Quan điểm nuôi dạy con của mẹ đơn thân ở Vbiz (kỳ III): Phạm Quỳnh Anh có 'tàn nhẫn, lạnh lùng'?
Thông qua một MV âm nhạc, Phạm Quỳnh Anh đã tạo nên những luồng tranh cãi gây chú ý về quan điểm dạy con. Thực tế thì sao?
Quan điểm nuôi dạy con gây chú ý của Phạm Quỳnh Anh
Phạm Quỳnh Anh là một người hoạt động showbiz gần 20 năm và nổi tiếng với cách ứng xử khéo léo, chừng mực. Sau khi ly hôn với đạo diễn Quang Huy, Phạm Quỳnh Anh hiện đang nuôi hai cô con gái Tuệ Lâm, Tuệ An và thoải mái tận hưởng cuộc sống.
Phạm Quỳnh Anh quan niệm rằng khi lên chức mẹ thì mình phải làm tròn vai. Và hai con nhỏ chính là lý do lớn nhất cho cô tồn tại, nỗ lực và phấn đấu không ngừng. Ngay từ thời điểm khó khăn nhất là sau khi ly hôn, nữ ca sĩ đã quyết tâm làm việc chăm chỉ hơn nữa để lo cho các con có được cuộc sống đầy đủ. Trong nhà đã thiếu vắng người đàn ông thì Phạm Quỳnh Anh sẽ là người choàng vai thay thế vào vị trí đó. Chính nỗ lực mang lại cho con sự an tâm và hạnh phúc đã giúp cô trưởng thành và vững chãi hơn.
Trong cách nuôi dạy con, nữ ca sĩ gốc Hà thành cũng được nhiều người khen ngợi. Tuy nhiên, Phạm Quỳnh Anh cũng từng gây nên không ít những tranh cãi khi cô chia sẻ về quan điểm dạy con được nhận xét là có phần tàn nhẫn, lạnh lùng qua MV Cây xương rồng mạnh mẽ.
Xuyên suốt MV là hình ảnh những người mẹ hiện đại, kiên quyết "bắt" con học bơi dù có lúc phải nén nỗi đau khi thấy con hoảng loạn; là người mẹ đã không nâng con dậy khi con ngã xe mà để con tự đứng lên; hay người mẹ thậm chí là "ngó lơ" khi con bị bạn cùng lớp ăn hiếp.
Những khoảnh khắc đó đã khiến cho bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng đều cảm thấy đau lòng, tuy nhiên, là chủ nhân của MV, Phạm Quỳnh Anh chia sẻ, đó cũng chính là cách nuôi dạy con của cô "hãy sống mạnh mẽ như cây xương rồng". Từ những kinh nghiệm sống của bản thân, Phạm Quỳnh Anh chọn cách để "con tự lo, ba mẹ tự do".
Với cô, yêu con không có nghĩa là thì thầm bên con những lời ngọt ngào, âu yếm mà để con phân minh đúng - sai, tự trưởng thành trong suy nghĩ, học cách đối diện vấn đề và tự mình vượt qua. Muốn được như vậy, mỗi người mẹ phải thật sự can đảm nới rộng vòng tay yêu thương.
Quan điểm về cách nuôi dạy con của Phạm Quỳnh Anh lập tức gây chú ý với nhiều ý kiến trái chiều, nhiều bà mẹ cảm thấy khá tâm đắc nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng cách dạy con này khá "tàn nhẫn".
Có ý kiến cho rằng, cuộc sống vốn đã rất áp lực, sao phải còn gây thêm áp lực với con? Nếu thật chỉ cần con "hạnh phúc, lương thiện, độc lập" thì tại sao mẹ nhất định đẩy con xuống hồ tập bơi khi con không muốn, tại sao không can thiệp khi con bị bạn bắt nạt?
Một bà mẹ trẻ chia sẻ sau khi xem MV cách dạy con của Phạm Quỳnh Anh: "Con trẻ rất là quan trọng đó chị, em thấy chị là một người mẹ mạnh mẽ dũng cảm nuôi dạy con như thế thì hay nhưng khả năng để lại vết rạn trong lòng con khá cao".
Nhưng cũng có nhiều ý kiến đồng tình, cho rằng mạnh mẽ, quyết đoán là chìa khóa để con cái vững vàng trong cuộc sống sau này.
Dù có nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận, trong thời gian qua, nhất là kể từ khi ly hôn và một mình vừa nuôi hai con gái, Phạm Quỳnh Anh đã làm rất tốt vai trò làm mẹ.
Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng Phạm Quỳnh Anh vẫn cố gắng để ưu tiên thời gian dành cho con. Một ngày bình thường, khi các con tới trường thì cô đi làm, buổi chiều đón con về, ba mẹ con tíu tít bên nhau cho đến khuya. Khi hai con ngủ Phạm Quỳnh Anh mới có thời gian cho riêng mình, hoặc quay lại với công việc…
May mắn Phạm Quỳnh Anh không phải lẻ loi nuôi con mà có sự hỗ trợ của ông bà ngoại. Nhà ông bà chỉ cách nhà cô 5 phút di chuyển Pnên các buổi chiều nữ ca sĩ bận thì các con tan học về thẳng nhà ông bà. Những ngày Phạm Quỳnh Anh không ở Sài Gòn thì hai bé được ông bà chăm sóc, đưa đón tới trường.
