Quan chức Mỹ nói gì khi Hàn Quốc theo đuổi hạt nhân?
Sau khi Hàn Quốc tiếp tục công khai ý định đóng tàu ngầm hạt nhân, phía Mỹ đã có những phản ứng đầu tiên.
Theo Yonhap, Hải quân Hàn Quốc thành lập một đơn vị chuyên trách nghiên cứu việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân để tăng cường năng lực quốc phòng. "Để có thể sở hữu tàu ngầm hạt nhân về lâu dài, chúng tôi đã xây dựng một đơn vị chuyên trách của lực lượng hải quân.
Do mọi vấn đề đều được quyết định theo chính sách quốc gia nên hải quân sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân".
Không rõ loại tàu ngầm hạt nhân Hàn Quốc đang có kế hoạch phát triển là tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân hay tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân.
Sự phát triển SLBM của Triều Tiên có thể tạo ra một mối đe dọa thật sự vì rất khó phát hiện khi nào và ở đâu tên lửa được phóng, khiến đối phương không thể kịp thời phản ứng hiệu quả.Việc nghiên cứu phát triển tàu ngầm hạt nhân của Hàn Quốc được đưa ra sau khi Triều Tiên tăng cường khả năng hạt nhân và tên lửa bằng những vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa/phóng từ tàu ngầm (SLBM).
"Nhiều chuyên gia khẳng định cần phải xây dựng một loại tàu ngầm hạt nhân để ngăn chặn hiệu quả hơn mối đe dọa của Triều Tiên. Cho nên cần có nghiên cứu xem xét thủ tục hợp pháp bao gồm hiệp ước quốc tế và khía cạnh kỹ thuật", một nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết.
Hồi tháng 10/2016, Tư lệnh Hải quân Hàn Quốc khi đó là ông Um Hyu-seong tuyên bố, mua sắm tàu ngầm hạt nhân có thể giúp nước này có thể ngăn chặn hiệu quả mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên. "Tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp ích rất nhiều cho hạm đội tàu chiến", ông Um Hyu-seong nói và cho biết thêm rằng, đến nay vẫn chưa có quyết định nào được thực hiện.
Hồi cuối tháng 8/2016, một nhóm gồm 23 nghị sỹ của Đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc cũng khẳng định rằng, nước này cần xem xét khả năng đóng tàu ngầm hạt nhân để đối phó với các hành động khiêu khích đang gia tăng từ phía Bình Nhưỡng.
"Quân đội Hàn Quốc cần có động thái đối phó hữu hiệu với mối đe dọa bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên bằng cách triển khai một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể phát hiện và tấn công các tàu của Triều Tiên tốt hơn...
Bình Nhưỡng phải ngừng các hành động khiêu khích đe dọa không chỉ khu vực Đông Bắc Á mà còn toàn thể thế giới. Triều Tiên cần phải đi theo con đường hòa bình và thịnh vượng, và phải nhận ra rằng thử hạt nhân và phóng tên lửa sẽ chỉ dẫn đến sự tự diệt", tuyên bố cho biết.
Nghị sỹ Won Yoo-chul, người đứng đầu nhóm nghị sỹ trên cho biết, vì có ba mặt giáp biển nên Hàn Quốc rất dễ bị lâm nguy trước các mối đe dọa SLBM của Triều Tiên, vì vậy việc triển khai tàu ngầm hạt nhân là rất cần thiết để đối phó với những hành động khiêu khích.
Phản ứng với tham vọng hạt nhân của Hàn Quốc, ông Jon Wolfshal, người tứng giữ chức Giám đốc cấp cao về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định với báo giới: "Sẽ không có lợi cho cả Mỹ và Hàn Quốc khi theo đuổi vũ khí hạt nhân".
Đây là lần đầu tiên, một quan chức cấp cao Nhà Trắng phụ trách vấn đề hạt nhân Triều Tiên công khai bày tỏ sự phản đối của Washington về vấn đề hạt nhân hiện diện tại Hàn Quốc.
"Quan điểm lâu nay ở Mỹ là chúng tôi có nhiều khả năng bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản chống lại mọi mối đe dọa từ bất cứ quốc gia nào, chúng tôi luôn có đầy đủ mọi khả năng cần thiết", ông Wolfshal khẳng định.
Tuy nhiên, hiện Lầu Năm Góc và Nhà trắng vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào với tuyên bố mới nhất của phía Hàn về việc nghiên cứu phát triển tàu ngầm hạt nhân.