Quan điểm của Mỹ về khủng hoảng Nga-Ukraine: Còn nước, còn tát
Chính quyền Mỹ đã đưa ra quan điểm trước cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày càng leo thang rằng, chừng nào còn có hy vọng về giải pháp ngoại giao để tránh việc sử dụng vũ lực và gây tổn thất về người thì Washington còn tiếp tục nỗ lực.
Tận dụng mọi cơ hội ngoại giao
Ngày 15/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu tại Nhà Trắng về tình hình Ukraine, trong đó ông nói rõ rằng, Mỹ, các đồng minh và Ukraine không phải là mối đe dọa đối với người dân Nga, còn nhiều dư địa cho các hoạt động ngoại giao với Moscow để tránh một cuộc xung đột ở châu Âu.
Theo ông Biden, người dân Nga không phải là kẻ thù của Mỹ, và chắc chắn là họ không muốn chứng kiến một cuộc chiến đẫm máu nhằm vào Ukraine.
Mặc dù hoan nghênh tuyên bố của Nga về việc rút quân khỏi khu vực biên giới giáp với Ukraine, song Tổng thống Biden cho biết, Mỹ chưa xác minh được việc Nga rút quân về căn cứ; và hiện Nga vẫn có hơn 150.000 quân xung quanh Ukraine, Belarus và dọc biên giới giáp với Ukraine. Vì vậy, một cuộc tấn công vẫn có khả năng xảy ra.
Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo Tổng thống Putin rằng nếu Nga tấn công Ukraine, cái giá phải trả về tính mạng người dân đối với Ukraine cũng như cái giá phải trả về chiến lược đối với Moscow sẽ rất lớn.
Ông Biden cho biết, Mỹ không muốn xung đột với Nga, xong sẽ đáp lại bằng vũ lực nếu Nga đe dọa công dân Mỹ tại Ukraine.
Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng, chừng nào còn có hy vọng về giải pháp ngoại giao để tránh việc sử dụng vũ lực và gây tổn thất về người thì Mỹ còn tiếp tục nỗ lực.
Cam kết sẽ tận dụng "mọi cơ hội ngoại giao" để ngăn Nga xâm lược Ukraine, song ông Biden vẫn tỏ ra hoài nghi về các ý định của Moscow.
Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không hy sinh các nguyên tắc cơ bản - đó là tôn trọng chủ quyền của Ukraine.
Tổng thống Biden nêu rõ: "Có 2 con đường vẫn đang rộng mở. Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng là: Nếu Nga xâm lược Ukraine, các quốc gia có trách nhiệm trên toàn thế giới sẽ không ngần ngại đáp trả.
Nếu ngày hôm nay chúng ta không ủng hộ cho sự tự do ở nơi đang phải đối mặt với tình thế nguy hiểm, chắc chắn chúng ta sẽ phải trả một cái giá đắt hơn vào ngày mai".
Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không lùi bước trước các yêu sách của Nga rằng Ukraine không được phép gia nhập NATO.
Chuẩn bị cho những rủi ro
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thừa nhận rằng, các lệnh trừng phạt mà Washington và đồng minh áp đặt đối với Moscow để trả đũa cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine (nếu xảy ra) sẽ có tác động ngược trở lại đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả khả năng giá cả gia tăng và nguồn cung cấp năng lượng của nước này bị gián đoạn.
Ông Biden cho biết, chính quyền đang cố gắng giải quyết các vấn đề về nguồn cung bằng cách làm việc với các nhà sản xuất năng lượng và chủ hàng để thảo luận các kế hoạch dự phòng.
Ngoài ra, ông sẽ làm việc với Quốc hội để tìm các biện pháp bổ sung nhằm bảo vệ người tiêu dùng và xử lý tác động của vấn đề giá cả.
Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá một gallon xăng trung bình toàn quốc là 3,51 USD vào ngày 16/2, tăng khoảng 1 USD so với một năm trước và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trên thế giới và nếu nước này tấn công Ukraine và Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt thì dầu của Nga sẽ không tiếp cận được thị trường thế giới, làm cho giá dầu tăng. Một số nhà phân tích dự đoán giá xăng dầu ở Mỹ có thể tăng 50 Cent mỗi gallon.
Các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden đã bị đổ lỗi vì giá khí đốt cao hơn, như một phần của lạm phát tồi tệ nhất trong gần 40 năm ở Mỹ. Đây hiện là vấn đề chính trị lớn đối với ông và đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.
Cũng liên quan đến vấn đề Ukraine, Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa Joni Ernst (bang Iowa) cho rằng, Mỹ nên ra quyết định trừng phạt Nga ngay lập tức trong bối cảnh căng thẳng tại biên giới Nga-Ukraine đang “tăng nhiệt”.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Chris Coons (bang Delaware) khẳng định ông không ủng hộ việc Mỹ điều quân đến Ukraine nếu quốc gia Đông Âu bị Nga tấn công.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lên tiếng cảnh báo rằng, nếu Nga đưa quân vào Ukraine dù với bất kỳ quy mô nào, Nga sẽ phải hứng chịu một sự đáp trả "ngay lập lập tức", "mạnh mẽ" và thống nhất từ Mỹ và các đồng minh ở châu Âu.
Ngoại trưởng Blinken khẳng định, mọi lựa chọn hiện nay nằm trong tay của Tổng thống Putin, và ông bày tỏ hy vọng Nga sẽ lựa chọn giải pháp đối thoại.
Khi được hỏi ý kiến về thông tin từ tình báo Anh rằng chính phủ Nga đang có kế hoạch "dựng lên" một lãnh đạo "thân Nga" tại Ukraine, ông Blinken cho biết, ông không thể bình luận về thông tin này, song khẳng định bản thân ông từng cảnh báo rằng khả năng chiến thuật này sẽ được sử dụng.
Tuần trước, Mỹ đã trừng phạt 4 điệp viên người Ukraine làm việc cho Nga. Ngoại trưởng Blinken cho rằng đây cũng là công cụ mà Nga thường sử dụng.
Thời gian qua, Mỹ và các nước phương Tây liên tục cáo buộc Nga đang chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công quân sự Ukraine. Nga cũng tổ chức các cuộc tập trận tại khu vực biên giới với Ukraine.
Tuy nhiên, Moscow luôn bác bỏ, cho rằng các cáo buộc là vô căn cứ và Nga có quyền điều quân hợp pháp trên lãnh thổ nước này.
(theo CNN)