Quan chức Ukraine đổi giọng, đồng quan điểm với ông Trump về nhượng bộ lãnh thổ
Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko đã thừa nhận rằng Ukraine có thể sẽ phải nhượng lại một phần lãnh thổ cho Nga nếu muốn đạt được thỏa thuận hòa bình - một sự khác biệt lớn so với lập trường của Tổng thống Zelensky.
Tổng thống Trump kêu gọi đàm phán trực tiếp
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Nga và Ukraine nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn trực tiếp và hối thúc hai bên tiếp nối kết quả cuộc gặp hôm 25/4 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff.
"Một ngày tốt lành với các cuộc đàm phán và gặp gỡ giữa Nga và Ukraine. Hai bên đã tiến rất gần một thỏa thuận và giờ họ nên gặp nhau ở cấp độ cao nhất để "hoàn tất mọi thứ". Chúng tôi sẽ sẵn sàng có mặt ở bất cứ đâu nếu cần hỗ trợ để chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc và vô nghĩa này", ông Trump viết trên Truth Social.

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters
Các đại diện phía Nga và Ukraine chưa đưa ra bình luận về phát biểu của ông Trump. Hai nước đã không đàm phán trực tiếp từ những ngày đầu Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin cho biết, cuộc gặp giữa ông Putin và ông Witkoff - người cũng từng tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine là “mang tính xây dựng”.
"Cuộc trao đổi này đã giúp thu hẹp quan điểm giữa Nga và Mỹ, không chỉ về vấn đề Ukraine mà còn nhiều vấn đề quốc tế khác", ông Ushakov nói và cho biết: "Tôi xin nhấn mạnh rằng, theo thỏa thuận giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ, đối thoại giữa hai nước sẽ tiếp tục diễn ra tích cực và ở nhiều cấp độ".
Ông Witkoff chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với truyền hình nhà nước Nga vào 21/4, Tổng thống Putin cho biết ông sẵn sàng nối lại đàm phán ngừng bắn với Ukraine. Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố Ukraine "sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối thoại nào” nhằm chấm dứt các cuộc tấn công hiện nay.
Lời kêu gọi đàm phán trực tiếp của ông Trump được đưa ra sau khi ông phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Time rằng: “Crimea vẫn thuộc về Nga", một minh chứng mới nhất cho thấy Tổng thống Mỹ đang gây áp lực để Ukraine nhượng lại lãnh thổ cho Nga.
"Ông Zelensky hiểu điều đó", ông Trump nói khi đề cập đến Bán đảo Crimea có vị trí chiến lược mà Nga tuyên bố sáp nhập năm 2014. Theo nhà lãnh đạo Mỹ: "Ai cũng hiểu rằng nó đã thuộc về họ (Nga - ND) từ lâu rồi".
Quan chức Ukraine bất ngờ đổi giọng
Một trong những chính trị gia đáng chú ý của Ukraine - Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko đã thừa nhận rằng Ukraine có thể sẽ phải nhượng lại một phần lãnh thổ cho Nga nếu muốn đạt được thỏa thuận hòa bình - một sự khác biệt lớn so với lập trường của Tổng thống Zelensky. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với BBC sáng 25/4 khi bàn về các lựa chọn ngừng bắn, ông Vitali Klitschko nói rằng, "một trong những kịch bản là phải nhượng bộ lãnh thổ".
"Điều đó không công bằng nhưng vì hòa bình, dù chỉ là tạm thời, thì có thể đó là một giải pháp tạm thời", ông Klitschko nhận định.
Serhiy Leshchenko - cố vấn văn phòng Tổng thống Zelensky nói với BBC rằng những phát ngôn của ông Klitschko về khả năng nhượng lãnh thổ “gây phản tác dụng".
Ông Klitschko và ông Zelensky là đối thủ chính trị và trước đây từng có những bất đồng. Tuy nhiên, hiện tại, Thị trưởng Kiev là một trong những chính trị gia Ukraine có tiếng nói nhất đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn về các yêu cầu từ phía Nga.
Chính phủ Ukraine nhiều lần khẳng định không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ cho Moscow. Điều đó tạo ra một khoảng cách lớn giữa lập trường của Kiev với Nga và chính quyền Tổng thống Trump, vốn đang đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và đặc phái viên Witkoff hôm 25/4 diễn ra gần như cùng thời điểm khi ông Zelensky đăng trên mạng xã hội X rằng ông “chắc chắn” ít nhất một trong những cuộc không kích dữ dội của Nga vào Kiev rạng sáng 24/4 đã sử dụng “một tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên".
