Quân dân vùng Kinh Bắc 'đánh giặc nước'

Kinh Bắc gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang vốn được biết đến là vùng đất ít bão lũ, nhiều 'bờ xôi, ruộng mật'. Trong hoàn cảnh bị 'giặc nước' đe dọa, sự phối hợp chung tay của quân và dân trên địa bàn đã để lại những dấu ấn khó phai. Tinh thần đoàn kết, tình quân dân cá nước trên quê hương Quan họ, nơi ra đời bài hát 'Tấm áo mẹ vá năm xưa', lại một lần nữa thức dậy và truyền cảm hứng.

Tôi có mặt tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, thủ phủ của vải thiều vào trưa 10-9, một ngày sau khi siêu bão số 3 đi qua. Quốc lộ 31, con đường chính dẫn lên thị trấn Chũ đã thông, không còn bị chia cắt bởi nước lũ. Cạnh mặt nước đục ngầu mênh mông là những bụi cây lá xanh phất phơ bởi phía dưới của nó bị “sơn phủ” một màu vàng nhạt đặc trưng của nước lũ. Gạt những giọt nước mưa trên mặt, ngồi vào mâm cơm dã chiến cùng những đồng đội đã nhiều đêm trắng vật nhau với bão lũ, tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ.

Trung tá Vi Văn Nam, Phó chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Lục Ngạn, thông báo với tôi những nét cơ bản về tình hình ở đây. Anh nói rằng, hiện còn 28 ngầm tràn (tập trung ở các xã Phong Minh, Sa Lý, Đèo Gia) bị chia cắt, cô lập trong lũ. Nhiều nơi bị mất điện, không có sóng điện thoại để liên lạc. Ngay trong Ban CHQS huyện Lục Ngạn cũng có tới 3 gia đình quân nhân bị ngập mà chưa thể về để dọn dẹp do bận hiệp đồng, phối hợp với lực lượng "đánh giặc nước".

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 (Quân đoàn 12) giúp nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang sơ tán tài sản. Ảnh: DƯƠNG HỒNG

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 (Quân đoàn 12) giúp nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang sơ tán tài sản. Ảnh: DƯƠNG HỒNG

Khi hoàn lưu bão số 3 đang đổ những cơn mưa tầm tã, nguy cơ ngập úng xuất hiện thì lực lượng của Sư đoàn 325 (Quân đoàn 12); Sư đoàn 3, Trường bắn Quốc gia Khu vực 1 (Trường bắn TB1), Lữ đoàn 575 (Quân khu 1) và một vài đơn vị khác đang diễn tập tại Trường bắn TB1 gồm Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Quân chủng Phòng không-Không quân cũng hành quân đến giúp cấp ủy, chính quyền, nhân dân Lục Ngạn chạy lũ. Cán bộ, nhân viên của Ban CHQS huyện Lục Ngạn chia ra và cơ động theo các hướng. Họ đi các hướng, các xã, các thôn bị ngập nặng để hiệp đồng, chỉ thị mục tiêu cho lực lượng chủ lực sơ tán người và tài sản.

Mưa xối xả, trắng trời khiến trong lòng mọi người đều bồn chồn, nhức nhối. Mưa ngớt, Trung tá Diệp Thanh Bình, Chủ nhiệm Chính trị, kiêm Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Lục Ngạn, hối tôi đi xã Nam Dương. Hai bên đường, từng tốp chiến sĩ của Sư đoàn 325 đang phối hợp để dọn bùn đất. Những chiếc xẻng được thiết kế độc đáo, lưỡi to, có be chắn hình chữ nhật hai bên do anh em tự thiết kế đã tăng hiệu suất công việc.

Chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Hải Ngư, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, đi kiểm tra công việc ở ngã ba. Tại đây, anh kể vắn tắt cuộc chuyển quân trong bão tố và mưa tầm tã giúp đồng bào chạy lũ lụt. Đỉnh điểm là trong đêm 8-9, bộ đội của Sư đoàn đã sơ tán tài sản, chuyển gia súc, gia cầm, thậm chí cõng lợn của nhân dân đến nơi an toàn với số lượng khó có thể đong đếm. May mắn nhất là Cơ sở in và quảng cáo Huấn Lên ở xã Giáp Sơn, trước nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng thì bộ đội Sư đoàn 325 ào đến như một cơn gió. Họ sơ tán máy móc, trang bị đến nơi an toàn trong sự ngỡ ngàng và cảm phục của gia chủ. Anh Ngư nói với tôi, bộ đội tranh thủ từng phút hiếm hoi để giúp dân. Họ ăn vội vàng trong mưa để chạy đua với thời gian.

