Theo tờ Forbes của Mỹ, Tư lệnh Lục quân Mỹ Christine Worms cho biết, năm 2023 sẽ là “năm của hỏa lực chính xác tầm xa trong tay Quân đội Mỹ”. Và từ năm 2023, Lục quân Mỹ sẽ triển khai một số vũ khí mới, có tầm bắn vượt xa tầm bắn của các loại hỏa lực trước đây của họ.
Một số vũ khí mới với đầu đạn thông thường, sẽ có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu cách xa hàng trăm km, kể cả mục tiêu cố định và mục tiêu di động. Mục đích quan trọng của cuộc cách mạng hỏa lực tầm xa của Lục quân Mỹ, là nhấn mạnh đến chiến lược kiềm chế hoặc đánh bại Trung Quốc.
Sự khác biệt trong quá khứ về đối đầu với Trung Quốc của Quân đội Mỹ, là nhiệm vụ này thường chỉ được giao cho Không quân và Hải quân Mỹ; Lục quân chỉ đóng vai trò hỗ trợ ở Tây Thái Bình Dương (chủ yếu là đối phó với tình hình trên Bán đảo Triều Tiên).
Nhưng tình hình đang thay đổi nhanh chóng, giờ đây Quân đội Mỹ đã ưu tiên phát triển khả năng tiến công chính xác tầm xa, dựa trên những tiến bộ về công nghệ; và đây là lý do tại sao Quân đội mạnh nhất thế giới, sẽ đóng vai trò quyết định trên chiến trường Tây Thái Bình Dương.
Trước kia pháo binh và tên lửa của Mỹ, không đủ sức đương đầu trên chiến trường châu Âu chật hẹp, chứ chưa nói đến Thái Bình Dương rộng lớn; do Quân đội Nga vốn có truyền thống rất chú trọng đến pháo binh, nên thường vượt trội NATO về tầm bắn.
Tuy nhiên, các công nghệ mới đã giúp hỏa lực của Quân đội Mỹ vượt xa mức mà các đối thủ như Nga hay Trung Quốc có thể đạt tới. Lockheed Martin đang phát triển một loại tên lửa tấn công chính xác cho Lục quân. Tầm bắn của mẫu cơ bản, có thể đạt hơn 480 km và mẫu cải tiến có thể xa hơn.
Giống như tất cả các thiết bị của Quân đội Mỹ, các tên lửa mới cũng sẽ có khả năng cơ động trên mặt đất. Các tên lửa tầm trung mới sẽ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân và tên lửa Standard-6. Trong đó Tomahawk có tầm bắn ít nhất 1.600 km và có thể tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động.
Còn tên lửa Standard-6 trước đây được coi là vũ khí phòng không chính của Hải quân, nhưng Hải quân và Lục quân hiện đang mở rộng ứng dụng chiến đấu của loại tên lửa này, nên Standard-6 sẽ có thể tấn công các mục tiêu mặt đất. Ngoài ra, Lục quân đang nghiên cứu vũ khí siêu thanh có tầm bắn hơn 2.700 km và pháo tầm xa có tầm bắn ít nhất vài trăm km.
Tất cả các loại vũ khí mới này của Lục quân Mỹ đều có khả năng tấn công chính xác, vì chúng dựa trên các cảm biến chung và liên kết mạng, cho phép Lục quân tìm kiếm các mục tiêu bên ngoài phạm vi tác chiến truyền thống của họ.
Bằng cách tích hợp các cảm biến từ nhiều phương tiện trinh sát khác nhau, Lục quân Mỹ có thể quan sát và khóa tất cả các mục tiêu, bao gồm căn cứ quân sự, sân bay và các trung tâm chỉ huy tác chiến của Trung Quốc sâu trong đất liền. Những khả năng này vượt xa năng lực của Lục quân Mỹ có trong quá khứ.
