Quan điểm Hồ Chí Minh về các điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc

Thực hiện chính sách dân tộc là quá trình đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách dân tộc, bài viết làm rõ các điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc theo quan điểm Hồ Chí Minh.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc_Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc_Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

1. Mở đầu

Xuất phát từ tình yêu thương vô hạn đối với nhân dân và sự gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tư duy, tầm nhìn bao quát trong xử lý vấn đề dân tộc và mối quan hệ dân tộc ở một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam. Người rất coi trọng và thường xuyên nhắc nhở Đảng, Chính phủ quan tâm đến việc ban hành và tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc nhằm phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; thực hiện đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa các dân tộc ngày càng bền chặt, tạo nên sức mạnh tổng hợp, to lớn cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam xây dựng nước độc lập, thống nhất.

2. Thực hiện chính sách dân tộc trong quan điểm của Hồ Chí Minh

Thực hiện chính sách dân tộc là quá trình đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, đến với người dân để chủ trương của Đảng, mong muốn của người dân được cụ thể hóa thành lợi ích vật chất xã hội(1). Quá trình triển khai những chủ trương, định hướng của Đảng về vấn đề dân tộc vào đời sống xã hội, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế và quốc phòng, an ninh, nhằm hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và phù hợp với những định hướng trong hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Hồ Chí Minh, điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc, bao gồm:

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần có các chính sách đặc thù, phù hợp, ưu tiên, tương trợ, giúp đỡ phát triển vùng DTTS

Theo Hồ Chí Minh, để phát triển vùng DTTS thì trách nhiệm quan trọng thuộc về Đảng, Nhà nước. Người cho rằng, Đảng, Nhà nước phải có biện pháp ưu tiên, chăm lo bồi dưỡng đồng bào DTTS, chú ý đến đồng bào vùng cao và giúp đồng bào nhiều hơn nữa, có như vậy mới thực hiện tốt vấn đề dân tộc. Người yêu cầu: “các cơ quan trung ương phải có kế hoạch đẩy mạnh phong trào miền núi lên, về kinh tế cũng như về văn hóa, tất cả các mặt”(2). Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện phải làm dần từng bước, thiết thực, cụ thể, hiệu quả, làm bước nào chắc bước ấy. Người nhắc nhở: “Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, các ủy ban địa phương, các cô, các chú, phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của đồng bào các dân tộc”(3). Như vậy, việc “săn sóc, giúp đỡ nhiều hơn nữa đối với đồng bào rẻo cao về mọi mặt”(4) là trách nhiệm của các tổ chức đảng và chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt chính sách dân tộc, đoàn kết dân tộc cần am hiểu về đặc điểm vùng dân tộc, về đồng bào DTTS, bởi mỗi DTTS đều có bản sắc, nếp sống, tâm lý, tiếng nói riêng rất đa dạng và phong phú. Đối với vùng DTTS, việc đề ra biện pháp, tìm ra bước đi thích hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết, quyết định đến sự thành công của chính sách dân tộc. Vì vậy, các chính sách được ban hành phải chứa đựng những nội dung, biện pháp và bước đi thích hợp, phù hợp với đặc trưng, điều kiện của vùng và đồng bào DTTS, trong đó hết sức tôn trọng lợi ích, văn hóa, truyền thống, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán v.v.. của đồng bào.

Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: “Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội”(5). Người chỉ rõ, các chương trình, kế hoạch công tác phát triển vùng dân tộc không những phù hợp với đồng bào các DTTS, mà ngay cả cách thể hiện cũng được diễn tả để đồng bào dễ hiểu, dễ làm theo. Người dạy: “nếu cứ nói nào là làm “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, nào là “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nào là “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, đồng bào các dân tộc thiểu số khó hiểu, ít người hiểu. Phải nói rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cái gì? Nói nôm na để cho người ta dễ hiểu, hiểu để người ta làm được”(6).

Đồng thời, cán bộ thực hiện công tác dân tộc phải thấy rõ: “Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo, thì tuyên truyền huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp. Bởi vì đời sống, trình độ đồng bào Mèo và Thái khác nhau, cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác”(7).

Khi xác định trách nhiệm của các tổ chức đảng và chính quyền các cấp đối với sự phát triển của vùng dân tộc và đồng bào các dân tộc, Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, mà trực tiếp là cán bộ các địa phương, đồng thời xác định trách nhiệm của các ngành, các cấp, các địa phương và mỗi người dân. Người cho rằng, cán bộ làm công tác dân tộc, đặc biệt là những người làm ở vùng núi, vùng đồng bào DTTS phải am hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, nắm bắt tâm lý, tâm tư nguyện vọng của đồng bào, do đó: “Cán bộ đi làm việc chỗ nào, phải học tiếng ở đấy”(8), và phải thật sự trọng dân, hiểu dân, gần dân, có trách nhiệm với dân.

