin đứng trước cửa hàng quần áo hàng hiệu đã qua sử dụng của mình ở Seoul mang tên “JANDARIROSTORE” - được đặt theo tên con phố nó tọa lạc từ năm 2016. Chàng trai 24 tuổi thành công khi tạo dựng nên một đế chế thời trang nhờ thói quen mua sắm tiết kiệm từ những năm trung học của mình.
Trên bức tường phía sau anh treo chiếc áo vest của Chrome Hearts, kèm theo đồ trang sức mang tính biểu tượng từ thương hiệu cao cấp dọc theo cổ áo. Nó được bán với giá 10 triệu won (8.350 USD).
Đây là món hàng đắt nhất trong tiệm và Lee có một số khách hàng có thể mua chúng.
Một trong những người nổi tiếng từng mua đồ của anh là các nhà tạo mẫu từ 3 hãng thu âm lớn của K-pop: SM, JYP và YG. Hai rapper Swervy và Dbo cũng là những khách hàng thường xuyên.
Lee khởi nghiệp cách đây 9 năm với việc bán quần áo trên các nền tảng trực tuyến để vừa kiếm tiền, vừa nuôi dưỡng đam mê thời trang của mình.
“Tôi luôn cố gắng để trông đặc biệt và mặc quần áo khác người. Tôi từng nổi tiếng là học sinh ăn mặc đẹp nhất ở trường trung học”, Lee chia sẻ với SCMP, nói thêm rằng sự tự tin của anh lớn dần lên nhờ việc mua và mặc trang phục yêu thích.
Ngành thời trang second-hand phát triển nhanh chóng
Thời điểm Lee bắt đầu hành trình theo phong cách của riêng mình, các ứng dụng bán quần áo cũ (thường gọi là đồ second-hand hay vintage) cũng dần trở thành lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong nước. Khoảng 37% người dùng điện thoại thông minh Hàn Quốc sử dụng ứng dụng bán đồ cũ, theo dịch vụ phân tích ứng dụng Wiseapp/Retail/Goods.
Sự phát triển này trùng với làn sóng tiêu dùng mới của những người thích giữ mức chi tiêu thấp. Các cửa hàng bán quần áo vintage với giá khoảng 25-66 USD, đồng thời đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường thông qua việc tái chế.
Hai xu hướng song song này đã thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang second-hand của Hàn Quốc đạt giá trị hơn 400 tỷ won (330 triệu USD) vào năm 2020, theo Boston Consulting Group. Trong đó, thời trang xa xỉ đã qua sử dụng chiếm hơn 40% “chiếc bánh”.
Ngành này được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh gấp 11 lần so với quần áo bán lẻ hoàn toàn mới trong vài năm tới để trở thành thị trường trị giá 77 tỷ USD vào năm 2025.
Seol Dong-nam, một khách của JANDARIROSTORE, đã phải tiết kiệm hàng tháng trời để mua món gì đó từ những nhà mốt Mỹ như Rick Owens hoặc từ Saint Laurent - những thương hiệu yêu thích, chiếm khoảng 80% tủ quần áo của anh.
“Khoảng 5 năm trước, tôi bắt đầu quan tâm đến Saint Laurent sau khi thấy G-Dragon mặc đồ hiệu mọi lúc”, anh chàng 27 tuổi nói về nam rapper K-pop nổi tiếng, người từng là đại sứ cho nhiều thương hiệu sang trọng. "Giờ đây, rất nhiều rapper như Giriboy và Kid Milli đang khiến giới trẻ tìm đến quần áo hàng hiệu".
Những rapper như vậy thường xuyên đề cập đến các thương hiệu thiết kế trong lời bài hát của họ và đăng những bức ảnh mặc quần áo hàng hiệu lên Instagram.
Từ kinh nghiệm cá nhân, Lee biết rằng chính mong muốn được nổi bật đã thu hút rất nhiều người hướng tới trang phục thiết kế riêng hoặc trang phục cao cấp đã qua sử dụng.
Anh tự hào về sự kết hợp đa dạng của quần áo trong cửa hàng tự tay mua từ các nhà cung cấp tư nhân trên khắp thế giới.
Ví dụ, trong cửa hàng của Lee có chiếc áo khoác denim đến từ một chủ cửa hàng băng đĩa ở Nhật Bản, trong khi chiếc áo sơ mi cổ điển khác đến từ một nhà thiết kế ở Italy. Những món đồ được anh lựa chọn cẩn thận thường được bán với giá 100.000-200.000 won (83-165 USD).
Nhu cầu được khác biệt
Sự khác biệt cũng là điều đưa mọi người đến với Cat Selling Clothes, một cửa hàng đồ cũ nằm trong hai nhà kho cách Seoul không xa.
Hwang In-ho (28 tuổi) tới đây mua sắm với bạn gái. Hai người đã xem đồ trong khoảng một tiếng, hào hứng khi nhìn thấy vô số món khác nhau.
Hwang nói: “Chúng tôi có thể xem một lượng lớn quần áo ở đây. Thời trang ngày nay không bị giới hạn bởi những phong cách được gọi là xu hướng, vì vậy chúng tôi có thể chọn những món đồ phù hợp với phong cách cụ thể mà mình tìm kiếm”.
