Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trị 'bệnh' lãng phí trong giáo dục ở nước ta
Lãng phí trong giáo dục đại học hiện nay đang gây ra nhiều hệ lụy, ngoài sự lãng phí về tiền bạc còn là sự lãng phí về thời gian, công sức, lòng tin và sự trung thực.
Lãng phí trong giáo dục hiện nay là không hề nhỏ, cần vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí, chống bệnh hình thức cũng như tư tưởng của Người về giáo dục để tập trung xây dựng một mục đích hay một triết lý giáo dục phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên của độc lập, tự do. Ngay khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được vai trò quan trọng của giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “một nền giáo dục của một nước độc lập, sẽ đào tạo học sinh thành những người hữu ích cho đất nước, phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của học sinh. Đồng thời phải có phương châm dạy học phù hợp với thực tiễn, có thái độ không thờ ơ đối với xã hội, không xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; không phải học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Cần xây dựng tư tưởng, dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân”, còn với bậc đại học thì “cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà”.
Hiện nay, theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cũng đã đưa ra quan điểm về giáo dục gồm 4 trụ cột: học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để tự khẳng định mình. Nếu so với những điều Bác đã chỉ ra từ năm 1945, cho thấy quan điểm của Người về công tác phát triển giáo dục thời điểm đó và hiện nay không có gì khác nhau, có chăng chỉ khác nhau ở lời diễn giải.
Từ năm học 2013-2014 đến nay, quy mô chi ngân sách hàng năm cho giáo dục luôn tăng tuyệt đối, tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 5 năm là khoảng 883,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 20% trong tổng chi NSNN. Trong đó, chi cho giáo dục đại học công lập khoảng 12% trong tổng chi, ước tính khoảng 106 nghìn tỷ đồng, so với quy mô gần 7,6 triệu sinh viên đại học công lập trên cả nước (trong 5 năm) thì bình quân NSNN chi cho mỗi sinh viên khoảng 2,8 triệu đồng/1 năm học. Từ số liệu trên cùng với ước tính về các khoản chi tiêu của sinh viên, học phí của một số trường đại học và mức lương bình quân tối thiểu vùng hiện hành (để ước lượng chi phí cơ hội) thì chi phí toàn xã hội cho mỗi sinh viên khoảng 52,45 triệu/01 năm học (10 tháng học). Và để tốt nghiệp (sau 04 năm học) thì chi phí cho một sinh viên mà toàn xã hội phải bỏ ra là khoảng 209,8 triệu đồng. Kết hợp số liệu này với số lượng sinh viên ra trường chưa có việc làm, thất nghiệp hàng năm hoặc có việc nhưng không đáp ứng yêu cầu, phải đào tạo lại,… sẽ cho thấy lãng phí toàn xã hội cho giáo dục đại học hiện nay là vấn đề rất cần được quan tâm.
Theo khảo sát thị trường lao động trong quý 2/2018, được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Tổng cục Thống kê công bố ngày 18/9/2018 tại Hà Nội, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 126.900 người. Còn trước đó, trong Quý 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237.000 người. Lãng phí tương ứng với 2 số liệu thất nghiệp trên là 26,6 nghìn tỉ đồng và 49,7 nghìn tỉ đồng.
Ở một khía cạnh khác, Nhóm nghiên cứu Quản trị tinh gọn Made in Vietnam, Đại học Quốc gia Hà Nội về Tâm thế sinh viên đại học trong học tập và rèn luyện được công bố vào cuối năm 2018, khoảng 40% sinh viên hiểu rõ mình cần phải học thật, làm việc thật khi học đại học như thế nào để có kết quả tốt. Như vậy, có thể thấy 60% số sinh viên còn lại có tâm thế “học để chơi” (tức học cho xong, học cho có bằng cấp) hoặc khá hơn là “học để biết” (có tiếp thu được kiến thức nhưng không hoặc chưa vận dụng ngay được vào thực tế), khi ra trường nhiều khả năng số sinh viên này sẽ phải đào tạo lại. Nếu lượng hóa tỉ lệ 60% của hơn 1,3 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong 5 năm vừa qua, số lượng phải đào tạo lại là khoảng 823.910 sinh viên. Mức lãng phí toàn xã hội cho số sinh viên này ước tính gần 173 nghìn tỉ đồng. Thêm vào đó, ngoài việc lãng phí được tính bằng tiền còn có những lãng phí về tư duy, phương pháp và lệch lạc về thái độ trong học tập và làm việc. Đây là những loại lãng phí sẽ mang lại cho xã hội những hệ lụy khó lường bởi nó ảnh hưởng đến phẩm chất người lao động. Người lao động có phẩm chất kém thì chất lượng công việc sẽ hạn chế, dễ xảy ra sai sót, thất thoát và lãng phí lại càng nặng nề hơn. Nguy hiểm hơn nữa, tâm thế đó rất có thể lại được truyền cho cả thế hệ kế tiếp.
