Quan chức Nhật Bản nói giới trẻ 'yêu kém' khiến tỷ lệ sinh giảm

Chính trị gia Narise Ishida cho rằng tỷ lệ kết hôn, sinh nở giảm mạnh ở Nhật không phải do chi phí sinh hoạt quá cao, mà là giới trẻ thiếu lãng mạn. Quan điểm này gây tranh luận.

 Dân số Nhật Bản kết hôn muộn và có ít con hơn, chủ yếu do áp lực tài chính. Tuy nhiên, một chính trị gia không đồng ý, cho rằng nguyên nhân là thiếu “khả năng lãng mạn”. Ảnh: TNS.

Dân số Nhật Bản kết hôn muộn và có ít con hơn, chủ yếu do áp lực tài chính. Tuy nhiên, một chính trị gia không đồng ý, cho rằng nguyên nhân là thiếu “khả năng lãng mạn”. Ảnh: TNS.

Narise Ishida, thành viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bảo thủ trong Hội đồng tỉnh Mie, đề xuất tại cuộc họp của chính quyền địa phương ngày 24/2 rằng họ nên thực hiện cuộc khảo sát để xác định “khả năng lãng mạn” của cư dân, Mainichi đưa tin.

Ông không nói rõ “khả năng” này của các cá nhân trong việc thu hút bạn tình sẽ được kiểm tra theo cách nào hoặc dữ liệu đó có thể giúp đảo ngược tình trạng thiếu trẻ sơ sinh của quốc gia ra sao.

“Tỷ lệ sinh không giảm vì chi phí sinh con tốn kém. Vấn đề nằm ở sự lãng mạn trở thành chủ đề cấm kỵ trước hôn nhân”, ông Ishida khẳng định.

Bình luận của ông Ishida được đưa ra sau khi Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng đáng kể số tiền chi ra nhằm khuyến khích người dân sinh thêm con trong bối cảnh đất nước này “đang trên bờ vực” của cuộc khủng hoảng dân số.

Trong những thập kỷ gần đây, người Nhật kết hôn muộn hơn và chọn sinh ít con hơn, chủ yếu là do áp lực tài chính.

Makoto Watanabe, giáo sư về truyền thông và truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo ở Sapporo, cho biết: “Có lẽ ông Ishida đúng ở khía cạnh nào đó, rằng giới trẻ ngày nay thiếu kỹ năng giao tiếp kiểu truyền thống. Tuy nhiên, họ là thế hệ kết nối rất tốt trên Internet và qua mạng xã hội”.

Ông nói thêm: “Trong số sinh viên của mình, tôi thấy họ liên tục thể hiện ‘khả năng lãng mạn’ thông qua công nghệ hiện đại. Đó có thể là lý do ông Ishida không thể thấy điều đó xảy ra”.

GS Watanabe cũng hoàn toàn không đồng tình với ý kiến cho rằng những cân nhắc về tài chính không phải là nguyên nhân khiến dân số Nhật Bản bị thu hẹp.

“Người trẻ vẫn muốn kết hôn, lập gia đình, sinh thêm con, nhưng khi việc mua xe, nhà khó khăn vì lo ngại kinh tế thì rất khó có con”, ông nói.

Một trở ngại khác đối với tầm nhìn của ông Ishida về sự lãng mạn có thể giải quyết các vấn đề dân số của quốc gia là xã hội bảo thủ sâu sắc của Nhật Bản.

Emi (20 tuổi), sinh viên đến từ Yokohama, cho biết: “Tôi nghĩ thật xấu hổ khi thể hiện tình cảm ở nơi công cộng. Những người khác sẽ dị nghị và không muốn thấy điều đó. Chúng tôi thấy người dân ở các quốc gia khác nắm tay, ôm hoặc hôn nhau ở nơi công cộng trên phim ảnh hoặc truyền hình, nhưng tôi sẽ rất khó chịu nếu bạn trai làm điều đó với mình ở nơi đông người”.

 Khi chưa thể tậu nhà, mua xe vì lo ngại kinh tế, nhiều người Nhật không dám có con. Ảnh: Shutterstock.

Khi chưa thể tậu nhà, mua xe vì lo ngại kinh tế, nhiều người Nhật không dám có con. Ảnh: Shutterstock.

Dân số Nhật Bản giảm được dự đoán trong ít nhất hai thập kỷ, nhưng trở nên tồi tệ sớm hơn nhiều so với tính toán của các chuyên gia.

Có 125,7 triệu người Nhật Bản vào năm 2021, giảm so với mức cao nhất là 128 triệu vào năm 2017. Trong khi đó, nghiên cứu trên tạp chí y tế The Lancet trước đại dịch dự đoán dân số giảm xuống còn 53 triệu vào cuối thế kỷ này.

Trong khi gây sốc, con số đó bây giờ có vẻ khá lạc quan. Theo dữ liệu của chính phủ, chỉ có 384.942 trẻ sơ sinh được sinh ra trong nửa đầu năm 2022, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2017, Viện nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia dự báo số ca sinh không giảm xuống dưới 800.000 ca/năm cho đến năm 2030, nhưng con số này dự kiến lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng đó kể từ khi số liệu được đối chiếu lần đầu tiên vào năm 1899.

Tuy nhiên, GS Watanabe cho biết ông rất lạc quan về thế hệ trẻ của Nhật Bản khi chứng kiến họ kiên cường như thế nào trước sự thay đổi toàn cầu, từ vụ tấn công ngày 11/9, khủng hoảng tài chính đến thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản.

“Nhưng họ đã vượt qua, linh hoạt và lạc quan hơn trong cách nhìn của mình, ngày càng quốc tế hóa, tự do hơn thế hệ cha mẹ và quan trọng nhất là kiên cường hơn. Và điều đó khiến tôi lạc quan”, ông nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-chuc-nhat-ban-noi-gioi-tre-yeu-kem-khien-ty-le-sinh-giam-post1407600.html