Quản chặt sàn giao dịch bất động sản điện tử
Thời 4.0 khiến các ứng dụng công nghệ trở thành một xu hướng được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng hàng ngày mà thị trường bất động sản cũng ứng dụng công nghệ.
Theo thống kê, hơn 80% các giao dịch bất động sản được thực hiện qua môi trường trực tuyến. Dù mang lại sự thuận tiện, chuyên nghiệp nhưng việc giao dịch bất động sản trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh mạng, an toàn thông tin...
Theo ghi nhận, các trải nghiệm mua nhà tại Việt Nam bắt đầu được số hóa từ năm 2020, khi đó đại dịch Covid-19 đang hoành hành.
Thời điểm đó, để thị trường bất động sản đỡ “bất động”, đỡ “đóng băng”, thì xu hướng ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản được ghi nhận là một biện pháp tích cực để kích cầu người có nhu cầu.
Cũng bắt đầu từ đó, hàng loạt sàn giao dịch thương mại điện tử về bất động sản, các ứng dụng công nghệ tích hợp đa nền tảng kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư, sàn giao dịch và khách hàng đã ra đời. Sau đại dịch Covid-19, các hoạt động này được phát triển mạnh mẽ.
Đáng chú ý, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư, môi giới bất động sản bắt đầu triển khai các ứng dụng công nghệ (app), nền tảng số, website bất động sản để tìm cách tương tác với người mua. Thậm chí, mạng xã hội như Facebook, TikTok cũng trở thành một nền tảng hỗ trợ bán bất động sản và tiếp cận khách hàng.
Các chuyên gia kinh tế thừa nhận, giai đoạn kỷ nguyên số đang mở ra những cơ hội và thách thức mới cho nền kinh tế đất nước. Trong đó, sự xuất hiện, phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới đã tác động đáng kể đến hoạt động của thị trường bất động sản. Các trải nghiệm mua sắm, mua nhà đã được số hóa, rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản bất động sản.
Trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) đang tác động lớn đến việc ra quyết định của người mua thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy nhanh quá trình bằng việc hạn chế các phương thức, thao tác giao dịch thủ công.
Thời gian vừa qua, các “chuyến tham quan” bất động sản bằng thực tế ảo đã cho phép khách hàng có thể xem tất cả các dự án bất động sản với nhiều góc độ, không gian khác nhau một cách chân thực. Việc áp dụng công nghệ trong ngành bất động sản sẽ cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm tốt hơn. Công nghệ giúp giám sát, xác minh và bảo mật thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc hiện nay đang nở rộ các app công nghệ về bất động sản cũng khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu” trong vấn đề quản lý nhân sự môi giới, chăm sóc - tư vấn khách hàng… Vị chuyên gia này nhấn mạnh, để tạo ra một app có tích hợp đầy đủ công năng không phải là vấn đề đơn giản. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư dài hơi, nắm vững thị trường.
Ông Đính khuyến nghị, cần có cơ chế rõ ràng về phát triển công nghệ, có quy định về xử lý thông tin, mã hóa bất động sản để theo dõi biến động thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức trong chiến lược kinh doanh, ưu tiên phát triển công nghệ, bảo đảm tính công khai và minh bạch.
Sự nở rộ của giao dịch trên môi trường số là xu hướng gần như không thể tránh khỏi. Hàng loạt lợi ích có thể nhìn thấy được ngay lập tức, từ thời gian giao dịch rút ngắn đến việc đơn giản hóa quản lý cho các cơ quan chức năng…
Để xu hướng này phát triển ổn định và đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, Nhà nước cần có những định hướng kịp thời. Các nhà đầu tư cũng nên có sự quan tâm đúng mức, đầu tư bài bản vào sản phẩm của mình, tuyệt đối tránh suy nghĩ “ăn xổi”.
Bên cạnh đó, việc giao dịch bất động sản trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh mạng, an toàn thông tin. Khách hàng có thể bị đánh cắp dữ liệu về sở hữu bất động sản khi giao dịch trên các nền tảng số, kéo theo đó là tình trạng mua bán dữ liệu trái phép.
Tại cuộc họp bàn về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, về mô hình tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn theo hình thức trực tiếp hoặc giao dịch điện tử.
Dự thảo Nghị định cũng quy định các điều kiện pháp lý để các sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch bất động sản; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của sàn; các chế tài đình chỉ, chấm dứt hoạt động…
Đặc biệt đối với việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, cần có sự đóng góp của rất nhiều bên. Các tổ chức, cá nhân tham gia bao gồm: Tổng cục Thống kê; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Tổng cục Thuế và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản...
Như vậy, các sàn giao dịch bất động sản điện tử vô hình trung được coi là một kênh thu thập dữ liệu cho hệ thống quản lý của nhà nước.
Để tránh những vấn đề phát sinh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chặt chẽ đối với hoạt động của sàn giao dịch bất động sản điện tử, phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và quy định rõ trách nhiệm của đơn vị vận hành.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quan-chat-san-giao-dich-bat-dong-san-dien-tu-10285524.html