Quan chức và những lần vội đền tiền để được... giảm án
Trong các vụ án tham nhũng, số tiền phải bồi thường khắc phục hậu quả thường rất lớn, nhiều trường hợp phải đến phút chót các bị cáo mới chịu 'đền tiền' để được giảm án.
Một nhân vật từng gây chú ý trong việc bồi thường khắc phục hậu quả là ông Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ Oceanbank).
Năm 2017, ông Nguyễn Xuân Sơn bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình vì tham ô 49 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Con số này được lượng hóa từ 20% của 246 tỷ đồng mà Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm đã chi lãi ngoài cho PVN thông qua ông Sơn, theo tỷ lệ 20% nắm giữ cổ phần của PVN.
Chiếu theo quy định của luật, ông Sơn sẽ được giảm án từ tử hình xuống chung thân nếu tự nguyện khắc phục tối thiểu 3/4 tài sản tham ô, tương đương tối thiểu số tiền cần khắc phục là 37 tỷ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào tháng 5/2018, câu chuyện cố gom tiền khắc phục hậu quả để được thoát án tử hình của ông Sơn làm nóng chốn pháp đình.
Một người bạn doanh nhân của ông Sơn đã sẵn sàng bỏ ra 32 tỷ đồng để mong "cứu" bạn thoát án tử. Thời điểm đó, vợ ông Sơn cho biết, đã nộp khắc phục cho chồng 5 tỷ đồng. Như vậy, ông Nguyễn Xuân Sơn có 37 tỷ để khắc phục hậu quả.
Trước lời nói sau cùng của ông Sơn, rằng bị cáo mong HĐXX ghi nhận cho bị cáo đã bằng mọi cách khắc phục thiệt hại, cho bị cáo không bị án tử hình, vị Chủ tọa phiên tòa cho hay, đối với những trường hợp liên quan đến tính mạng của bị cáo, HĐXX phải trăn trở cân nhắc.
Chiều 4/5/2018, HĐXX cấp phúc thẩm phiên tòa xét xử đại án Oceanbank đã tuyên y án sơ thẩm đối với ông Nguyễn Xuân Sơn.
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, bị cáo còn rất nhiều tài sản nhưng đang bị kê biên, bị cáo có ý thức khắc phục hậu quả nên HĐXX kiến nghị cơ quan thi hành án hướng dẫn, phân định để gia đình bị cáo Sơn có điều kiện khắc phục hậu quả; đồng thời kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét giảm án cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn từ tử hình xuống chung thân.
Lý giải vì sao có căn cứ chuyển hình phạt nhưng HĐXX cấp phúc thẩm không quyết định mà phải kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét, một vị Phó Chánh án TAND tối cao từng chỉ ra rằng, tại khoản c điều 40 BLHS năm 2015 về hình phạt tử hình quy định:
Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ. Khi đó, Chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân.
Khắc phục hậu quả, được giảm án tù
Một cái tên từng nhiều lần được nhắc đến trước đây là ông Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines). Năm 2014, ông Dũng bị tòa án cấp phúc thẩm tuyên y án tử hình vì tham ô 10 tỷ đồng, buộc phải bồi thường 110 tỷ đồng.
Trong một cuộc họp báo diễn ra năm 2017, Cục trưởng Thi hành án dân sự TP Hà Nội khi đó là ông Lê Quang Tiến cho biết, ngoài số tiền mà gia đình ông Dương Chí Dũng đã nộp, Cục thi hành án TP đã xử lý xong toàn bộ số tài sản mà bản án đã kê biên.
Theo bản án, tài sản của ông Dương Chí Dũng được kê biên để bảo đảm thi hành án gồm 1/2 giá trị căn nhà tại phố Nguyên Hồng, là tài sản chung của vợ chồng ông Dũng; căn chung cư cao cấp tại dự án Sky City 88 Nguyễn Chí Thanh (trừ đi 1/8 giá trị căn nhà là khoản đóng góp của người tình ông Dương Chí Dũng) và căn chung cư Pacific trên phố Lý Thường Kiệt.
Được biết, ông Dương Chí Dũng đã được giảm án từ tử hình xuống chung thân cũng nhờ khắc phục hậu quả.
Gần đây nhất là trường hợp ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội). Tại phiên tòa phúc thẩm vụ mua bán chế phẩm Redoxy- 3C diễn ra hồi tháng 6, trước và trong phiên tòa, ông Nguyễn Đức Chung một mực kêu oan, đồng thời không thừa nhận nghĩa vụ bồi thường thiệt hại 25 tỷ đồng như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên.
Đại diện VKS đề nghị tuyên y án 8 năm tù đối với cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì xác định ông Nguyễn Đức Chung đã phạm vào tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm ông Chung một mực kêu oan, đồng thời không thừa nhận nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên.
Tuy nhiên, trước khi bước sang phần nghị án, ông Nguyễn Đức Chung đột ngột thay đổi thái độ, đã nhận trách nhiệm về phía mình. Cùng với đó, chị gái ông Chung thay em bồi thường thiệt hại 10 tỷ đồng; vợ bị cáo nộp khắc phục hậu quả 15 tỷ đồng.
Trước thái độ tích cực của ông Chung, ngay sau đó, đại diện VKS đã thay đổi, theo đó đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo Chung.
Xác định ông Nguyễn Đức Chung có thái độ thành khẩn, đã khắc phục hoàn toàn hậu quả, HĐXX cấp phúc thẩm giảm án cho ông Chung từ 8 năm tù xuống còn 5 năm. Tòa cũng hủy bỏ lệnh kê biên tài sản đối với cựu Chủ tịch Hà Nội.
Quyết định khôn ngoan vào phút chót đã giúp cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được giảm 3 năm tù, được hủy kê biên 3 bất động sản.
Nhắc đến đề xuất cho chủ thể phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay, việc cho tội phạm tham nhũng khắc phục hậu quả để giảm án hình sự không phải là quy định mới. Trước đây, Nghị quyết Trung ương 3 đã đề cập đến vấn đề này.
Trên thực tế, nhiều quốc gia cũng áp dụng phương án này. Hiện, Bộ Tư Pháp đang trong quá trình học hỏi kinh nghiệm quốc tế, để xem xét việc vận dụng vào thực tế Việt Nam.