Quân đội Hàn Quốc đối phó UAV Triều Tiên bằng cách nào?

Các UAV Triều Tiên gây khó khăn lớn cho lực lượng phòng không của quân đội Hàn Quốc. Giới chức quốc phòng Hàn Quốc đang 'đau đầu' tìm phương án chống đỡ UAV - phương tiện không quá đắt đỏ nhưng lại gây thiệt hại lớn cho đối phương.

Hôm 26/12, UAV Triều Tiên đã bất ngờ xâm nhập vào không phận Hàn Quốc và gây ra rắc rối nhất định ở quốc gia này. Quân đội Hàn Quốc bị bất ngờ và tỏ ra lúng túng trong việc đánh chặn các UAV đó. Họ đã huy động cả máy bay tiêm kích và máy bay trực thăng để bắn hạ UAV nhưng bất thành. Không chỉ vậy, trong quá trình đó, không quân Hàn Quốc còn bị mất một chiếc máy bay chiến đấu, và hai phi công lái máy bay đó đã phải nhập viện. Nhiều khả năng UAV Triều Tiên đã về căn cứ an toàn sau khi bay qua hàng loạt thành phố của Hàn Quốc.

Khu phi quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc nhìn từ phía Hàn Quốc. Biên giới trên bộ được bảo vệ chặt chẽ nhưng khoảng không ở phía trên thì lỏng lẻo hơn nhiều. Ảnh: Salmon.

Khu phi quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc nhìn từ phía Hàn Quốc. Biên giới trên bộ được bảo vệ chặt chẽ nhưng khoảng không ở phía trên thì lỏng lẻo hơn nhiều. Ảnh: Salmon.

Sự lợi hại của UAV

Phương tiện bay thường dễ dàng vượt qua biên giới trong tình huống có xung đột vũ trang. Với kích cỡ nhỏ, UAV càng dễ đạt được điều đó.

Cuộc đụng độ UAV trên quy mô lớn nhất thế giới đang diễn ra ở Ukraine. Hệ thống phòng không nổi tiếng của Nga gặp khó khăn trong đánh chặn các UAV của Ukraine được sử dụng để tấn công các căn cứ không quân của Nga nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Ngược lại, Ukraine cũng loay hoay chống đỡ các UAV cảm tử Geran-2 được Nga sử dụng để tấn công dữ dội vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Hai bên đồng thời dùng UAV chiến thuật. Việc chống lại các UAV này rất nan giải.

Phương án huấn luyện chim săn mồi để tấn công các UAV nhỏ đã bị các nhà bảo vệ quyền động vật phản đối.

Các UAV bay cao có thể bắn hạ bằng các tên lửa phòng không như Patriot của Mỹ nhưng phương án này lại rất không hiệu quả về mặt kinh tế. Một bài báo gần đây do Viện Hải quân Mỹ đăng lập luận rằng Ukraine nên được vũ trang bằng hệ thống tên lửa tầm gần SeaRAM của hải quân để ngăn chặn tên lửa cận âm và UAV.

Trong khi đó, các UAV bay chậm và thấp có thể bắn hạ bằng hỏa lực thông thường nhưng muốn bắn rụng được thì xạ thủ phải rất xuất sắc hoặc cần có may mắn.

Giải pháp tác chiến điện tử là phương pháp chắc chắn hơn. Phương pháp này sẽ cắt đứt tín hiệu vô tuyến gửi tới trắc thủ UAV, khiến UAV bị rơi, hoặc gửi tín hiệu GPS đánh lừa để làm cho UAV bay theo hướng khác.

Các hệ thống chống UAV đang được thử nghiệm bao gồm súng vi ba, lưới bay, và UAV chuyên chống UAV - được phát triển để đâm va vào UAV đối phương.

Hàn Quốc có đối phó được UAV Triều Tiên?

Khi được hỏi liệu Hàn Quốc có đánh đuổi được UAV của Triều Tiên hay không, tướng Hàn Quốc nghỉ hưu Chun In-bum, trả lời: “Hiện giờ thì chưa. UAV rất khó chống”.

Hiện nay theo ông Chun, phòng thủ UAV tại Hàn Quốc dựa vào tên lửa và súng.

Ông Chun cho biết tiếp: “Hàn Quốc không thể chống lại các UAV này trong điều kiện chúng tôi đang có hiện nay”. Theo ông này, nếu phòng không Hàn Quốc cố bắn hạ UAV đối phương, tên lửa và đạn súng máy dùng để bắn có thể rơi xuống dân cư, gây ra thiệt hại không mong muốn. Bản thân UAV nếu bị bắn hạ cũng có thể rơi xuống khu dân cư và gây ra thương vong cho người dân.

Theo ông Chun, hiện nay xu hướng giữ nguyên hiện trạng sẽ tiếp diễn vì các UAV Triều Tiên chưa tạo ra nhiều đe dọa cho Hàn Quốc, còn chi phí để bắn hạ các UAV đó lại rất lớn.

Ông Chun giải thích: “Triều Tiên chỉ vài ngàn USD để triển khai UAV bay sang Hàn Quốc, còn nếu Hàn Quốc có bắn hạ hết số UAV này ở trên không, Hàn Quốc sẽ phải chi vài trăm triệu USD”.

Một bài viết trên trang Wired cho hay, thế hệ UAV thương mại mới nhất (nhỏ hơn, chậm hơn, bay thấp hơn so với phiên bản quân sự) có thể dễ dàng mua, nhiều khi với giá chỉ 15 USD.

Ngay cả khi các UAV không được vũ trang, chúng vẫn có tác động tiêu cực lên các hoạt động kiểm soát không lưu quanh thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Alex Neill - một nhà tư vấn quốc phòng độc lập ở Singapore cho biết: “UAV có thể sử dụng cho nhiệm vụ quấy rối vì chúng rất khó bị phát hiện. UAV khai thác vùng xám. Triều Tiên sử dụng UAV như một giải pháp bất đối xứng”.

Theo Chun, không có giải pháp nào hoàn hảo 100% cả, nhưng nếu một UAV Triều Tiên va chạm với máy bay dân sự trên bầu trời Hàn Quốc hoặc rơi xuống khu dân cư ở đây gây hậu quả chết người, Hàn Quốc có thể đáp trả bằng việc tấn công một căn cứ UAV của Triều Tiên.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào hôm 27/12 đã phải tuyên bố, Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh việc xây dựng một đơn vị UAV quân sự đặc biệt để ứng phó với thách thức UAV từ phía Triều Tiên./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Asia Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/quan-doi-han-quoc-doi-pho-uav-trieu-tien-bang-cach-nao-post993231.vov