Thứ hai, để thực hiện chính sách dân tộc cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động

Để chính sách dân tộc đạt hiệu quả, cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các phương pháp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc một cách phù hợp. Các ngành, các cấp, cán bộ, chiến sĩ đều có trách nhiệm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, có kế hoạch để giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều phải là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước. Và mỗi người cần phải là người tuyên truyền cách cải tiến đời sống của đồng bào như thế nào”(9).

Trong công tác tuyên truyền, vận động, Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ phải xác định rõ đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp tuyên truyền sao cho phù hợp, đạt hiệu quả tốt nhất: “Nói chung, công tác tuyên truyền huấn luyện ở miền núi, các cô, các chú có cố gắng, có tiến bộ. Nhưng chưa đủ, có thể nói còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”(10).

Đối với Hồ Chí Minh, “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được. Cố nhiên không phải làm một ngày, một buổi mà phải làm từng bước, làm bước nào chắc chắn bước ấy”(11). Và cần phải thấy rõ “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng cái hay mà làm. Chứ không phải Trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm. Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”(12).

Như vậy, trong tuyên truyền, vận động phải luôn bảo đảm sao cho phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào các dân tộc; nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ để đồng bào hiểu, tin và làm được; cán bộ phải học tiếng dân tộc thì công tác tuyên truyền mới đạt hiệu quả.

Thứ ba, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của cán bộ người DTTS

Cán bộ người DTTS là lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào các DTTS, do đó Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc Đảng, Nhà nước giúp đỡ tạo điều kiện ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi”(13), để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển vùng DTTS và xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Bởi vì, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có đúng, có tốt đến đâu, nhưng nếu không có người thực hiện hoặc thiếu sự gắn kết trong khi thực hiện của đội ngũ cán bộ, của đồng bào các DTTS thì những chủ trương, chính sách đó không phát huy được tác dụng, hiệu quả, hoặc chỉ đạt được ở mức độ nhất định.

Theo Hồ Chí Minh, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS phải toàn diện, vừa chú trọng chính trị, vừa chú trọng văn hóa để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ DTTS vừa có tài, vừa có đức; đồng thời phải phù hợp với trình độ và đặc điểm của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Người căn dặn cán bộ, học sinh trường Sư phạm miền núi tỉnh Nghệ An: “Ở đây các cháu thi đua gì? Bác khuyên các cháu học tập tốt. Thế nào là học tập tốt? Học tập tốt là chính trị, văn hóa đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không học dông dài. Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau. Học để làm gì nữa? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội”(14).

Khi đánh giá về đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và đánh giá rất cao vai trò của cán bộ nữ, trong đó có cán bộ nữ DTTS. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ tuyên giáo miền núi ngày 31-8-1963, Người khẳng định: “Trong mọi mặt hoạt động cách mạng, phụ nữ các dân tộc thiểu số đều có đóng góp lớn lao”(15). Chính vì vậy, Người thường xuyên chỉ đạo các địa phương phải đào tạo và giúp đỡ phụ nữ các dân tộc, kết nạp thêm nhiều đảng viên nữ để mở rộng đội ngũ đảng.

Trong khi coi trọng công tác đào tạo cán bộ người DTTS, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ và đồng bào người Kinh tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS. Người cho rằng: “Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”(16). Dự báo trước những vấn đề sẽ nảy sinh, xuất phát từ tâm lý tự ti dân tộc, hẹp hòi dân tộc vẫn tồn tại trong cán bộ và đồng bào các DTTS tại chỗ, cũng như cán bộ, đồng bào tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS, rất dễ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết cục bộ, Hồ Chí Minh đặc biệt căn dặn cán bộ và đồng bào đến công tác, làm ăn ở vùng đồng bào các DTTS phải luôn đặt lên hàng đầu tinh thần đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Đây là vấn đề hệ trọng, có tính quyết định đến hiệu quả của việc thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.

