Quán cafe, nhà nghỉ không thiếu, sao lại lên Mã Pí Lèng?
Chúng ta đã từng có một Đà Lạt, một Sapa không khác gì Mã Pí Lèng ngày nay. Đẹp một nét đẹp riêng, tự nhiên và nên thơ. Thế rồi chúng ta ngồi đây để tiếc nuối về Đà Lạt, Sapa xưa cũ mà không hề thấy rằng có một Mã Pí Lèng cũng sắp sửa trở thành ký ức.
Mã Pí Lèng được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Người ta yêu quý Mã Pí Lèng bởi cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ, chưa có sự tác động của bàn tay con người. Tuy nhiên mới đây, hình ảnh những tòa nhà bê tông sừng sững giữa bao la núi đồi “danh thắng quốc gia” đã khiến nhiều người không khỏi bức xúc, thậm chí gọi đấy là “hạt sạn”, “những cái răng sâu”.
Khu nhà nghỉ, quán cafe gây nhiều tranh cãi tại Mã Pí Lèng.
Nhiều người cho rằng những quán café, nhà nghỉ vừa được xây mới này sẽ là địa điểm lý tưởng cho khách du lịch thư giãn, thưởng ngoạn khung cảnh. Tuy nhiên, chúng ta không thiếu những quán café, lại càng không thiếu những khách sạn, nhà nghỉ tiện nghi, sao phải lên Mã Pí Lèng?
Những năm gần đây, người ta bàn nhiều về môi trường, nói nhiều về sự bê tông hóa làm mất cảnh quan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái tự nhiên của vùng. “Nạn nhân lên tiếng” gần nhất chính là Đà Lạt. Từ một thành phố được phủ kín bởi sương mù và thông xanh, Đà Lạt từng bước chuyển mình.
Đà Lạt để lại nhiều tiếc nuối khi ngày càng mất đi vẻ đẹp nên thơ, trầm buồn của mình. Ảnh: Zing.
Sapa như một “đại công trường” ngổn ngang. Ảnh: Phụ Nữ Online.
Những hàng thông già dần biến mất nhường chỗ cho homestay, biệt thự chen chúc nhau. Những con đường đất ngày nào cũng dần được trải thảm nhựa. Hay Sapa, một hòn ngọc “nghỉ dưỡng” cũng đã bị biến chất hoàn toàn, trở thành một “đại công trường” ngổn ngang.
Chúng ta đã từng có một Đà Lạt, một Sapa không khác gì Mã Pí Lèng ngày nay. Đẹp một nét đẹp riêng, tự nhiên và nên thơ. Thế rồi chúng ta ngồi đây để tiếc nuối về Đà Lạt, Sapa xưa cũ mà không hề thấy rằng có một Mã Pí Lèng cũng sắp sửa trở thành ký ức.
Mã Pì Lèng bao gồm 9 khúc quanh uốn lượn quanh co với vách đá cao dựng đứng và vực thẳm sâu hun hút ở 2 bên đường. Con đường này được xem là kỳ tích tạo nên từ bàn tay của hàng nghìn người dân Hà Giang. Ảnh: Jess.ramella.
Mã Pí Lèng khác biệt và có giá trị bởi chính vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của nó. Đặt một tòa nhà bê tông vào đấy cũng đủ biến nơi này trở nên đại trà. Ở miền xuôi, chúng ta có hàng ngàn quán cafe, hàng ngàn khách sạn nhà nghỉ, đủ để phục vụ hết thảy những ai cần thư giãn, nghỉ dưỡng. Cái chúng ta thực sự thiếu là một cảnh quan tự nhiên chưa có sự khai phá của con người như Mã Pí Lèng.
Thế nhưng, chúng ta lại cố biến thứ mình đang thiếu thành thứ đại trà, thừa mứa ngoài kia.
Băng qua đoạn đường đèo khoảng 20 km ở Mã Pí Lèng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy rộng lớn trên đỉnh núi có độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển. Ảnh: Toays_.
Có người nói Mã Pí Lèng không có nơi cho khách nghỉ ngơi, nhưng trên thực tế, chỉ cần đi vào một chút nữa, trong bản đã có những nhà nghỉ, homestay bài bản. Đừng chỉ vì một quãng ngắn đường đi, vì tính ích kỷ của con người, mà dễ dãi chấp nhận để một “danh thắng quốc gia” phải đánh mất đi bản chất của nó.
Nói về ích kỷ, một số người khác lại cho rằng người phản đối việc xây dựng khu café, nhà nghỉ mới là kẻ ích kỷ. Tại sao những nơi khác được phép xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình nhà cửa nhưng Mã Pí Lèng lại phải giữ vẻ hoang sơ?
Mỏm đá cheo leo giữa vách núi là điểm check-in được nhiều bạn trẻ lựa chọn để lấy toàn cảnh núi rừng và dòng sông dưới vực thẳm tuyệt đẹp. Ảnh: Justalex.tm.
Mỗi người đều có lý lẽ riêng cho mình, nhưng giá mà họ nhìn xa hơn. Phát triển đi đôi với môi trường và hệ sinh thái thì mới là phát triển bền vững. Ai mới là người ích kỷ khi chỉ chăm chăm vào lợi nhuận kinh tế trước mắt mà “bức tử” một trong những thắng cảnh cấp quốc gia? Chúng ta có thể phát triển kinh tế, đời sống bằng nhiều cách, nhưng chúng ta không có cách nào lấy lại vẻ đẹp của một danh cảnh một cách nguyên vẹn khi nó bị phá hủy bởi bàn tay con người.
Hơn nữa, đây là một dự án tư nhân, cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ du lịch của người dân tại đây. Những lợi nhuận suy cho cùng cũng “đổ” vào túi những tư nhân này, người dân được lợi ở đâu? Thực tế hiện nay, du lịch ập tới đâu là chỗ đấy coi như “hỏng”. Môi trường tự nhiên, văn hóa địa phương,… sẽ lần lượt bị phá hủy. Con chim chỉ hạnh phúc khi được bay, giá trị của Mã Pí Lèng vốn dĩ luôn nằm ở cảnh sắc tự nhiên của nó. Cố biến Mã Pí Lèng thành một thứ giá trị khác với nguyên gốc, ai mới là người ích kỷ?
Cảnh sắc tự nhiên của Mã Pí Lèng. Ảnh: Nhenden.
Tiền lệ là thứ cần nhắc đến. Khu nhà nghỉ, quán café này là cái đầu tiên được xây dựng. Nếu nó “trót lọt” được chấp thuận, hiên ngang đứng đấy thì nhà nghỉ thứ hai, quán cafe thứ ba không mấy chốc sẽ nối đuôi nhau mọc lên. Chỉ cần có người đi trước, sẽ có thứ “tiếp bước” theo sau. Nếu “khu nghỉ dưỡng” mọc lên ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc những du khách “nghỉ dưỡng” cũng kéo theo đông hơn. Lúc ấy, đỉnh Mã Pí Lèng sẽ được phủ trắng, không chỉ mỗi bê tông, mà còn có cả rác.
Những người lạc quan nghĩ rằng chúng ta chỉ là những kẻ lo xa. Nhưng khi quay đầu nhìn lại Sapa, Đà Lạt, ta thấy mọi thứ đã rất gần.