Quản Bạ tích cực phát triển Chương trình OCOP

Trong thời gian qua, huyện Quản Bạ đã có nhiều sản phẩm đặc trưng (OCOP) đạt hạng cao, tạo hiệu ứng tích cực cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ngoài những sản phẩm đã đạt hạng, việc tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm chưa đạt OCOP trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Thành viên HTX Dược liệu Nà Chang, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) dán nhãn mác sản phẩm. Ảnh: LÊ HẢI

Thành viên HTX Dược liệu Nà Chang, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) dán nhãn mác sản phẩm. Ảnh: LÊ HẢI

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, các mặt hàng nông sản huyện Quản Bạ đang tích cực triển khai Chương trình OCOP tại các xã. Trong đó, đã có 27 chủ thể (gồm 12 HTX, 1 tổ hợp tác, 14 chủ thể là các hộ dân) đăng ký 37 sản phẩm tham gia OCOP và có 16 sản phẩm OCOP đã đạt hạng 3, 4 sao trên tổng số 93 sản phẩm toàn tỉnh. Theo quy định, các sản phẩm đã đạt sao sẽ có hiệu lực trong vòng 3 năm, trong thời gian đó, các cơ sở phải tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để giữ vững chất lượng và nâng hạng sao cho sản phẩm. Điều này khá khó khăn đối với các sản phẩm đã đạt hạng sao cao, do hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đều là những cơ sở nhỏ, lẻ, nguồn vốn ít nên không đáp ứng được các yêu cầu về máy móc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để tiếp tục nâng hạng. Trong khi các sản phẩm mới đang trong quá trình hoàn thiện nên việc tham gia thi OCOP vẫn còn nhiều trở ngại.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, Phạm Ngọc Pha cho biết: Đối với 7 sản phẩm đã được hỗ trợ kinh phí thực hiện năm 2019 nhưng chưa đạt sao cấp tỉnh, huyện đang hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm tiếp tục dự thi phân hạng cấp tỉnh năm 2020. Đồng thời, dự kiến đưa 21 sản phẩm mới dự thi năm 2020, phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm đạt sao cấp tỉnh. Các sản phẩm dự thi năm nay vẫn là các cơ sở trước đây đã có sản phẩm đạt OCOP như: HTX Kim Thăng, HTX Cộng đồng Nặm Đăm, HTX Phát triển dược liệu Thanh Long... Với các sản phẩm dự thi gồm: Mật ong gừng Mạnh Sơn, Cao Atiso, Trà Bản Shan Hồng Ngọc, Trà Giảo cổ Lam, Cao Củ dòm, Vỏ gối thổ cẩm... Ngoài ra, chưa thu hút được các chủ thể mới phát triển sản phẩm.

Để tạo sức hút và lan tỏa, nhất là tập hợp, nâng cao nhận thức của nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu của địa phương, huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tuyên truyền đến nhân dân về xây dựng sản phẩm OCOP. Hướng dẫn các HTX kiện toàn lại bộ máy theo đúng Luật HTX năm 2012; vận động thành lập các HTX theo các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của huyện; tăng cường mở các lớp tập huấn chuyên đề cho các HTX và chủ thể OCOP tập trung vào các nội dung về xây dựng, triển khai kế hoạch kinh doanh, an toàn thực phẩm, kỹ năng bán hàng và quảng bá thương hiệu.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm mới, Quản Bạ cũng tăng cường tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất chú trọng kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng. Đặc biệt, sản phẩm tham gia chương trình OCOP phải được truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã QR ứng dụng trên điện thoại di động, đảm bảo công khai thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đến nay, huyện đã có 65 sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã QR, đây là một lợi thế cho các sản phẩm của Quản Bạ. Cùng với đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu, tạo được niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Lê Hải

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/moi-vung-que-mot-san-pham/202010/quan-ba-tich-cuc-phat-trien-chuong-trinh-ocop-766309/