Để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS, Đảng, Nhà nước cần bố trí cán bộ người DTTS phù hợp với năng lực, sở trường, tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ nhau, xem nhau như anh em một nhà, khắc phục hiện tượng “Cán bộ xuôi lên không yên tâm công tác, muốn về Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Như thế là không đúng. Bác đã nói cán bộ là đày tớ của nhân dân, chỗ nào nhân dân cần đến mình là mình phải đến, bất kỳ chỗ nào cũng là Tổ quốc, là đất nước, cũng là cương vị công tác của cán bộ”(17). Người căn dặn: “Phải nhớ rằng Đảng, Chính phủ tin cậy vào cán bộ, nơi nào khó có cán bộ. Việc gì khó có cán bộ. Vì vậy cán bộ các nơi đến phải yên tâm, tích cực công tác, phải gương mẫu, phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ cán bộ địa phương được tốt. Vì vậy cán bộ địa phương cùng cán bộ nơi khác đến phải đoàn kết yêu thương nhau, làm gương cho nhân dân địa phương”(18).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển giai cấp công nhân trong vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức, góp phần chuẩn bị về con người cho sự nghiệp công nghiệp hóa vùng dân tộc. Người chỉ rõ: “Giai cấp công nhân phát triển trong các dân tộc thiểu số khá nhiều. Ở các mỏ apatít Lào Cai, mỏ thiếc Cao Bằng, khu gang thép Thái Nguyên, công nhân người các dân tộc rất đông. Hồi trước, mấy cô bé dân tộc còn hay xấu hổ. Bây giờ đã lái được xe, lái được máy xúc, không kém gì công nhân nam giới. Đó là một tiến bộ rất lớn”(19), và yêu cầu “Các hợp tác xã vỡ hoang, các nông trường và lâm trường của Nhà nước, cần phải đoàn kết và giúp đỡ đồng bào địa phương, cần phải làm đúng chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc”(20).

Thứ tư, luôn phát huy ý thức tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên của đồng bào các dân tộc

Cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng, cùng ăn, cùng ở, cùng sống với đồng bào các dân tộc, nên hơn ai hết Người hiểu rõ tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của đồng bào, thông cảm sâu sắc với các dân tộc, đặc biệt là các DTTS. Chính vì vậy, Người có niềm tin vào khả năng của đồng bào các dân tộc, cái gì miền xuôi làm được thì miền núi cũng làm được, bản thân đồng bào DTTS không ngừng tự nỗ lực vươn lên, không được trông chờ, ỷ lại vào Chính phủ. Người cũng chỉ rõ, để thực hiện chính sách dân tộc đạt hiệu quả tốt, cần có động lực và nhu cầu nội tại của đồng bào các DTTS, từ đó hiện thực hóa được các chính sách dân tộc cho chính đồng bào.

Hồ Chí Minh cho rằng, muốn thực hiện chính sách dân tộc đạt hiệu quả tốt, nhằm thực hiện bình đẳng, đoàn kết thì đội ngũ cán bộ và đồng bào các dân tộc phải sớm khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Các dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo, còn các cán bộ và nhân dân địa phương lại dễ coi mình là dân tộc bé nhỏ, dẫn đến tự ti, mặc cảm, cho rằng cái gì cũng không làm được, rồi không cố gắng. Từ đó, Người kêu gọi đồng bào các dân tộc phải luôn tự tin vào chính bản thân mình, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên để đạt tới sự bình đẳng thực tế về mọi mặt.

Để tạo điều kiện thực hiện bình đẳng thực sự giữa các dân tộc, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, truyền thống của đồng bào DTTS, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh sự nỗ lực tự phấn đấu vươn lên của mỗi dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng của sự tương trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và của dân tộc đa số với đồng bào các DTTS, giữa các DTTS với nhau. Người chỉ rõ: “Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được”(21). Người quan tâm, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, trong khi xử lý các mối quan hệ dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc phải có thái độ thận trọng đối với những gì liên quan đến lợi ích của mỗi dân tộc, tôn trọng tâm lý, tình cảm của các dân tộc, phải thương yêu, quan tâm đến lợi ích của nhân dân.

3. Kết luận

Để thực hiện tốt chính sách dân tộc nhằm thúc đẩy đời sống đồng bào các DTTS ngày càng phát triển, bên cạnh các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, cần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của cán bộ người DTTS; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và trên hết bản thân đồng bào DTTS phải không ngừng phát huy ý thức tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, tích cực, tự giác tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đây chính là những yếu tố rất cần thiết góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc ở nước ta, là điều kiện để xây dựng và phát triển đất nước bền vững.

_________________

ThS LÊ VĂN ĐIỆN
Trường Chính trị thành phố Cần Thơ

Theo Tạp chí Lý luận chính trị

(1) Xem: Ủy ban Dân tộc: Một số vấn đề về đổi mới xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2013, tr.21.

(2), (3), (4), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (15), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.169, 166, 163, 161, 159, 168, 168, 159, 169, 159, 158, 164.

(5), (13), (14), (16), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.461, 225, 269-270, 225, 460.

(17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.212, 212.

(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.533.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/quan-diem-ho-chi-minh-ve-cac-dieu-kien-bao-dam-thuc-hien-chinh-sach-dan-toc-57125.html