Quỳnh Anh cho biết cô có cái nhìn thoáng về điểm số. Giọng ca "Vì em là gu chị" không yêu cầu hay gây áp lực con phải đạt thành tích xuất sắc. Theo ca sĩ, càng ép buộc, các cháu càng không thích, chống cự. Cô để con thoải mái làm điều bé muốn, liên tục khích lệ, động viên khi bé nản chí. Nếu bé muốn học đàn, hát hay bất cứ môn gì, Quỳnh Anh đều ủng hộ, thậm chí học cùng con.
Quỳnh Anh cho biết cô sẽ luôn luôn là một người mẹ kiên cường, tấm gương tốt và là chỗ dựa vững chắc cho các con. "Hai bé chỉ cần ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, sống lương thiện, còn lại đã có mẹ lo", người đẹp nói.
Đặc biệt, đã đường ai nấy đi nhưng Phạm Quỳnh Anh và Quang Huy vẫn chẳng ngại hội ngộ trong những dịp quan trọng của các con. Thậm chí, cả hai còn có thể trở thành bạn tốt để cùng chăm sóc con để các bé không bị thiếu thốn tình cảm.
Nữ ca sĩ từng chia sẻ: "Tôi và anh Huy thống nhất là những người bạn tốt để chăm sóc cho con. Chúng tôi đặt bình yên của con cái lên hàng đầu. Tôi không mong con trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, chỉ mong con mạnh khỏe, bình an, lương thiện, cứng rắn, mạnh mẽ khi trưởng thành".
Để con tự lập là quan điểm dạy con ở nhiều quốc gia
Nuôi dạy con cái như thế nào để con yêu phát triển tốt nhất và toàn diện nhất là mong mỏi của tất cả các bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên trong quá trình nuôi dạy bé, mỗi người cũng đều có những suy nghĩ và quan điểm riêng. Quan điểm để con tự lập, tự đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống như Phạm Quỳnh Anh là quan điểm khá hiện đại được nhiều phụ huynh ở các nước khác áp dụng.
Tại Nhật Bản, trẻ được cha mẹ khuyến khích tự làm những điều nằm trong khả năng như tự mặc quần áo, tự đến trường. Thậm chí, các em có thể sử dụng phương tiện công cộng mà không cần cha mẹ đi cùng. Phương pháp này có thể khiến phụ huynh ở nhiều quốc gia khác lo lắng, nhưng cha mẹ Nhật Bản để con tự lập khi còn nhỏ. Họ cho rằng tự lập là kỹ năng sống quan trọng, cần dạy trẻ từ sớm.
Còn cha mẹ Do Thái luôn tạo điều kiện để trẻ em có thể làm bất cứ điều gì khi thể trạng của chúng cho phép. Bài học tự lập ngay từ khi còn nhỏ là để giúp con trưởng thành, vì thế hình ảnh trẻ em Do Thái tự ngồi ăn bít tết một mình dù mới chỉ khoảng 1 tuổi ở bất kỳ quán cafe nào ở Isarel là điều không khó để gặp.
Khi được dạy về sự tự tin, thất bại và chiến thắng, cha mẹ Do Thái luôn tin rằng con mình sẽ biết bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá thế giới và tự xoay sở với vấn đề riêng. Thay vì chỉ giậm chân tại chỗ và đợi thành quả, trẻ em nên được cha mẹ dạy về cách chấp nhận rủi ro.
Trẻ em Mỹ cũng được nhận xét là rất tự tin, tự lập, trung thực, dũng cảm, mạnh mẽ, không có những hành động a dua, dám quyết định và tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình, vững vàng làm chủ cuộc đời.
Để làm được điều đó, cha mẹ Mỹ đã rèn luyện con ngủ một mình từ 6-7 tháng tuổi; tự đứng lên khi vấp ngã; tự mặc quần áo, tự xúc ăn khi còn nhỏ; tham gia cắm trại hè hoặc đi du lịch mà không cần cha mẹ ở bên cạnh; thông ngăn cấm con vui chơi những trò chơi mạo hiểm; thuyến khích con dũng cảm giành lấy những thứ thuộc về mình; con được quyết định mọi vần đề liên quan đến bản thân và phải tự chịu trách nhiệm trước những lựa chọn đó.
Họ luôn dạy con rằng, "Trên đời này, con chỉ có thể dựa vào bản thân mình, cho dù là người thân nhất cũng không nên ỷ lại", đây chính là quan niệm giáo dục của người Mỹ.
Họ luôn nhấn mạnh làm người phải độc lập, phải "việc mình mình làm" chỉ có như vậy mới rèn luyện được khả năng sinh tồn, độc lập, không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác và trở thành một cá thể độc lập trong xã hội.
Để thực hiện những điều đó họ thường đưa ra những nguyên tắc và thảo luận với trẻ để đặt ra những thỏa thuận hợp lý; làm mẫu cho con, khuyến khích con mọi lúc, mọi nơi; nới tay để con tự làm.
Dạy con có nhiều cách, mỗi người có thể chọn một cách của riêng mình, tất cả đều xuất phát từ tình yêu vô hạn với con cái.