Quân - dân chung sức xóa nhà tạm, nhà dột nát

Gia Lai và Kon Tum là hai tỉnh miền núi ở phía Bắc Tây Nguyên, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo trong diện xóa nhà tạm, nhà dột nát lớn.

Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, cấp ủy, chính quyền hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum và các đơn vị Quân đội trên địa bàn đã đồng lòng, chung sức với nhiều cách làm quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả.

Mục tiêu cao, triển khai quyết liệt

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025, Tỉnh ủy Gia Lai đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn kinh phí và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, nhân dân. Tỉnh đã triển khai nhiều cách làm phù hợp với từng địa phương, nơi nào gia đình, cộng đồng có thể tự xây, tự sửa thì giao việc và hướng dẫn quyết toán nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian; các công ty, doanh nghiệp có công nhân, người lao động thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát thì tạo điều kiện cho ứng lương để làm kinh phí đối ứng; hiệp đồng và phân công từng đơn vị Quân đội, Công an, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ các cấp phụ trách và giúp từng địa bàn xóa nhà tạm, nhà dột nát.

 Lãnh đạo Binh đoàn 15, Công ty 75 và huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) động thổ xây dựng nhà cho người dân.

Lãnh đạo Binh đoàn 15, Công ty 75 và huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) động thổ xây dựng nhà cho người dân.

Tổng nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2025 là 8.485 căn, trong đó xây mới 6.828 căn, sửa chữa 1.657 căn. Đây là con số không nhỏ với khối lượng công việc khổng lồ, song tỉnh Gia Lai vẫn đặt mục tiêu và quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo thông tin của Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 10-4, toàn tỉnh Gia Lai đã khởi công xây mới và sửa chữa 5.471 căn nhà, đạt 64,48% kế hoạch. Có 1.868 căn nhà đã hoàn thành, trong đó xây mới 1.388 căn, sửa chữa 480 căn. Có 3 địa phương cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là TP Pleiku và hai thị xã Ayun Pa, An Khê. Một số huyện triển khai xây dựng, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát hiệu quả như: Phú Thiện, Đak Đoa, Kông Chro...

Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Kon Tum cũng đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.928 hộ/2.752 hộ, trong đó xây mới 1.488 căn, sửa chữa 440 căn, đạt 70% kế hoạch (tính đến ngày 9-4). Theo đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong 6 tháng đầu năm 2025, Tỉnh ủy, UBND và Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Kon Tum đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; cân đối nguồn lực, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cơ chế, chính sách để có cơ sở triển khai, bảo đảm kịp thời, đúng quy định.

Các đơn vị Quân đội đồng lòng, chung sức

Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2025 của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn đã đồng lòng, chung sức, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, nhân dân thực hiện. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội có mặt ở khắp thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa giúp nhân dân xóa nhà tạm, nhà dột nát trở thành một hình ảnh đẹp, một biểu tượng của tình quân dân. Sư đoàn 10 (Quân đoàn 34) đã huy động hơn 5.000 ngày công bộ đội xây dựng 17 căn nhà cho người dân nghèo ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Trong đó có nhiều gia đình sinh sống trên núi cao, đường dốc, hẹp, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 phải gùi và mang vác từng viên gạch, từng bao xi măng, từng tấm tôn đến điểm xây nhà, được chính quyền, nhân dân cảm phục, đánh giá cao.

Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết, với mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Kon Tum trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần “nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất”. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai xây dựng 9 căn nhà, tổng trị giá 760 triệu đồng; đồng thời huy động hàng nghìn ngày công giúp nhân dân xóa 145 căn nhà tạm, nhà dột nát khác.

 Lãnh đạo Binh đoàn 15 và Công ty 74 thăm hỏi, động viên hộ gia đình ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) được xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Lãnh đạo Binh đoàn 15 và Công ty 74 thăm hỏi, động viên hộ gia đình ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) được xóa nhà tạm, nhà dột nát.

“Khu vực biên giới tỉnh Kon Tum gồm 13 xã thuộc 4 huyện: Sa Thầy, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 23,76% và những gia đình khó khăn về nhà ở gần như không có khả năng để xây mới hay sửa chữa nhà. Vì vậy, những căn nhà mới đạt tiêu chí “3 cứng” đã mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc lớn cho đồng bào, góp phần giữ bình yên trên vùng biên giới”, Đại tá Phạm Cảnh Toàn khẳng định.

Binh đoàn 15 đặt mục tiêu hỗ trợ xóa 348 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 với tổng kinh phí 16.406 tỷ đồng. Năm 2024, Binh đoàn 15 đã huy động nguồn lực hỗ trợ xóa 142 nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Quân đoàn 34 ra quân hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại 9 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh Gia Lai, gồm: Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Chư Păh, Chư Pưh. Cũng tại Gia Lai, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) sau khi hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát tại thị xã An Khê sẽ tiếp tục mở rộng hỗ trợ tại 7 xã thuộc 3 huyện: Kbang, Đak Pơ và Kông Chro. Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai hỗ trợ 5 xã thuộc 3 huyện biên giới: Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai; các đơn vị: Lữ đoàn Công binh 280, Xưởng 340 (Quân khu 5), Lữ đoàn 132 (Binh chủng Thông tin liên lạc), Kho K896 và Kho K897 (Cục Quân khí, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật) đều đồng loạt ra quân giúp nhân dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đồng chí Rah Lan Chung, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương, phong trào nhân văn, giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội vươn lên. Việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp nhiều khó khăn do số lượng nhà nhiều, kinh phí hạn chế, thời gian gấp rút. Tuy nhiên, càng khó khăn thì càng phải quyết tâm và làm được trong khó khăn thì càng có ý nghĩa. Các địa phương, các sở, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội cần phải có quyết tâm chính trị cao, quân-dân đồng lòng, chung sức, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/quan-dan-chung-suc-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-824121