Quan điểm của tân Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đối với Nga, Trung Quốc
Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử ông John Ratcliffe vào vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia của nước này.
Năm 2019, Tổng thống Donald Trump đề cử Thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa John Ratcliffe giữ chức Giám đốc Tình báo Quốc gia thay thế ông Dan Coats. Ngày 21/5 vừa qua, với 49 phiếu thuận và 44 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử ông John Ratcliffe. Ông John Ratcliffe cam kết sẽ duy trì sự độc lập về chính trị trong các cơ quan tình báo quốc gia và thông báo với Quốc hội mọi diễn biến quan trọng mà giới tình báo Mỹ thu thập được.
Ông Ratcliffe, được đánh giá là chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh quốc gia và tình báo. Năm 2007, Ratcliffe được Tổng thống George W. Bush đề bạt làm quyền chưởng lý cấp quận.
Với cương vị mới, ông Ratcliffe có nhiệm vụ giám sát 17 cơ quan tình báo của Mỹ. Một câu hỏi lớn được đặt ra tại đây là vị quan chức này sẽ điều hành các tổ chức ra sao trong việc định hình mối quan hệ với các đối thủ lớn của Washington.
Cứng rắn với Trung Quốc
Kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) bùng phát, chính quyền Tổng thống Trump luôn theo đuổi lập trường ngoại giao cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Bất chấp cộng đồng tình báo Mỹ bác bỏ tin đồn virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) được sản xuất tại Trung Quốc, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo liên tục khẳng định Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch.
Theo giới quan sát, dưới sự lãnh đạo của ông Ratcliffe, các cơ quan tình báo Mỹ sẽ sớm thay đổi giọng điệu. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, ông Ratcliffe cho biết mục tiêu ưu tiên của ông trong cương vị Giám đốc Tình báo Quốc gia sẽ là điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Ông còn cho rằng “mọi con đường đều dẫn tới Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, ông Ratcliffe còn cam kết sử dụng nhiều nguồn lực hơn nữa trong việc đối phó với “sức mạnh đang lên là Trung Quốc”, ám chỉ sáng kiến “Vành đai, Con đường” của nước này như một trong những mối đe dọa mà Mỹ cần phải loại trừ.
“Tôi mong ngồi cùng thuyền với các ngài”, vị tân Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ phát biểu trước các Thượng nghị sĩ, nhấn mạnh ông đảm bảo cộng đồng tình báo “tận lực ứng phó với Trung Quốc – nhân tố đe dọa lớn nhất đối với chúng ta hiện nay”.
Gia nhập hàng ngũ “Russiagate” cáo buộc Nga
Một số cơ quan tình báo Mỹ và người tiền nhiệm Dan Coats cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, mặc dù chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng xác thực nào.
Được cho là sẽ tiếp nối truyền thống đó, phát biểu tại phiên điều trần, ông Ratcliffe cho rằng Nga vẫn gieo rắc mối bất hòa tại Mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi trực tiếp trên các phương tiện truyền thông, vị tân Giám đốc Tình báo Quốc gia này từ chối bình luận về những cáo buộc đối với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Cuối mùa Hè này, ông Ratcliffe sẽ phụ trách việc công khai bản báo cáo cuối cùng trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016. Mặc dù được cho là đứng trong hàng ngũ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, song với kết quả cựu Công tố viên Đặc biệt Robert Muller công bố năm ngoái, theo đó kết luận không thấy bằng chứng “cấu kết” giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Moskva, tân Giám đốc Tình báo Quốc gia Ratcliffe sẽ không phải đứng ra bảo vệ Tổng thống Trump trước bất kỳ thông tin nào được tiết lộ.