Quan chức WHO: Đậu mùa khỉ không phải là COVID mới
Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh vào thứ Ba rằng bệnh đậu mùa khỉ (mpox) không phải là 'COVID mới', đồng thời các cơ quan chức năng đã biết cách kiểm soát sự lây lan của nó.
Tuy nhiên, "chúng ta có thể và phải cùng nhau đối phó với mpox", ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, cho biết trong một buổi họp báo của Liên hợp quốc.
Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các vết loét chứa mủ và các triệu chứng giống cúm. Chủng virus clade 1b đã gây lo ngại trên toàn cầu vì nó dường như lây lan dễ dàng hơn qua tiếp xúc gần thông thường.
Tuần trước, một ca nhiễm chủng mới này đã được xác nhận ở Thụy Điển và có liên quan đến đợt bùng phát ngày càng tăng ở châu Phi, đánh dấu lần đầu tiên nó lây lan ra ngoài lục địa này. WHO đã tuyên bố đợt bùng phát gần đây của căn bệnh là tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế sau khi phát hiện biến thể mới.
Ông Kluge cho biết việc tập trung vào chủng mới clade 1 cũng sẽ giúp chống lại chủng ít nghiêm trọng hơn là clade 2, vốn đã lây lan toàn cầu từ năm 2022, qua đó giúp châu Âu cải thiện phản ứng thông qua việc tư vấn sức khỏe và giám sát tốt hơn.
Hiện tại, khoảng 100 ca nhiễm mới của chủng clade 2 được báo cáo mỗi tháng ở khu vực châu Âu, theo ông Kluge cho biết.
Mpox lây lan qua tiếp xúc gần, bao gồm cả quan hệ tình dục, nhưng không giống như các đại dịch toàn cầu trước đây như COVID-19, không có bằng chứng cho thấy nó lây lan dễ dàng qua không khí.
Các cơ quan y tế cần cảnh giác và linh hoạt trong trường hợp có các chủng mới dễ lây lan hơn hoặc thay đổi cách lây truyền, nhưng hiện không có khuyến cáo nào về việc mọi người cần đeo khẩu trang, theo lời người phát ngôn Tarik Jasarevic của WHO.