Quan chức Đức: Nếu bị Nga cắt nguồn cung, Đức có thể 'đấu giá quyền tiêu thụ khí đốt'
Tại châu Âu, Đức là nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất từ Nga.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, nước này không đồng ý thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp và không có kế hoạch chấp thuận yêu cầu của Moscow trong tương lai.
Do đó, nếu nguồn cung khí đốt của Nga bị mất trong những tháng tới, tương tự như Ba Lan và Bulgaria hiện tại, nguồn dự trữ hiện có của Đức sẽ không đủ để hỗ trợ sản xuất công nghiệp.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, ngày 2/5 (theo giờ địa phương), ông Klaus Muller, Giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, đã đề xuất một phương án khẩn cấp, các ngành sản xuất kinh tế công nghiệp và doanh nghiệp có thể ứng phó bằng cách “đấu giá quyền tiêu thụ khí đốt tự nhiên”.
Đức hiện đang ở nấc thang thứ nhất trong kế hoạch ứng phó khẩn cấp, nếu tình hình leo thang lên mức cao nhất là mức thứ ba, chính phủ sẽ phải can thiệp, trong đó nguồn cung cấp năng lượng của các hộ gia đình tư nhân sẽ được ưu tiên bảo đảm, trong khi đó một số doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp sản xuất sẽ bị đóng cửa.
Theo quan chức Đức, phương án "bán đấu giá quyền tiêu thụ khí đốt" sẽ có hiệu quả hơn khi chính phủ không phải trực tiếp can thiệp đóng cửa doanh nghiệp, thay vào đó có thể dựa vào hành vi thị trường.
Ông Muller cũng kêu gọi người dân Đức đóng góp vào việc tiết kiệm năng lượng, xem xét kế hoạch thúc đẩy tiết kiệm năng lượng với sự hỗ trợ của các ngôi sao trong giới thể thao và âm nhạc.