Quan chức Fed: Mỹ, EU có thể tránh suy thoái nếu làm được điều này

Quan chức Fed nhận định, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể tránh rơi vào suy thoái và 'hạ cánh mềm' bằng cách đưa lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được.

Theo hãng tin AFP, ngày 2/8, Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại St Louis, ông James Bullard nhận định, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể tránh rơi vào suy thoái và "hạ cánh mềm" bằng cách đưa lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được.

"Một cú hạ cánh mềm là khả thi ở Mỹ và EA (khu vực sử dụng đồng tiền euro)", ông Bullard phát biểu tại Đại học New York.

Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi sự "thay đổi" trong chính sách tiền tệ, khi các ngân hàng trung ương tích cực tăng lãi suất để làm chậm tình trạng tăng lạm phát, phải "được thực thi tốt".

Ông Bullard nói thêm, một yếu tố quan trọng sẽ là quản lý kỳ vọng lạm phát. Nếu thị trường và người tiêu dùng cho rằng giá tiếp tục tăng thì họ sẽ hành động phù hợp với tình hình, với cửa hàng tăng giá, mọi người đổ xô mua hàng trước khi giá tăng và nhân viên đòi lương cao hơn, cùng nhiều thứ khác.

Theo ông, cuộc chiến chống lạm phát sau đó là "tốn kém" đối với nền kinh tế Mỹ, với nhiều giai đoạn suy thoái, ông cho rằng nguyên nhân là do Fed thiếu "tín nhiệm". Ông Bullard nói: "Ít ai tin rằng Fed nghiêm túc trong việc giảm lạm phát sau cả thập kỷ cho phép lạm phát tăng".

Theo Wall Street Journal, lạm phát ở Mỹ trong tháng 6/2022 đã lên tới 9,1%, mức tăng chưa từng thấy trong hơn 40 năm qua. Với tình trạng lạm phát liên tục ở mức cao, các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

Theo kết quả khảo sát ý kiến của các nhà kinh tế do Bloomberg thực hiện mới đây, khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới ở mức 47,5%, cao hơn mức 30% được đưa ra hồi tháng 6. Trong khi đó, kể từ tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ do nhu cầu giảm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo IMF, Mỹ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% năm 2022 và 1% năm 2023.

Theo các nhà kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ liên tục giảm là do Fed liên tiếp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thị trường nhà đất suy yếu, các công ty công nghệ giảm tuyển dụng. Ngày 27/7, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận, hoạt động kinh tế đang suy yếu là kết quả của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc không ổn định được giá cả sẽ là sai lầm lớn hơn so với kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen khẳng định, đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại và thừa nhận có nguy cơ suy thoái, nhưng cho rằng suy thoái chưa chắc sẽ xảy ra. Theo bà Yellen, các biện pháp hạ nhiệt của Fed có thể giúp giảm lạm phát nhưng không đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái. Bà cũng cho rằng lạm phát hiện quá cao và các đợt tăng lãi suất gần đây của Fed đang góp phần ổn định giá cả. Các quan chức Fed vẫn tin tưởng nền kinh tế Mỹ có những sức mạnh tiềm ẩn và có thể tránh được suy thoái.

Minh Hoa (t/h theo Nhân Dân, Vietnam+)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quan-chuc-fed-my-eu-co-the-tranh-suy-thoai-neu-lam-duoc-dieu-nay-a562922.html