Quan chức Đức: Tên lửa Taurus là 'cơ hội duy nhất' cho Ukraine trong xung đột
Thủ hiến bang Bavaria (Đức) Markus Soeder kêu gọi viện trợ tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine và cho rằng đây là 'cơ hội duy nhất' cho Kiev trong xung đột.
Theo Thủ hiến bang Bavaria (Đức) Markus Soeder, khi được trang bị các loại vũ khí tiên tiến như tên lửa hành trình Taurus, Ukraine "sẽ có thể đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa liên tục" trong cuộc xung đột với Nga hiện nay.
Vị chính trị gia người Đức nhấn mạnh đây là "cơ hội duy nhất để Ukraine tìm lại động lực và ngăn Nga giành chiến thằng". Ông nói thêm, nếu Nga chiếm ưu thế và Mỹ ngày càng rút khỏi các cuộc xung đột hiện nay, Đức và Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối mặt với một "vấn đề an ninh thực sự".
Trước đó, hôm 6/1, một số đại diện của các đảng bao gồm đảng Xanh, đảng Dân chủ Tự do và Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) tại Đức kêu gọi viện trợ tên lửa Taurus cho Kiev. Ngoài ra, một số chính trị gia Đức cũng công khai kêu gọi tấn công nhằm vào các cơ sở của Nga.
Kiev đã nhiều lần đề nghị Berlin chuyển những tên lửa này trong một thời gian dài, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đáp lại bằng các động thái dè chừng. Sau đó, vào đầu tháng 10/2023, ông đã quyết định không gửi tên lửa tiên tiến cho Kiev trong thời gian dài.
Theo thủ tướng Đức, các đơn hàng vũ khí đang trong quá trình đàm phán, bao gồm cả những lô hàng vận chuyển trên đường biển, đồng thời nhấn mạnh rằng việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không và đạn pháo vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đức.
Cách đây 10 năm, Đức đã trang bị cho Lực lượng vũ trang khoảng 600 tên lửa hành trình Taurus. Taurus là loại tên lửa hiện đại tương tự như tên lửa Storm Shadow của Anh, vốn đã được chuyển tới Ukraine. Tuy nhiên, tên lửa Taurus này có tầm bắn lớn hơn, có thể lên tới 500 km.
Đức là một trong những nước ủng hộ chính của Ukraine từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, với khoản hỗ trợ 22 tỷ euro (23,5 tỷ USD) trong lĩnh vực nhân đạo, tài chính và quân sự. Tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thông báo nước này triển khai thêm một gói viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ euro (1,42 tỷ USD) cho Ukraine, trong đó có 4 hệ thống phòng không IRIS-T cùng đạn pháo.
Thời gian qua, quan chức Nga nhiều lần nhấn mạnh rằng các đơn hàng vũ khí viện trợ từ phương Tây tới Kiev và việc hỗ tợ huấn luyện quân nhân Ukraine đang khiến cuộc xung đột kéo dài và sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường.