Quán cơm sườn, hủ tiếu giờ trưa lấy lòng dân công sở
Mua đồ ăn tặng đồ uống, giao cơm tận văn phòng, đổi menu mỗi ngày... là cách các quán bán đồ ăn trưa thu hút khách công sở.
Khoảng 12h, trong gian bếp chừng 10 m2, Trinh Bùi, founder của Half n Half Coffee (đường Nguyễn Cơ Thạch, khu đô thị Sala, TP.HCM), cùng 2 nhân viên tất bật chuẩn bị phần cơm trưa cho khách.
Mỗi ngày, tiệm nấu 10-14 món ăn, chủ yếu phục vụ nhóm dân văn phòng tại tòa nhà lân cận. Những ngày cao điểm, 170 phần cơm trưa được bán ra.
Khoảng 2 năm trước, Sala không có nhiều địa chỉ ăn trưa dù tập trung nhiều văn phòng, cửa hàng trưng bày. Dân công sở tại khu "đất vàng" này thường mang theo cơm từ nhà, đặt món ăn từ ứng dụng giao hàng hoặc lựa chọn một trong vài quán quen giá cao gần đó.
Giờ đây, quán ăn mọc lên nhiều hơn, Trinh Bùi phải tìm cách giữ chân những "thượng đế" chỉ đến vào giờ trưa của mình.
Tặng kèm đồ uống, giao tận cửa văn phòng
Theo Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 do iPOS, công ty cung cấp giải pháp quản lý nhà hàng, cà phê, phát hành cuối tháng 3, người Việt đang chịu chi nhiều hơn cho bữa trưa với gần 50% người được hỏi chi 31.000-50.000 đồng để ăn uống; tăng 5% so với năm 2022.
Ngoài ra, đối với mức chi tiêu cho bữa trưa 51.000-70.000 đồng, tỷ lệ người Việt lựa chọn có thay đổi nhẹ, tăng gần 2% so với năm 2022. Trong khi đó, khoảng chi tiêu từ 70.000 đồng có mức tăng lớn, số lượng người Việt lựa chọn tăng gần gấp 2 so với năm trước.
Đáng chú ý, tỷ lệ bỏ bữa sáng của người Việt đang cao gấp đôi so với năm 2022 khi chỉ 5,4% người được hỏi chi "mạnh tay" cho bữa sáng và 17,5% nhịn ăn. Lý giải cho điều này, nhiều người cho rằng "bỏ bữa sáng và ăn bữa trưa no hơn, để tiết kiệm một phần nhỏ chi tiêu hàng ngày".
Trước đây, tiệm của Trinh Bùi bán combo ăn trưa bao gồm một suất ăn kèm một đồ uống. Cách thức này khá được lòng thực khách bởi chi phí tiết kiệm hơn, lại đỡ tốn thời gian lựa chọn nhiều lần.
Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay, cô hạn chế bán combo mà tặng kèm luôn đồ uống cho khách. Khách đến mua một phần cơm sẽ được lựa chọn thêm một sinh tố hoặc trà tắc, hoàn toàn miễn phí.
"Ngoài ra, để thích nghi với tình hình cạnh tranh khắc nghiệt, tôi cũng phải phát triển menu đa dạng, mỗi ngày không trùng lặp món", cô nói với Tri Thức - Znews.
Không những vậy, để có thể giữ chân khách hàng đến những lần tiếp theo, Trinh Bùi mở chương trình tích điểm. Theo đó, với mỗi 30.000 đồng, khách sẽ tích lũy được một điểm. Khi khách tích đủ 20 điểm sẽ được miễn phí một phần nước hoặc cơm.
Tương tự, Trần Văn Nguyễn, đại diện GLORY Coffee trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), cho biết ban đầu quán chỉ bán vài món ăn sáng và trưa xen kẽ với đồ uống. Vài năm trở lại đây, khách văn phòng chiếm 60-70% nên quán đẩy mạnh dịch vụ cơm trưa nhằm phục vụ tệp khách này.
