Quản Bạ đẩy mạnh khai thác lợi thế phục vụ du lịch trải nghiệm
Được biết đến là một trong những địa phương hội tụ nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Để khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, huyện Quản Bạ luôn chú trọng triển khai thực hiện các giải pháp phát triển du lịch; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với tiềm năng và lợi thế, ngành Du lịch huyện Quản Bạ có khả năng phát triển ở tất cả các loại hình du lịch và tạo nên những sản phẩm đặc thù: Du lịch khám phá, tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Thạch sơn thần, miếu Làng đán, đền Bình An, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) dân tộc Bố Y xã Quyết Tiến; cổng trời, núi Đôi, đệ nhất động Lùng Khúy, Làng VHDLCĐ Nặm Đăm xã Quản Bạ; hang Khố Mỷ; làng nghề rượu ngô xã Thanh Vân; trải nghiệm dệt lanh xã Lùng Tám..., cùng nhiều điểm du lịch trải nghiệm khác được thiên nhiên ưu đãi ban tặng. Du lịch trải nghiệm, sinh thái tại các làng văn hóa cộng đồng, các homestay để du khách cùng tham gia các hoạt động trong đời sống của người dân; du lịch văn hóa tâm linh với hệ thống các di tích văn hóa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc gắn với văn hóa tín ngưỡng độc đáo cùng những lễ hội phong phú và nhiều hoạt động văn hóa gắn với đời sống của đồng bào như: Lễ hội Gàu tào, Lễ hội Bắt cá của người Dao, Lễ hội Văn hóa dân tộc Bố Y, Lễ hội Miếu Làng Đán...
Anh Lý Tà Đành, Trưởng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, chia sẻ: Trong 6 tháng đầu năm, Làng VHDLCĐ thôn Nặm Đăm đã thu hút trên 2,5 nghìn khách đến tham quan, lưu trú và trải nghiệm các dịch vụ du lịch. Đó là tín hiệu vui đối với người dân trong thôn và cũng thể hiện được hiệu quả của dịch vụ du lịch của Làng. Ngày nay, khi người dân cày cấy, gặt lúa, hái thuốc...; du khách cũng muốn được trải nghiệm cùng, và đó là điều mà tôi cũng như cả làng đang hướng đến để góp phần tạo động lực phát triển Làng VHDLCĐ Nặm Đăm mạnh hơn nữa.
Ngoài các làng nghề, làng văn hóa cộng đồng dân tộc, đền, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; huyện Quản Bạ còn có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch gắn với nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương đáp ứng nhu cầu thiết yếu trải nghiệm thực tế của du khách như: Trải nghiệm tắm lá thuốc, ngâm chân dược liệu; tham quan các HTX chế biến dược liệu, mật ong, vườn Hồng không hạt…; thổ cẩm dệt lanh, ẩm thực độc đáo mang đậm chất hương vị của đồng bào; cày cấy, trồng rau cùng người dân…, góp phần thu hút khách du lịch trong xu hướng du lịch trải nghiệm của nhiều du khách ngày nay.
Đồng chí Sèn Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Trong những năm gần đây, huyện đã và đang tiếp tục vận dụng từ những cảnh quan thiên nhiên ban tặng, từ thực tiễn cuộc sống của đồng bào; huyện quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa cao, tạo động lực cho ngành nghề khác phát triển theo hướng bền vững. Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư khai thác thế mạnh về du lịch văn hóa dân tộc Mông, Dao, Bố Y…, gắn với làng nghề truyền thống. Đồng thời, huyện cũng có kế hoạch bảo tồn những sản phẩm du lịch đặc sắc tại các địa phương, tu sửa, nâng cấp các điểm di tích; phát triển dựa trên sự bảo tồn các nét văn hóa phi vật thể cùng nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch..., nhằm tạo ra những sản phẩm mang tính đặc thù, riêng biệt. Hướng tới, toàn huyện chung tay xây dựng Quản Bạ trở thành điểm đến văn minh, thân thiện, an toàn, hấp dẫn du khách. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao toàn diện đời sống nhân dân địa phương.
Bài, ảnh: Vương Mai