Đến nhà ông Dương Văn Út ở thôn Lâm, xã Nam Dương tôi mới thấy bão lũ rất khủng khiếp. Dấu tích ngôi nhà giờ là đống vật liệu ngổn ngang giống như bị pháo, bị bom tàn phá. Ông Út cho hay, đây là cơn bão lớn nhất và có sức tàn phá ghê gớm mà ông thấy từ khi sinh ra. Dù bão đã tan, dù được các cấp chính quyền hỗ trợ tích cực, nhưng nhìn vào đôi mắt của ông tôi vẫn nhận thấy sự bàng hoàng.

 Quân và dân phối hợp đắp con trạch trên đê bối Khu phố Đẩu Hàn, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, một địa điểm chống lũ căng thẳng ở vùng Kinh Bắc. Ảnh: HỮU HÙNG

Quân và dân phối hợp đắp con trạch trên đê bối Khu phố Đẩu Hàn, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, một địa điểm chống lũ căng thẳng ở vùng Kinh Bắc. Ảnh: HỮU HÙNG

Bỗng nhiên điện thoại của tôi đổ chuông. Nhấc máy, phía đầu dây bên kia, Trung tá Nguyễn Duy Khánh, Trợ lý Tuyên huấn của Phòng Chính trị Sư đoàn 3, nói ngắn, gấp gáp như bắn liên thanh, rồi cúp máy, chẳng để tôi kịp phản ứng.

- Ngay trong trưa nay, một cánh quân của Trung đoàn 2 sẽ về huyện Hiệp Hòa để giúp dân anh ạ.

Vượt qua mấy ngầm nước còn mấp mé, trở lại Ban CHQS huyện Lục Ngạn thì tôi lại nhận được thông tin của Thiếu tá Phạm Văn Thịnh, Trợ lý Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Sư đoàn 325. Cũng như Khánh, anh Thịnh nói rất nhanh:

- Chiều tối nay có một cánh quân đi hướng thị xã Quế Võ.

Thông qua các anh chỉ huy tôi biết được, các cánh quân thiện chiến ấy được tăng cường cho hộ đê. Thế là lúc này, công tác "đánh giặc nước" đã chuyển sang một địa bàn mới, chẳng khác nào người lính chuyển vào phòng ngự.

Tôi lập cập chia tay các đồng đội ở Ban CHQS huyện Lục Ngạn và trở về Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang để đến Hiệp Hòa. Nhưng khi về đến TP Bắc Giang thì đã hơn 19 giờ. Đèn đường chỗ có, chỗ không và nhiều cây đổ chưa được khắc phục. Trời tối đen, mưa như trút, màn đêm bao phủ. Trên radio, tình hình nước sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam được cập nhật, khiến trong tôi như có lửa. Đang rối thì tôi nhận được điện thoại của Trung tá Lê Đình Minh, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3, Quân khu 1). Anh khuyên tôi đừng về Hợp Thịnh, Hiệp Hòa nữa vì nước đã tràn qua đê bối. Anh Minh kể ngắn gọn, ngay sau khi nước tràn, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị lập tức quay sang giúp nhân dân ở đây sơ tán tài sản và di dời khỏi nơi úng ngập. Công việc hết sức khẩn trương.

Tôi quyết định điện thoại cho Trung tá Nguyễn Đức Thành, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS TP Bắc Ninh, vốn là bạn cùng học. Phải mất mấy cuộc mới thông. Anh cho biết, nước sông Cầu lên cao đe dọa Khu phố Đẩu Hàn của phường Hòa Long, nơi có khoảng 450 hộ dân sinh sống. Từ chiều, tỉnh Bắc Ninh đã huy động gần 1.000 người để đắp một con trạch trên mặt đê. Tại thời điểm đó, Lữ đoàn 164 (Quân đoàn 12) và 50 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Bắc Ninh) đã được tăng cường. Anh Thành cúp máy và tôi thu hành lý, hành quân về TP Bắc Ninh.

