Quân đội Mỹ đã áp dụng công nghệ laser vào trong các vũ khí phòng thủ như thế nào?
Hệ thống phòng thủ của Mỹ có khả năng phóng ra tia laser với công suất lên đến 50 kilowatt.
Là một phần của nỗ lực không ngừng nhằm hiện đại hóa vũ khí chiến đấu, Quân đội Hoa Kỳ đang hợp tác với Kord Technologies để phát triển một loại vũ khí mới sử dụng tia laser làm chủ đạo.
Hệ thống Phòng không Tầm ngắn Điều khiển Năng lượng Trực tiếp mới được tạo ra (viết tắt là DE M-SHORAD) sử dụng tia laser có công suất 50 kilowatt được tích hợp trên xe Stryker. DE M-SHORAD được thiết kế để bắn hạ các mối đe dọa như máy bay không người lái và súng cối mà không cần sử dụng súng hoặc pháo binh hạng nặng. Kord Technologies đang chuẩn bị 4 nguyên mẫu của hệ thống vũ khí laser, được lắp trên xe Stryker bọc thép, sẽ được triển khai sử dụng vào tháng 9/2022.
Wesley Freiwald, phó chủ tịch phụ trách mảng phòng thủ tên lửa tại KBR, công ty mẹ của Kord Technologies, giải thích cách thức hoạt động của hệ thống phòng thủ độc đáo này và lý do tại sao nó là một tài sản quý giá đối với quân đội Mỹ.
Hệ thống vũ khí DE M-SHORAD là gì?
Tia laser sử dụng trong quân đội sẽ không giống với các tia laser mà chúng ta biết. Tia laser được chế tạo và áp dụng vào các lĩnh vực khác có mức công suất chỉ khoảng 0,005 watt. Với mức công suất nhỏ thì các tia laser dường như vô hại. Hệ thống vũ khí DE M-SHORAD có sức mạnh lớn hơn đáng kể, những tia laser bắn ra từ hệ thống vũ khí này có công suất lên đến 50 kilowatt. Chúng có thể tiêu diệt máy bay không người lái và súng cối, hỗ trợ quân đội trong việc bảo vệ khu vực.
Phân tích chuyên sâu hơn về mặt kỹ thuật, hệ thống vũ khí DE M-SHORAD sử dụng tia laser thể rắn để tận dụng các nguyên tố lantan trong bảng tuần hoàn - lantan (57) đến lutetium (71) - còn gọi là nguyên tố đất hiếm. Những nguyên tố này có mức độ kích thích cao, có nghĩa là bạn có thể nhận được nhiều điện năng hoặc năng lượng từ chúng mà không cần hóa chất hoặc khí đốt. Và điều này rất hữu ích cho quân đội vì một số lý do.
Những lợi ích mà hệ thống vũ khí DE M-SHORAD đem lại
Theo Freiwald, laser thể rắn có thể giúp giảm chi phí trên mỗi lần tiêu diệt mục tiêu, đây là một số liệu thường được sử dụng để đo lường giá trị của hệ thống phòng thủ. Ông nói: “Việc vận chuyển chì nặng và chất nổ khi chiến đấu đòi hỏi rất nhiều người và tốn kém rất nhiều chi phí. Với laser thể rắn, tất cả những gì bạn thực sự cần là một nguồn cung cấp năng lượng lớn".
Một lợi ích nữa của việc sử dụng hệ thống DE M-SHORAD là việc chúng không để lại các mảnh bom đạn chưa phát nổ trên chiến trường qua đó có thể giảm thiếu được các thương vong không đáng có.
Cận cảnh hệ thống phòng thủ DE M-SHORAD của quân đội Mỹ (Ảnh: Popular Mechanics)
Mặc dù vẫn có thể có những rủi ro nhất định, nhưng hệ thống DE M-SHORAD nhìn chung dễ sử dụng hơn, tiết kiệm chi phí hơn và an toàn hơn so với vũ khí đạn đạo động năng truyền thống. Freiwald chia sẻ: "Bạn chỉ đơn giản là bật nó lên và tắt nó đi. Trong khi đó với tên lửa thông thường, bạn phải mất rất nhiều bước mới có thể phóng nó đi được. Nếu nó trúng thì đó là một điều tuyệt vời, nhưng nếu không trúng thì bạn lại phải thực hiện các bước chuẩn bị để phóng một quả tên lửa khác".
4 nguyên mẫu đầu tiên
Một số công ty đang hợp tác để xây dựng từng thành phần của hệ thống DE M-SHORAD, từ xe Stryker, các tia laser cho đến các dải laser, nhưng Kord và KBR vẫn là 2 công ty chính phát triển dự án này. Freiwald nói: “Bạn cần phải tích hợp tất cả những yếu tố và KBR là một công ty có lịch sử lâu đời trong lĩnh vực này. Công ty hiện đang hoàn thiện bốn nguyên mẫu và sẽ được đưa ra thị trường vào tháng 9 tới".
“Nếu những điều này thành công, quân đội Mỹ đang xem xét việc mua thêm chúng để sử dụng trong các chương trình nghiên cứu động lực học", ông Freiwald cho biết thêm.
Khi binh lính bắt đầu sử dụng hệ thống laser này trong chiến đấu thực tế, KBR sẽ xem xét và rút kinh nghiệm từ bốn nguyên mẫu đầu tiên để điều chỉnh chúng sao cho tối ưu hóa nhất.