Cat Selling Clothes mở cửa vào năm 2017 bởi Kim Young, người có ước mơ biến cơ sở của mình thành một cửa hàng nhượng quyền toàn cầu tương tự America’s Goodwill hay Japan’s 2nd Street.
Cô đã xây dựng kho hàng ở một vùng nông thôn tại Gimpo, thành phố cách Seoul khoảng 16 km về phía Tây. Mỗi tháng, cửa hàng này nhận 60 tấn quần áo đã qua sử dụng từ các kho tái chế ở Mỹ, châu Âu và các khu vực khác của châu Á.
Khoảng 10% quần áo được nhân viên chọn bằng tay, sau đó giặt, ủi và treo lên giá. Quy tắc chung là quần áo được bán với giá thấp hơn 30% so với sản phẩm mới tương đương trong các cửa hàng thông thường.
Hiện tại, doanh thu hàng năm của Kim là khoảng 900 triệu won (744.000 USD), với tỷ suất lợi nhuận tăng 5%/năm.
“Chúng tôi muốn đưa việc mua sắm đồ cũ trở thành xu hướng chủ đạo bằng cách thay đổi nhận thức về quần áo đã qua sử dụng. Đất nước của chúng tôi thậm chí còn có những niềm tin tâm linh về việc mặc chúng”, Kim nói.
Nhiều người Hàn Quốc cho rằng nếu bạn mặc quần áo của những người nghèo hoặc bị bệnh, vận rủi sẽ ghé thăm. Tương tự, một số người tin rằng đàn ông mặc quần áo của phụ nữ cũng không may mắn.
Thời gian đã thay đổi nhiều thứ. Sự phát triển của ngành công nghiệp đồ cũ khiến Kim tự tin về việc mở rộng kinh doanh sang Seoul. Cô hy vọng sẽ sớm mở được chi nhánh ở đó.
“Ngành công nghiệp này đã phát triển đáng kể trong hai năm qua, có rất nhiều doanh nhân trẻ nhảy vào cuộc đua”.
Nguyên nhân của sự phát triển này liên quan đến lợi thế về chi phí khi mở cửa hàng quần áo cũ so với các hoạt động kinh doanh khác. Ngoài nhiều cửa hàng thời trang vintage hoạt động ngoài tầng hầm hoặc các cửa hàng nhỏ, ngày càng có nhiều cửa hàng xuất hiện trên Instagram.
Xu hướng của giới trẻ
Lee Kye-hwan là quản lý B.R.O Vintage, tài khoản Instagram của thương hiệu với gần 10.000 người theo dõi. Giống như nhiều cửa hàng đồ cũ khác trên mạng, anh tải lên các bức ảnh chụp khoảng 10 chiếc quần, áo mỗi ngày, mô tả rõ tình trạng và giá của chúng.
Sản phẩm của các hãng nổi tiếng như The North Face và Lacoste có xu hướng xuất hiện hàng ngày, trong khi các thương hiệu thiết kế như Saint Laurent và Burberry thỉnh thoảng mới có hàng.
“Vì hầu hết khách hàng của chúng tôi ở độ tuổi 20 và 30, họ chuyển sang các cửa hàng đồ second-hand vì không đủ khả năng mua những bộ quần áo mới với giá gốc. Loại hình mua sắm này thậm chí còn dễ tiếp cận hơn vì những người trẻ tuổi cảm thấy thoải mái nhất khi giao tiếp thông qua tin nhắn trực tiếp hoặc theo dõi livestream”, Lee nói.
Theo Woo Hong-joo, giáo sư nghiên cứu về quần áo và dệt may tại Đại học Yonsei, sự xuất hiện của chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức trong giới trẻ đã thúc đẩy thói quen mua đồ vintage trong ngành thời trang của Hàn Quốc.
“Người tiêu dùng trẻ ngày nay rất nhạy cảm về việc tiết kiệm chi phí, lựa chọn các sản phẩm bền vững và đưa ra các lựa chọn bảo vệ môi trường. Mặc dù chúng ta không bằng các nước như Mỹ về khoản quyên góp quần áo hay mua sắm ở chợ trời, người Hàn Quốc đang dần thay đổi nhận thức của họ về hàng hóa đã qua sử dụng”, bà Woo nói.
Chợ đồ cũ trực tuyến Danggeun Market đã trở thành một trong những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất của người Hàn Quốc.
Với hơn 17,75 triệu người dùng trên các ứng dụng mua bán đồ cũ, thậm chí còn có các nền tảng như Kream và Koodon đặc biệt tập trung vào quần áo và thương hiệu cao cấp.
Woo cũng cho biết đại dịch đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, vì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và khó tìm việc làm khiến nhiều người có ít tiền hơn để chi tiêu.
Có nghiên cứu chứng minh mối liên quan giữa lòng tự trọng và sự tự tin cao với việc tiêu dùng hàng xa xỉ. Nhưng Woo tin rằng có những lý do tâm lý khác khiến mọi người tiêu tiền vào thời trang.
“Vì người trẻ không có nhiều thứ có thể kiểm soát vào thời điểm này, họ đang chọn thái độ không sợ hãi hơn khi chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ và tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc hiện tại. Đó gọi là thái độ sống YOLO - bạn chỉ sống một lần”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-ao-rac-duoc-bien-thanh-do-hieu-post1294265.html