Năm 2020 là một năm khá đen đủi với Quân đội Mỹ khi họ đã mất tới 9 chiếc tiêm kích bao gồm tất cả các dòng mà họ đang vận hành từ những chiếc F-16, F-15, F/A-18 cho đến những chiếc hiện đại nhất như F-22 và F-35, trung bình cứ 40 ngày là lại có một tiêm kích Mỹ rơi. Đây cũng là quốc gia có số lượng tiêm kích rơi nhiều nhất thế giới trong năm vừa rồi. Nguồn ảnh: USAF.
Đầu tiên là dòng tiêm kích hạng nhẹ 1 động cơ F-16. Đêm 30/6, một chiếc tiêm kích F-16CM của Không đoàn Tiêm kích 20 trong lúc đang bay huấn luyện tại căn cứ Shaw, bang Nam California đã rơi vào khoảng lúc 23h30. Máy bay sau đó đã bốc cháy vô cùng dữ dội và lực lượng cứu hỏa nhanh chóng được huy động để dập tắt. Nguyên nhân được xác định là do chiếc F-16 không mở được càng đáp, phi công thoát hiểm và chỉ bị thương nhẹ. Nguồn ảnh: USAF.
Chỉ hai tuần sau, một chiếc chiến đấu cơ F-16C khác của Không đoàn Tiêm kích 49 - Không quân Hoa Kỳ đã rơi trong lúc đang hạ cánh xuống căn cứ Holloman. F-16 là tiêm kích hạng nhẹ một động cơ được sản xuất và xuất khẩu nhiều nhất của hãng Lockheed Martin với 4.550 chiếc từ những năm 1980 cho đến nay, hiện vẫn còn khoảng 3.000 chiếc đang phục vụ trong quân đội Mỹ và các nước đồng minh. Nguồn ảnh: USAF.
Mới đây nhất là vào đêm 8/12, một chiếc F-16 của Không đoàn Tiêm kích số 115 - Vệ binh Quốc gia Mỹ đã rơi trong lúc huấn luyện đêm tại căn cứ Truax Field vào lúc 20h. Hiện vẫn chưa rõ tình trạng của phi công và nguyên nhân gây ra vụ tai nạn tuy nhiên F-16 chính là tiêm kích rơi nhiều nhất Không quân Mỹ trong năm qua. Nguồn ảnh: USAF.
Ngày 15/6, một chiếc chiến đấu cơ F-15C của Phi đội 48 - Không quân Mỹ đóng tại căn cứ Lakenheath đã rơi xuống vùng Biển Bắc, ngoài khơi bờ biển Yorkshire của Anh, nguyên nhân được xác định là do lỗi phi công. F-15 là máy bay tiêm kích hai động cơ do hãng McDonnell Douglas thiết kế, sản xuất từ cuối những năm 1970 với tốc độ tối đa lên tới 2.600km/h. Nguồn ảnh: USAF.
Ngày 18/6, môt chiếc tiêm kích hạm F/A-18F của Không đoàn số 11 thuộc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt - Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã rơi trong khi đang bay huấn luyện tại khu vực biển Philippine, hai phi công thoát hiểm và được cứu sống an toàn. F/A-18 chính là loại tiêm kích chủ lực hiện nay của Không quân Hải quân Mỹ hoạt động trên các tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz. Nguồn ảnh: USAF.
Đến ngày 20/10, lại một chiếc F/A-18E của Không quân Hải quân Mỹ rơi khi đang diễn tập ở căn cứ China Lake - bang California, phi công an toàn. Máy bay trang bị hai động cơ phản lực với tốc độ tối đa Mach 1.7, tầm hoạt động 2.000km và bán kính chiến đấu 700km, khi cất cánh từ tàu sân bay có thể mang theo tối đa 4 tấn vũ khí. Nguồn ảnh: USAF.
Chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ năm đầu tiên của Không lực Mỹ rơi trong năm 2020 là một chiếc F-22 Raptor rơi tại căn cứ Eglin - bang Florida, phi công an toàn. F-22 Raptor là tiêm kích hàng đầu trên thế giới hiện nay với hàng loạt công nghệ tiên tiến và không được xuất khẩu ra bên ngoài nước Mỹ, mỗi chiếc có trị giá lên tới gần 180 triệu USD. Hiện nay Không quân Mỹ đang vận hành khoảng 120 chiếc loại này. Nguồn ảnh: USAF.
Chỉ 4 ngày sau khi chiếc tiêm kích thế hệ năm đầu tiên của Mỹ rơi trong năm, chiếc thứ hai cũng ngay lập tức “nằm đất”. Lần này là một chiếc F-35A của Phi đoàn Tiêm kích số 58 - Không quân Hoa Kỳ cũng rơi tại căn cứ Eglin - bang Florida nơi trước đó chiếc F-22 vừa rơi, phi công cũng an toàn. Nguồn ảnh: USAF.
Cuối cùng là tiêm kích F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ rơi khi gặp sự cố trong quá trình tiếp nhiên liệu trên không với một chiếc KC-130J khác. F-35B với khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, phù hợp hoạt động trên các tàu sân bay cỡ nhỏ, thậm chí là tàu đổ bộ trực thăng. Nguồn ảnh: USAF.
Cận cảnh khoảnh khắc tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ rơi ở Florida hồi tháng năm vừa rồi.
Hùng Dũng