Quân đoàn 34 kiện toàn tổ chức, quy định lãnh đạo như thế nào?
Quân đoàn 34 được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là Quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược, được tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Vậy theo quy định hiện nay Tư lệnh Quân đoàn 34 phải đáp ứng những điều kiện gì?
Thiếu tướng Nguyễn Bá Lực, Tư lệnh Quân đoàn 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư Lệnh Quân đoàn 34
Quân đoàn 34 được thành lập theo Quyết định số 5901/QĐ-BQP, ngày 7/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giải thể Quân đoàn 3; Quyết định số 5902/QĐ-BQP, ngày 7/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giải thể Quân đoàn 4; Quyết định số 5989/QĐ-BQP, ngày 10/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Quân đoàn 34.
Theo đó, Quân đoàn 34 được thành lập trên cơ sở sáp nhập Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4. Thiếu tướng Nguyễn Bá Lực, Tư lệnh Quân đoàn 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư Lệnh Quân đoàn 34. Thiếu tướng Lê Minh Quang, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 được điều động, bổ nhiệm giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 34.
Đại tướng Phan Văn Giang đã trao Quân kỳ Quyết thắng - biểu tượng của truyền thống và sức mạnh quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam cho Quân đoàn 34.
Ngày 15/12, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 34 tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 34.
Tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Bá Lực, Tư lệnh Quân đoàn 34, nhấn mạnh: Sự ra đời của Quân đoàn 34 không chỉ kế thừa tinh thần và truyền thống vẻ vang của hai đơn vị tiền thân, mà còn đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Thay mặt Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn, Thiếu tướng Nguyễn Bá Lực khẳng định Quân đoàn 34 sẽ tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào.
Tư lệnh Quân đoàn 34 có những nghĩa vụ và trách nhiệm gì?
Theo quy định tại Điều 26 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 thì Tư lệnh Quân đoàn, Chính ủy Quân đoàn có các nghĩa vụ chung của một sĩ quan, cụ thể:
- Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tham gia xây dựng đất nước, bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân;
- Thường xuyên giữ gìn và trau dồi đạo đức cách mạng, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực về chính trị, quân sự, văn hóa, chuyên môn và thể lực để hoàn thành nhiệm vụ;
- Tuyệt đối phục tùng tổ chức, phục tùng chỉ huy; nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội; giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia;
- Thường xuyên chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần của bộ đội;
- Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng và gắn bó mật thiết với nhân dân.
Điều 27 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 quy định về trách nhiệm của sĩ quan hiện nay
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về những mệnh lệnh của mình, về việc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và việc thừa hành nhiệm vụ của cấp dưới thuộc quyền;
- Lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ của đơn vị theo chức trách được giao; bảo đảm cho đơn vị chấp hành triệt để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào;
- Khi nhận mệnh lệnh của người chỉ huy, nếu sĩ quan có căn cứ cho là mệnh lệnh đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra mệnh lệnh; trong trường hợp vẫn phải chấp hành mệnh lệnh thì báo cáo kịp thời lên cấp trên trực tiếp của người ra mệnh lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành mệnh lệnh đó.
Điều 28 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 quy định những việc sĩ quan không được làm
Sĩ quan không được làm những việc trái với pháp luật, kỷ luật quân đội và những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.