Quản chặt thanh toán không dùng tiền mặt

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết: các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian qua. Ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng đã có nhiều đầu tư trong chuyển đổi số nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán này. Và Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (NĐ52) vừa ban hành là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực TTKDTM, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới.

 Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh

Một nội dung quan trọng được thể chế hóa bằng quy định tại NĐ52 thu hút sự quan tâm của người dân chính là quy định về tiền điện tử (e-money). Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?

NĐ52 đã làm rõ bản chất của tiền điện tử; quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm: ví điện tử, thẻ trả trước. Đối tượng cung ứng tiền điện tử cũng được quy định bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).

Việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử.

Vậy thanh toán quốc tế có nhiều thay đổi không thưa ông?

NĐ52 đã làm rõ khái niệm thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế; vai trò quản lý nhà nước của NHNN đối với thanh toán quốc tế; quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế. Đồng thời, quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và điều kiện để được chấp thuận. Các bên liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định nhằm quản lý các luồng giao dịch xuyên biên giới.

Hoạt động thanh toán cũng được quy định tại NĐ52

Hoạt động thanh toán cũng được quy định tại NĐ52

Các quy định về thanh toán quốc tế này sẽ nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán quốc tế và đẩy mạnh các mô hình hợp tác cung ứng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới trong bối cảnh phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ thanh toán đối với thương mại điện tử ngày càng gia tăng.

Việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán có được điều chỉnh không, thưa ông?

Trong quá trình theo dõi việc thực thi các quy định pháp luật về tài khoản thanh toán, NĐ52 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan để phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó có quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán; ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán; phong tỏa tài khoản thanh toán; xử lý sau khi chấm dứt phong tỏa; các trường hợp đóng tài khoản thanh toán; xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán...

Trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin, xu hướng hội nhập quốc tế, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực từ ngày 1/7, thay thế Nghị định số 101 năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) sẽ giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

NĐ52 đã bổ sung quy định về dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng để phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Luật Đầu tư năm 2020. Trong đó có phạm vi các chủ thể được cung ứng (gồm ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích); quy định điều kiện và hồ sơ, quy trình, thủ tục để được NHNN chấp thuận, thu hồi văn bản về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

Còn các dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) thì sao thưa ông, làm sao để đưa hoạt động này vào khuôn khổ hơn?

NĐ52 tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT. Cụ thể cắt giảm các dịch vụ TGTT cấp phép; cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát các điều kiện kinh doanh. Đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung chi tiết và làm rõ các nội dung, quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi, cấp lại giấy phép làm căn cứ để quản lý và tổ chức triển khai; bổ sung các nguyên tắc làm cơ sở để NHNN thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT được NHNN cấp giấy phép.

Ông có thể thông tin thêm về những điểm mới đang được người dân quan tâm hiện nay?

Ngoài các vấn đề trên, quy định mới này bổ sung một số nội dung về tổ chức, quản lý, vận hành và giám sát hệ thống thanh toán quốc gia và quy định về giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; bổ sung rõ hơn chức năng giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT và dịch vụ thanh toán. Hướng dẫn chi tiết đối với các trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính đã tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế.

Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT được cấp phép dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và việc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Loan (Thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/quan-chat-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-141984.html