Quân đội Mỹ nhận thêm radar chuyên phát hiện tên lửa siêu vượt âm

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ tiếp nhận radar cảnh báo sớm AN/TPY-2 nâng cấp, được cho là có khả năng phát hiện tên lửa siêu vượt âm, đây là thành phần quan trọng trong tổ hợp phòng không THAAD.

Tập đoàn quốc phòng Raytheon ngày 20/5 thông báo đã bàn giao cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đài radar cảnh giới mảng pha AN/TPY-2 đầu tiên sử dụng hoàn toàn phần tử thu phát chế tạo bằng gali nitride (GaN).

Các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho biết GaN là vật liệu bán dẫn có mật độ công suất cao, giúp tăng đáng kể năng lực radar.

Phiên bản AN/TPY-2 dùng phần tử GaN sẽ có độ nhạy lớn hơn và phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách xa gấp đôi so với những mẫu sử dụng phần tử gali arsenua trước đó.

Raytheon khẳng định gói nâng cấp mới nhất sẽ cải thiện độ nhạy, tầm phát hiện và năng lực giám sát của radar AN/TPY-2, nhưng không nêu thông số cụ thể.

Raytheon nhấn mạnh phiên bản này có thể hỗ trợ nhiệm vụ đối phó tên lửa siêu vượt âm, bên cạnh chức năng truyền thống là phát hiện và bám bắt tên lửa đạn đạo trong nhiều giai đoạn bay.

"Radar còn được cài đặt phần mềm hiệu suất cao CX-6, mang đến khả năng phân biệt mục tiêu chính xác hơn và có thể chống lại các cuộc tấn công điện tử", Raytheon cho hay.

AN/TPY-2 là radar chủ lực của Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một trong những tổ hợp phòng không hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ.

THAAD là viết tắt của “Terminal High-Altitude Area Defense” (Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) và là một hệ thống tên lửa đất đối không đánh chặn tiên tiến.

THAAD có thể đánh chặn cả mục tiêu trong và ngoài bầu khí quyển. Nó bao phủ một khu vực phòng thủ lớn hơn đáng kể so với hệ thống Patriot

Tên lửa của hệ thống THAAD dài 6,17 mét, đường kính tối đa 0,37 mét, trọng lượng phóng 900 kg và tốc độ tối đa 2.500 mét/giây, bao gồm thiết bị tăng áp, thiết bị đánh chặn và tấm chắn.

Giai đoạn cuối sử dụng dẫn đường hình ảnh hồng ngoại, có thể xác định, khóa và va chạm trực tiếp để tiêu diệt đầu đạn tên lửa đạn đạo.

Thông qua một loạt các hệ thống chỉ huy, kiểm soát và quản lý chiến đấu, hệ thống THAAD có thể kết nối liên lạc với nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Mỹ, bao gồm các hệ thống Aegis thường thấy trên các tàu Hải quân Mỹ và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot được sử dụng để đánh chặn các tên lửa tầm ngắn.

Mỗi hệ thống THAAD bao gồm 6 bệ phóng gắn trên xe với 8 tên lửa đánh chặn trên mỗi bệ phóng.

Nó cũng có một hệ thống radar mạnh mẽ cùng một hệ thống điều khiển hỏa lực và các bộ phận liên lạc.

Hệ thống phòng thủ THAAD có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 150 đến 200 km và tỷ lệ thử nghiệm thành công gần như hoàn hảo.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (Congressional Research Service), quân đội Mỹ hiện đang có 7 hệ thống THAAD.

Việt Hùng

Theo Bulgarian Military

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quan-doi-my-nhan-them-radar-chuyen-phat-hien-ten-lua-sieu-vuot-am-post612387.antd