Quan điểm cứng rắn của Nga về đàm phán sau vụ Ukraine tấn công tỉnh Kursk

Các quan chức ngoại giao cấp cao của Moscow cho biết, hiện tại khả năng đàm phán hòa bình với Kiev là điều không thể sau khi Ukraine đột kích tỉnh biên giới Kursk.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Tass

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Tass

Theo hãng tin Tass, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định không thể có bất kỳ cuộc đàm phán nào với Ukraine sau cuộc tấn công của Kiev vào vùng Kursk.

"Tổng thống (Putin) đã nói rất rõ ràng rằng sau các cuộc tấn công, hoặc thậm chí là xâm nhập, vào khu vực Kursk, bất kỳ cuộc đàm phán nào đều không thể diễn ra" - Ngoại trưởng Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn đài truyền hình Rossiya-1 hôm 19/8.

Ông Lavrov cũng bác bỏ thông tin về các cuộc tiếp xúc trước khi diễn ra các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine do Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Ngoại trưởng Nga nói rằng đây chỉ là tin đồn.

"Thời gian gần đây có những tin đồn lan truyền rằng đã có một số cuộc tiếp xúc bí mật để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình do Qatar làm trung gian, hoặc nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ của chúng ta đang có kế hoạch trở thành trung gian trong lĩnh vực an ninh lương thực. Nhưng đặt trong bối cảnh đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đen, cần hiểu mục tiêu thực sự của những kế hoạch như vậy" - Ngoại trưởng Nga nói thêm.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, toàn bộ quá trình trong khuôn khổ hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ là không thể chấp nhận được đối với Nga, vì sự kiện này nhằm thúc đẩy “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky như một tối hậu thư.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Tiến trình Burgenstock không thể chấp nhận được đối với chúng tôi, vì mục tiêu duy nhất là thúc đẩy tối hậu thư dưới danh nghĩa "công thức của ông Zelensky".

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về Ukraine được tổ chức vào ngày 15-16/6 tại Burgenstock, Thụy Sĩ theo yêu cầu của Kiev. Nga không được mời tham dự hội nghị. Phái đoàn của hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc cũng vắng mặt.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin cũng tuyên bố, trong tình hình hiện tại, đàm phán với Ukraine là điều không thể.

Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin. Ảnh: Alphanews

Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin. Ảnh: Alphanews

Phát biểu trong cuộc gặp với Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow Tanju Bilgic ngày 19/8, Thứ trưởng Ngoại giao Galuzin đã chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố của Ukraine ở vùng Kursk.

“Phía Nga lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố dã man của lực lượng vũ trang Ukraine ở tỉnh biên giới Kursk. Sự việc diễn ra trong khi tất cả đang đàm phán với Kiev về triển vọng đạt được một giải pháp chính trị và ngoại giao” – Thứ trưởng Galuzin cho hay.

Theo ông Galuzin, hiện tại cơ hội đàm phán gần như không còn. “Người ta cũng chỉ ra rằng không thể thảo luận về các vấn đề năng lượng và an ninh lương thực, cũng như các khía cạnh nhân đạo ở Ukraine, mà phương Tây đang cố gắng áp đặt như một bước tiếp theo sau kết quả của hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine ở Burgenstock, Thụy Sĩ vào tháng 6/2024” – Thứ trưởng Galuzin nói thêm.

Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền hiện tại của Nga. Động thái này được đưa ra sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.

Đến tháng 6 năm nay, Moscow tiếp tục đưa ra ý tưởng hòa đàm. Thời điểm đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng hòa đàm ngay lập tức nếu Ukraine rút quân khỏi 4 tỉnh nói trên và cam kết trung lập.

Tuy nhiên, phía Kiev đáp lại đề nghị này của Moscow bằng cách mở một cuộc đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga hôm 6/8 vừa qua. Sau gần 2 tuần đột kích, Ukraine thông báo đã kiểm soát hơn 1.150km2 lãnh thổ Nga và bắt giữ hơn 100 tù binh.

Một chiếc xe bọc thép Stryker do Mỹ viện trợ được Ukraine sử dụng trong vụ đột kích vùng Kursk của Nga. Ảnh: Getty Images

Một chiếc xe bọc thép Stryker do Mỹ viện trợ được Ukraine sử dụng trong vụ đột kích vùng Kursk của Nga. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/8 báo cáo, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất tới 2.860 binh sĩ và 41 xe tăng trong cuộc giao tranh tại tỉnh Kursk.

Tổng thống Putin chỉ trích cuộc đột kích của Ukraine là "khiêu khích nghiêm trọng" và sẽ bị đáp trả thích đáng. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng nêu rõ, Nga sẽ không đàm phán khi Ukraine tấn công vào dân thường và các hạ tầng dân sự.

Trong khi đó, Kiev khẳng định mục tiêu của cuộc đột kích vùng Kursk không phải là chiếm giữ lãnh thổ Nga mà nhằm tạo vùng đệm an ninh, bảo vệ người dân ở các vùng biên giới Ukraine.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-diem-cung-ran-cua-nga-ve-dam-phan-sau-vu-ukraine-tan-cong-tinh-kursk.html