Dẫn đến tình trạng này có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong số đó phải kể đến việc sinh viên được học tập nhưng không xác định được đúng mục đích của việc học tập. Có khi chỉ xác định học là cơ hội để có địa vị cao trong xã hội và có nhiều tiền, muốn vậy thì phải có “mảnh” bằng đại học. Từ đây nảy sinh ra bệnh hình thức, tâm lý sính bằng cấp, điểm số, tôn sùng vật chất và hưởng thụ. Thực tế nhiều sinh viên có tâm thế không học cho mình mà “học cho bố mẹ”, để rồi mọi công việc do bố mẹ sắp xếp. Thậm chí nhiều người cũng chẳng thiết tha gì với công việc, họ “học cho vui” vì họ chỉ cần tấm bằng đại học để cho bằng, “cho oai” với thiên hạ.
Cùng với nguyên nhân trên, công tác đào tạo của nhiều trường đại học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Các chương trình đào tạo, số lượng tuyển sinh cho từng loại ngành nghề không dựa trên cơ sở yêu cầu thực tế của thị trường lao động, dẫn tới thiếu ngành này, thừa ngành khác hoặc gây ra hiện tượng thừa thầy thiếu thợ.
Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị còn nhiều bất cập. Phương pháp tuyển dụng, đánh giá chất lượng của lao động chưa đúng với nhu cầu thực tế, phần lớn chỉ dựa vào bằng cấp mà coi nhẹ năng lực thực sự của cá nhân để tuyển dụng, xếp lương, bổ nhiệm… Từ đó tạo ra một vòng xoáy làm cho căn bệnh chuộng bằng cấp ngày càng lan rộng và ngày càng trầm trọng, đẩy xã hội thành “xã hội bằng cấp”, các văn bằng chứng chỉ là những biểu tượng vị thế, tạo nên tâm lý coi thường lao động chân tay, lao động phổ thông và càng làm mờ đi mục đích thực chất của việc học tập.
Trước tình trạng lãng phí lớn trong giáo dục đại học như hiện nay, việc tìm hiểu, vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí, chống bệnh hình thức cũng như tư tưởng của Người về giáo dục là rất cần thiết. Cần tập trung xây dựng một mục đích hay một triết lý giáo dục phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay. Hay nói cách khác, chúng ta phải đổi mới giáo dục, đó là việc phải làm ngay từ các nhà quản lý giáo dục, người thiết kế chương trình dạy và học, người đứng lớp, người học và cả người sử dụng lao động.
Vốn là một thầy giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rất rõ sự tai hại của lãng phí trong giáo dục, theo Người “Lãng phí tuy khác với tham ô, người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân”. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ nguyên nhân gây ra lãng phí, đó là: “Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương, hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”.
Vì vậy, mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi cấp học, đặc biệt là các nhà trường cần xây dựng cho mình những nội dung, phương pháp, nguồn lực phù hợp, tránh “lập kế hoạch không chu đáo” để nâng cao hiệu quả của giáo dục, đào tạo. Cũng từ đó tạo dựng một môi trường giáo dục có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước – nhà trường – gia đình - xã hội để cùng hướng tới mục đích chung trong giáo dục, tạo ra những chuyển biến thực sự trong giáo dục ở nước ta, thực hiện thành công sự nghiệp “trồng người” như Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hằng mong mỏi.