Sau 45 phút di chuyển tôi cũng đến được khu phố Đẩu Hàn, nơi xung yếu nhất như anh Thành đã chỉ điểm. Con sông Cầu từng được nhà thơ Đỗ Trung Lai, nguyên cán bộ Báo Quân đội nhân dân, tả đẹp như một bức tranh “Sao giời lọt qua mắt lưới/ Rơi đầy xuống cả mặt sông/ Con sông của người quan họ/ Suốt đời nước chảy lơ thơ” (Đêm sông Cầu) giờ đây giống như một con thủy quái khổng lồ, sẵn sàng tràn nước vào các khu phố bất cứ lúc nào.

Dưới trời mưa tầm tã, dưới ánh đèn điện vàng vọt, trên một mặt đê bối không rộng, hơn 1.000 người cùng đắp một con trạch ở lề mặt đê bối, hướng ra ngoài sông nghênh chiến. Họ chia thành nhiều tốp. Chỗ thì xúc cát, xúc đất cho vào bao và tốp chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển, rồi có tốp xếp bao. Cách xếp khá đơn giản, giống như làm các ụ súng, hoặc đắp bao cát quanh các loại công sự của những người lính chúng tôi. Yêu cầu lớn nhất trong đắp con trạch trên mặt đê đó là phải có chân và xếp khít, không có khe hở, tránh dò nước. Nhìn đoàn người hối hả với công việc chặn "giặc nước", tôi lại nhớ về tiếng trống ngũ liên thúc giục chạy lũ năm 1984. Đó là kỷ niệm khó quên với tôi về "giặc nước" cho đến thời điểm này.

Đang mải miết ngắm nhìn con trạch trên đê bối lớn lên theo tiếng thở gấp của người dân thì tôi được tin bộ đội Sư đoàn 325 đã về hỗ trợ. Đã gần 22 giờ, được tiếp thêm sức sống mới, công trường trên mặt đê bối sôi động, khẩn trương. Bộ đội đến hiện trường lao ngay vào việc. Tốc độ thi công con trạch được đẩy lên cao. Đến 2 giờ sáng hôm sau (10-9) con trạch trên đê bối khu phố Đẩu Hàn dài 400m, cao trung bình gần 1m có chỗ xung yếu cao đến 1,1m đã hoàn thành.

Sang hôm sau tôi có hỏi lại Thiếu tá Phạm Văn Thịnh thì được biết, trước tình trạng "giặc nước" ở Đẩu Hàn rất nguy hiểm nên UBND tỉnh Bắc Ninh đã chuyển hướng lực lượng hỗ trợ của Sư đoàn 325 về đây thay vì xuống thị xã Quế Võ như kế hoạch ban đầu. Sau này, khi đã về đơn vị, anh Thành thông báo với tôi, có lúc lũ trên sông Cầu lên đến đỉnh điểm, cao hơn mặt đê bối 70cm, nhưng cũng không vượt qua được con trạch này. Thế là công sức của những người "đánh giặc nước" đã được ghi nhận.

Chiều 11-9, tôi gặp đồng chí Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh, đến Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận 5 tấn gạo do Chính phủ cấp phát và được Quân khu 1 chuyển về. Chị thổ lộ, "trận đánh hiệp đồng" của Quân đội và người dân Bắc Ninh trên đê bối Đẩu Hàn đã để lại cho chị kỷ niệm khó quên. Chị cho rằng, Bộ đội Cụ Hồ thời bình rất đỗi dung dị, chân thật, nhưng luôn là đỉnh cao của tinh thần cống hiến. Họ hội tụ cả trí tuệ, sức khỏe và bản lĩnh cũng như truyền thống hiển hách của cha ông.

Tối ấy, Thiếu tá Phạm Văn Thịnh điện cho tôi. Anh cho biết, ngay trong đêm, một lực lượng của Sư đoàn 325 hành quân đến Thanh Hà, Hải Dương. Tôi biết, cuộc chiến với "giặc nước" ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã hoàn thành và các anh, những người lính của đơn vị chủ lực lại có nhiệm vụ mới. Đó đã là lẽ thường của Bộ đội Cụ Hồ.

Bút ký của MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/quan-dan-vung-kinh-bac-danh-giac-nuoc-794877