Quân đội là lực lượng đầu tiên được triển khai ứng phó với thảm họa thiên tai
Sáng nay (20/8), tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42 (PAMS-42) do Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ đồng tổ chức. Thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và có bài phát biểu chào mừng.
Dự lễ khai mạc có Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Đại tướng Robert B.Brown, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ cùng đại biểu các đoàn tham dự PAMS-42.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều các loại hình thiên tai khác nhau… Cùng với sự biến đổi của khí hậu, sự nóng lên của Trái Đất khiến cho thảm họa thiên nhiên xảy ra với tần xuất dày hơn, sức tàn phá nặng nề hơn. Là lực lượng đặc thù, quân đội luôn là lực lượng đầu tiên được triển khai ứng phó với những thách thức từ thảm họa thiên tai, lực lượng quân đội thường được huy động để phản ứng nhanh, hỗ trợ y tế, hậu cần… khi xảy ra thảm họa, thiên tai.
Thượng tướng Phan Văn Giang cho rằng, trước các thảm họa thiên tai lớn như thời gian qua cho thấy sự nỗ lực của mỗi quốc gia đôi khi quá nhỏ bé trước sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên, vì vậy cần phải có sự hợp tác giữa các nước, trong đó vai trò của lực lượng quân đội là hết sức cần thiết. Nhận thức rõ việc cần phải tăng cường hợp tác trong và ngoài khu vực để ứng phó với thách thức phi truyền thống nói chung và trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa nói riêng, Quân đội các nước Đông Nam Á đã thúc đẩy nhiều sáng kiến, như: thiết lập Nhóm Thường trực quân đội ASEAN trong ứng phó thảm họa, Bộ Quy tắc hoạt động chung về sử dụng tài sản quân sự trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ…
Một trong những cơ chế hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác đang được triển khai rất hiệu quả trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống là cơ chế ADMM+ được thiết lập tại Việt Nam năm 2010. Các nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại trong cơ chế ADMM+ không chỉ thúc đẩy đối thoại, chia sẻ quan điểm và xây dựng lòng tin, mà còn tăng cường hợp tác thực chất thông qua 7 Nhóm chuyên gia, trong số đó, Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa hiện đang tích cực thúc đẩy hợp tác thông qua chia sẻ kinh nghiệm, diễn tập xử lý tình huống… Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, để công tác hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả cần phải có sự chỉ huy, chỉ đạo thông suốt từ trên xuống, tính kỷ luật và kỹ năng nhuần nhuyễn của các quân nhân, nhưng trước hết đó là năng lực chỉ huy, kinh nghiệm và phương pháp điều hành của người chỉ huy tại hiện trường.
Thượng tướng Phan Văn Giang tin tưởng, các bài học, kinh nghiệm quý báu, ý tưởng sáng tạo được trao đổi, chia sẻ tại PAMS-42 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, để quân đội thực sự là địa chỉ tin cậy của người dân khi xảy ra tình huống…