Mục đích của việc tăng cường hỏa lực tầm xa của Lục quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, là để bổ sung khả năng cho Hải quân và Không quân, nhằm gia tăng sức mạnh. Trong tương lai, vũ khí của Lục quân Mỹ có thể được chuyển đến bất cứ lúc nào, khiến Trung Quốc khó theo dõi. Những vũ khí này có thể được triển khai tới Okinawa, Philippines và nhiều nơi khác.
Hỏa lực mới của Lục quân Mỹ bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và vũ khí siêu thanh, có nhiều tầm bắn và đầu đạn khác nhau, tùy theo nhiệm vụ cụ thể; có thể bao trùm các mục tiêu có thể xuất hiện ở các khu vực ven biển, cũng như các mục tiêu trên biển của Trung Quốc, khiến Trung Quốc khó chống đỡ.
Các bệ phóng tên lửa di động trên đất liền sẽ không giống như tàu sân bay và tàu chiến trên biển vì rất dễ cất giấu; các bệ phóng tên lửa thế hệ tiếp theo của Lục quân Mỹ hầu như rất khó phát hiện cũng như xác định vị trí và tiêu diệt. Lục quân có kế hoạch mua 2.400 tên lửa tấn công chính xác, có thể dễ dàng cất giấu trong các đảo và các địa hình khác.
Do đó, mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Dongfeng của Trung Quốc đối với Quân đội Mỹ sẽ bị hạn chế. Mặc dù tên lửa Dongfeng có thể đe dọa một số ít các căn cứ quân sự của Mỹ, có thể chứa máy bay ném bom hạng nặng xung quanh Trung Quốc.
Và theo tuyên truyền của Trung Quốc, tên lửa Dongfeng cũng buộc các tàu nổi của Mỹ phải tránh xa bờ biển Trung Quốc (mặc dù chưa được kiểm chứng). Nhưng việc tìm kiếm hàng trăm bệ phóng tên lửa mặt đất của Lục quân Mỹ liên tục di chuyển sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, vượt xa khả năng của Trung Quốc.
Mặc dù Không quân và Hải quân Mỹ sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong các cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng khả năng của họ vẫn còn những khiếm khuyết. Và hỏa lực tầm xa của Lục quân Mỹ sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt hỏa lực của các đơn vị Không quân và Hải quân.
Đến năm 2030, tất cả bốn tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình lớp Ohio của Hải quân Mỹ sẽ ngừng hoạt động và Hải quân Mỹ cũng dự tính cho loại biên tất cả các tàu tuần dương lớp Ticonderoga và ngừng sản xuất các tàu khu trục chủ lực lớp Arleigh Burke.
Do các tàu mới không thể bù đắp được khả năng hỏa lực, do khoảng trống mà các tàu chiến cũ đã loại biên để lại; do đó trong một cuộc chiến kéo dài, Hải quân Mỹ có thể không đủ hỏa lực và vấn đề này, hỏa lực tầm xa của Lục quân Mỹ sẽ bù đắp.
Còn Không quân Mỹ có một số căn cứ và máy bay ném bom để tiến công vào lãnh thổ Trung Quốc; nhưng việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân cho các cuộc không kích thông thường, có thể vô tình dẫn đến leo thang xung đột.
Do vậy việc bổ sung hỏa lực chính xác tầm xa của Lục quân ở mặt trận Tây Thái Bình Dương (chủ yếu là với Trung Quốc), sẽ giúp bù đắp những thiếu sót này; đồng thời cung cấp cho các chỉ huy quân đội Mỹ các phương án tác chiến rộng rãi nhất có thể.
Các loại vũ khí tầm xa phù hợp với chiến trường Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc, cũng đáp ứng yêu cầu của chiến trường châu Âu và có thể tiến công các mục tiêu quân sự của Nga, mà không cần sử dụng đầu đạn hạt nhân. Điều này cũng sẽ là chiến lược tác chiến trong tương lai của quân đội Mỹ. Nguồn ảnh: Warzone.
Quân đội Mỹ thử nghiệm tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu chiến. Nguồn: USnavy.
Tiến Minh