"Công việc văn phòng vốn lặp đi lặp lại, vì vậy chúng tôi thay đổi menu quán từng ngày, giúp khách có thêm nhiều lựa chọn và tạo cảm hứng ăn uống. Mỗi ngày quán có một món canh và 4-5 món ăn kèm. Riêng 3 món bán chạy nhất là cơm sườn trứng, hủ tiếu bò kho và bánh mì bo kho được bán cố định", anh cho biết.
Để cạnh tranh với nhiều địa chỉ cùng mô hình trong khu vực, quán của Nguyễn quyết định bán đồng giá 50.000 đồng với các phần ăn, giảm còn 35.000 đồng/phần khi mua từ 10 phần trở lên.
Đáng chú ý, với địa chỉ có bán kính dưới 2 km, quán sẽ giao miễn phí đến tận cửa văn phòng, khách không phải xuống sảnh để lấy.
Dịch vụ này giúp khách công sở không phải chờ thang máy trong giờ cao điểm để di chuyển từ trên tầng cao xuống. Ngoài ra, những khách hàng thân thiết mua suất ăn mỗi ngày sẽ được tri ân bằng một loại đồ uống bất kỳ vào cuối mỗi tháng.
Nhắn tin menu cho từng khách, tự giao hàng
Tương tự, Deja Vu Coffee nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ (quận 4, TP.HCM) cũng áp dụng hình thức giao cơm trưa tận văn phòng cho thực khách.
Để kịp thời gian nghỉ trưa, quán chỉ nhận đơn qua số điện thoại hoặc fanpage, sau đó cử shipper (người giao hàng) mang đến tận văn phòng. Lý do quán không bán trên app giao hàng vì thời gian shipper đến điểm lấy đồ ăn, chờ chế biến và giao đến nơi khá lâu.
Theo Trần Quốc Đạt, chủ quán, cho biết vị trí quán gần những cao ốc văn phòng và căn hộ. Việc ăn và uống đã trở thành nhu cầu cơ bản của phân khúc khách hàng này nên anh bán nước và cơm song song.
Menu của quán hướng đến món ăn thuần Việt, chia thành set lunch (ăn trưa) cho khách văn phòng, thay đổi liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 và menu món lẻ cố định.
"Phần ăn đóng gói trong hộp giấy, món ăn kèm bọc giấy bạc để giữ độ nóng", Quốc Đạt nói.
Bên cạnh đó, việc tạo nhóm chat trên mạng xã hội để thông báo menu cũng được một số quán áp dụng. Mỗi ngày, menu sẽ được gửi vào nhóm và mời khách chốt đơn, giao đến theo thời gian hẹn.
"Khi nhận trước menu, khách hàng tiết kiệm được thời gian chọn món. Riêng các văn phòng đặt số lượng nhiều thường nhắn trước để quán chuẩn bị nhanh", Văn Nguyễn, đại diện GLORY Coffee, chia sẻ.
Minh Tú (26 tuổi), nhân viên kinh doanh bất động sản tại khu đô thị Sala, cho biết: "Những ngày đầu làm việc ở đây tôi rất đau đầu về việc kiếm đồ ăn trưa. Thời gian sau tôi được các anh chị đồng nghiệp giới thiệu những địa chỉ bán suất cơm giao tận nơi. Tôi cũng trở thành thành viên của nhiều nhóm cơm trưa qua tin nhắn điện thoại".
Theo Minh Tú, menu được báo trước nên thuận tiện cho việc lựa chọn. Tuy nhiên, ăn lâu dài sẽ cảm thấy ngán dù menu thay đổi theo ngày. Hiện tại, cô chỉ ăn 2-3 bữa cơm văn phòng cùng đồng nghiệp. Những hôm còn lại sẽ tự nấu cơm mang theo hoặc đặt món khác trên app giao hàng.
"Các quán đều ở xa khu Sala nên phí vận chuyển khá cao, tôi phải rủ đồng nghiệp đặt cơm để nhận được nhiều ưu đãi, chia phí. Hiện tại, một số quán gần đây cũng bắt đầu tự giao nên phí vận chuyển cũng giảm đáng kể", cô bày tỏ.