Quan chức Fed: Chỉ cần một lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024
Nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển như kỳ vọng, quan chức Fed cho rằng việc Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý cuối năm nay là 'thích hợp'.
Một quan chức cấp cao của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 3/4 cho hay tình hình hiện tại của nền kinh tế Mỹ đồng nghĩa ngân hàng trung ương này có thể thực hiện chỉ một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay vào quý cuối cùng.
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic hiện cho rằng Fed chỉ nên thực hiện một đợt cắt giảm trong năm nay – ít hơn đáng kể so với mức ba lần được các quan chức Fed dự đoán tại cuộc họp hồi tháng Ba.
Với tư cách là một thành viên có quyền bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), ông Bostic cho hay mình phục hồi quan điểm trước đây vì con đường lạm phát đang trở nên gập ghềnh hơn nhiều.
Ông Bostic đã thay đổi quan điểm về thời điểm cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây, từ dè dặt về việc cắt giảm quá sớm sang lên tiếng ủng hộ thận trọng việc bắt đầu thực hiện hạ lãi suất vào mùa Hè.
Nhưng những tháng đầu năm 2024 đã chứng kiến lạm phát gia tăng, trong khi cả nền kinh tế và thị trường lao động đều có dấu hiệu phục hồi bền bỉ. Theo ông Bostic, các dữ liệu cho thấy Fed cần phải theo dõi và chờ xem tình hình phát triển tiếp như thế nào.
Nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển như kỳ vọng, ông Bostic cho rằng việc Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý cuối năm nay là “thích hợp”.
Triển vọng của ông lúc này là lạm phát thực sự sẽ giảm dần trong suốt năm 2024. Đồng thời, vị quan chức cho biết thêm ông không kỳ vọng Fed sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dài hạn 2% trước đầu năm 2026.
Theo ông, Fed có thời gian để kiên nhẫn và dõi theo nền kinh tế để xem liệu tình hình có thực sự diễn ra như dự báo hay không.
Bình luận của ông Bostic được đưa ra ngay trước khi Chủ tịch Fed Jerome Powell thảo luận về triển vọng kinh tế Mỹ tại một hội nghị ở Stanford, California. Theo đó, ông Powell nhắc lại rằng những số liệu gần đây về sự tăng lượng việc làm và lạm phát cao hơn dự kiến sẽ không làm thay đổi đáng kể chính sách kinh tế năm nay.
Ông Powell cho hay nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực, ông và các đồng nghiệp tại Fed phần lớn đồng ý rằng lãi suất chính sách thấp hơn sẽ phù hợp vào một thời điểm nào đó trong năm nay.
Trong khi đó, ông Tony Dwyer, nhà chiến lược trưởng về thị trường của công ty dịch vụ tài chính Canaccord Genuity, cho rằng quý II/2024 có thể xuất hiện những động lực mới thúc đẩy Fed tiến hành cắt giảm lãi suất sâu hơn trong năm nay. Theo ông, tình hình xấu đi trên thị trường việc làm và lạm phát “hạ nhiệt” cuối cùng sẽ thúc đẩy Fed hành động.
Theo ông, lãi suất sẽ không về lại mức 0%, nhưng Fed sẽ phải hành động quyết liệt hơn nữa. Ông cho hay một trong những chủ đề thường được trao đổi giữa công ty và khách hàng là các số liệu kinh tế của Mỹ có thể tệ đến mức nào.
Theo nhà chiến lược Dwyer, giới chức Mỹ không thao túng dữ liệu, họ chỉ đơn giản không có cơ chế thực hiện khảo sát đủ tốt. Vì vậy, những lần sửa đổi số liệu là rất quan trọng và hầu hết chúng hiện nay đều mang tính tiêu cực.
Ông Dwyer kỳ vọng việc giảm lãi suất sẽ thúc đẩy nhóm cổ phiếu tài chính, hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Các nhóm đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm nay.
Hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 3/2024 đã tăng lần đầu tiên sau một năm rưỡi trong bối cảnh sản xuất phục hồi mạnh mẽ và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Tuy nhiên, việc làm tại các nhà máy vẫn giảm do hoạt động sa thải quy mô lớn và giá đầu vào tăng cao.
Cuộc khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) ngày 1/4 cho thấy hoạt động sản xuất, vốn bị ảnh hưởng do lãi suất cao, đang trên đà phục hồi, dù vẫn còn rủi ro bởi giá nguyên liệu thô tăng. Chủ tịch Ủy ban khảo sát kinh doanh sản xuất của ISM, ông Timothy Fiore, cho biết “nhu cầu vẫn đang ở giai đoạn đầu phục hồi, cùng với những dấu hiệu rõ ràng về tình trạng cải thiện”.
Trong khi sự phục hồi của ngành sản xuất là động lực thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, thì việc giá nguyên liệu thô tăng cho thấy lạm phát hàng hóa có thể tăng trong những tháng tới.
ISM cho biết Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã tăng lên 50,3 trong tháng 3/2024, mức cao nhất và lần đầu tiên trên ngưỡng 50 kể từ tháng 9/2022, so với mức 47,8 trong tháng 2/2024. Mức tăng của tháng 3/2024 cũng đã kết thúc chuỗi 16 tháng sụt giảm liên tiếp trong lĩnh vực sản xuất, vốn chiếm 10,4% nền kinh tế. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của dự báo PMI sẽ tăng lên 48,4.
Các thị trường tài chính đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng 6/2024 sau khi tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022 lên phạm vi 5,25% -5,50% hiện tại.
Chỉ số phụ về số lượng đơn đặt hàng mới cho tương lai của ISM đã tăng lên 51,4 trong tháng 3/2024, so với mức 49,2 trong tháng 2/2024. Sản lượng tại các nhà máy đã phục hồi, với chỉ số phụ sản xuất này tăng lên 54,6 từ mức 48,4 của tháng trước đó.
Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy chuỗi cung ứng bị hạn chế do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển quốc tế trên Biển Đỏ. ISM cho biết một số nhà cung cấp đang phải cố gắng để bắt kịp xu hướng. Thước đo về việc giao hàng của nhà cung cấp đã giảm từ mức 50,1 trong tháng 2/2024 xuống 49,9. Chỉ số này dưới 50 cho thấy việc giao hàng nhanh hơn.
Các nhà đầu tư dự kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra tại cuộc họp chính sách ngày 11-12/6 của Fed, ngay cả khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây khiến nhà đầu tư nghi ngờ về dự báo này.
Báo cáo việc làm tháng Ba của Mỹ sẽ được công bố ngày 5/4, cùng với dữ liệu lạm phát mới sẽ được công bố vào tuần tới.