Nếu được xác nhận, điều đó cho thấy Bình Nhưỡng đang cung cấp khí tài cũng như điều hàng ngàn binh lính tới mặt trận phía Tây của Nga, đồng thời phản ánh sự ủng hộ ngày càng rõ ràng từ nước này đối với Moscow.
Trong một bài đăng ngày 25/4, ông Zelensky cho biết Ukraine đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn của chính quyền ông Trump cách đây 45 ngày nhưng "Nga bác bỏ tất cả điều này. Vì vậy, vấn đề đó không thể được giải quyết nếu không có áp lực. Cần phải gây áp lực lên Nga".
Về phía ông Trump, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định với báo giới hôm 23/4 rằng: “Các người không biết tôi đang gây áp lực lên Nga như thế nào đâu", song ông lại không nói rõ chi tiết. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì nói rằng Điện Kremlin “sẵn sàng đạt được thỏa thuận" nhưng vẫn còn một số điểm “cần điều chỉnh thêm". Chính những điểm đó lại là những điều khiến hai bên đến nay vẫn chưa thể thống nhất.
Từng hứa chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ, ông Trump hiện đang rất nóng lòng muốn đạt được một thỏa thuận, đặc biệt là khi ông chuẩn bị đánh dấu 100 ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống vào tuần tới.
Gần đây, Tổng thống Trump thừa nhận rằng lời hứa trong chiến dịch tranh cử về việc kết thúc xung đột trong một ngày là “nói quá” nhưng ông vẫn khẳng định rằng chỉ có mình ông mới có thể làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa hai quốc gia.
“Nếu có người khác làm tổng thống thì không có cơ hội nào cả", ông Trump nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Time.
Theo các nhà phân tích khu vực, Nga đang do dự vì họ tin rằng hiện tại họ đang có lợi thế cả trên chiến trường lẫn về mặt ngoại giao. Trong khi đó, Ukraine lại do dự trước việc ký vào một thỏa thuận mà họ cho rằng sẽ đồng nghĩa với việc phải nhượng bộ đau đớn về lãnh thổ, đồng thời dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công trong tương lai từ Điện Kremlin.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022 và hiện lực lượng của nước này đang kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea. Ông Zelensky một lần nữa khẳng định lập trường hôm 24/4 rằng không có gì để đàm phán khi nói đến việc nhượng bộ lãnh thổ về lâu dài.
"Đó là đất đai của chúng tôi, là lãnh thổ của người dân Ukraine", ông Zelensky khẳng định.
Sức ép của Tổng thống Zelensky
Lập trường đó trong tuần này đã khiến Tổng thống Trump tức giận. Ông cáo buộc Tổng thống Zelensky đang đưa ra những “tuyên bố gây hấn” khi từ chối nhượng đất để đổi lấy hòa bình.
Bên cạnh sức ép về mặt ngoại giao, Ukraine còn đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trên chiến tuyến và trên không trước các cuộc tấn công tăng cường của Nga.
Điện Kremlin đã phóng hơn 100 máy bay không người lái rạng sáng 25/4. Ông Trump đã lên án vụ tấn công này, nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục hôm 24/4 rằng: “Tôi không thích những gì xảy ra đêm qua. Tôi không hài lòng chút nào, nhất là khi chúng ta đang đàm phán hòa bình, vậy mà họ lại phóng tên lửa".
Trước đó vài giờ, ông Trump đã thể hiện sự chỉ trích hiếm hoi với Tổng thống Putin khi đăng trên Truth Social rằng: “Vladimir, DỪNG LẠI NGAY!”
Tổng thống Trump cũng đăng trên mạng xã hội của mình rằng Ukraine vẫn chưa ký thỏa thuận với Mỹ về khoáng sản đất hiếm.
“Đã chậm ít nhất ba tuần", ông Trump viết và cho rằng: “Hy vọng thỏa thuận sẽ được ký NGAY LẬP TỨC. Tiến trình đàm phán hòa bình tổng thể giữa Nga và Ukraine đang diễn ra suôn sẻ. Thành công có vẻ đang ở phía trước!”