Quan chức Đức nhận định về vấn đề nhập khẩu năng lượng từ Nga

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định Chính phủ đang nỗ lực hết sức để làm những gì cần thiết nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng của nước này.

Trạm tiếp nhận khí đốt của Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trạm tiếp nhận khí đốt của Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/4, Đức tuyên bố đang tạm thời kiểm soát chi nhánh Gazprom Germania thuộc Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga để đảm bảo việc cung cấp năng lượng tại nước này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định: “Với lệnh trên, bộ của tôi… tạm thời chỉ định Cơ quan quản lý Mạng Liên bang - Bundesnetzagentur làm bên được ủy thác cho Gazprom Germania cho đến ngày 30/9.”

Ông Habeck nhấn mạnh rằng lệnh ủy thác, ngoài việc bảo vệ trật tự và an toàn công cộng, còn nhằm duy trì an ninh nguồn cung năng lượng và đây là bước đi là “cấp thiết” vì Gazprom Germania điều hành cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước.

Theo ông Habeck, quyết định của Gazprom tuần trước bất ngờ thông báo ngừng hoạt động tại Gazprom Germania sau khi Berlin "kêu ca" việc Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.

[EC đề xuất biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng]

Ông Habeck cho rằng Gazprom đã tạo ra “hoàn cảnh pháp lý không rõ ràng.” Vì vậy, ông Habeck cho biết Chính phủ đang nỗ lực hết sức để làm những gì cần thiết nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng ở Đức.

Theo thỏa thuận tạm thời, quyền biểu quyết (bỏ phiếu của các cổ đông) ở Gazprom Germania sẽ được chuyển giao cho Bundesnetzagentur. Như vậy, Cơ quan quản lý năng lượng này sẽ được phép sa thải các thành viên quản lý và bổ nhiệm những người mới, cũng như thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo nguồn cung năng lượng.

Trước đó, Đức đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây đối với Nga liên quan đến chiến dịch tại Ukraine. Tuy nhiên, do phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhập khẩu của Nga, Berlin cho đến nay vẫn phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt hoàn toàn đối với dầu khí của Nga.

Bên cạnh đó, Nga và các nước châu Âu những ngày qua càng gia tăng bất đồng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh yêu cầu bên mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng ruble từ ngày 1/4 và các hợp đồng sẽ bị tạm đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện.

Tuy nhiên, Đức và các nước khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng cho rằng yêu cầu này là không thể chấp nhận được và vi phạm các thỏa thuận hiện có./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quan-chuc-duc-nhan-dinh-ve-van-de-nhap-khau-nang-luong-tu-nga/781979.vnp