Quân đội Mỹ thả thực phẩm cứu trợ xuống Gaza
Cùng với việc huy động máy bay vận tải quân sự thả hàng cứu trợ xuống Gaza, sớm nhất là ngay trong cuối tuần này, Mỹ cũng đang xem xét khả năng thiết lập một tuyến đường biển để có thể đưa một lượng lớn hàng cứu trợ vào Gaza.
Hôm 1/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch điều máy bay vận tải quân sự thả thực phẩm cứu trợ xuống Gaza.
Kế hoạch được đưa ra một ngày sau cái chết của hơn 100 người Palestine đang tìm kiếm thực phẩm từ đoàn xe cứu trợ tiến vào bắc Gaza, mà Hamas cáo buộc do lực lượng Israel cố tình nổ súng.
Ông Biden cho biết đợt thả hàng cứu trợ sẽ diễn ra trong những ngày tới nhưng không cho biết thêm thông tin cụ thể.
Trước đó Jordan và Pháp đã thả hàng cứu trợ xuống Gaza.
“Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa và Mỹ sẽ làm nhiều hơn nữa,” ông Biden nói với báo giới, lưu ý, lượng hàng cứu trợ được đưa vào Gaza không thấm tháp so với nhu cầu.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh, các đợt thả hàng cứu trợ sẽ trở thành một nỗ lực bền vững, trong đó đợt thả hàng đầu tiên sẽ là thức ăn sẵn, có thể được thực hiện sớm nhất là ngay trong cuối tuần này. Tuy nhiên ông Kirby thừa nhận, việc thả hàng cứu trợ xuống Gaza là cực kỳ khó khăn vì dân số đông đúc, hơn nữa đang trong hoàn cảnh chiến sự.
Ông Biden cũng cho biết, Mỹ đang xem xét khả năng thiết lập một hành lang hàng hải để có thể đưa một lượng lớn hàng cứu trợ vào Gaza.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, ít nhất 576.000 người ở Dải Gaza, tức khoảng 1/4 dân số tại đây, đang sắp chết đói.
Với việc mọi người phải ăn thức ăn dành cho gia súc và thậm chí cả xương rồng để sống sót, và các bác sĩ cho biết trẻ em đang chết trong bệnh viện do suy dinh dưỡng và mất nước, LHQ cho biết họ phải đối mặt với “những trở ngại quá lớn” trong hoạt động cứu trợ.
Trong khi tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, David Deptula, người từng chỉ huy vùng cấm bay ở miền bắc Iraq, cho biết, thả dù là điều mà quân đội Mỹ có thể thực hiện một cách hiệu quả, thì vẫn có những nghi vấn về tính hiệu quả của việc thả hàng viện trợ vào Gaza.
Một quan chức Mỹ cho rằng, các đợt thả hàng cứu trợ không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ, chỉ khi mở cửa biên giới trên bộ mới có thể giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc.
Mỹ trong nhiều tháng đã kêu gọi Israel cho phép thêm viện trợ vào Gaza, điều mà Israel đã phản đối.
Mỹ và các nước khác cũng kỳ vọng viện trợ sẽ được tăng cường vào Gaza nhờ lệnh ngừng bắn tạm thời, điều mà ông Biden cho biết hôm 1/3 rằng, ông hy vọng sẽ xảy ra vào thời điểm tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 10/3.
Liên quan đến tình hình Gaza, lãnh đạo của 59 cơ quan truyền thông toàn cầu, bao gồm những hãng tin hàng đầu thế giới, đã ký một lá thư kêu gọi chính quyền Israel bảo vệ các nhà báo hoạt động ở Gaza, lưu ý, các phóng viên đã làm việc trong những điều kiện chưa từng có trong cuộc tấn công của Israel vào vùng đất này và phải đối mặt với rủi ro cá nhân nghiêm trọng.
Tổng cộng có ít nhất 94 nhà báo đã thiệt mạng trong cuộc chiến Israel-Gaza, trong đó 89 nhà báo là người Palestine, theo Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ).
CPJ nói cuộc chiến này là nguy hiểm nhất từ trước đến nay đối với các nhà báo.
Israel phủ nhận việc cố tình nhắm mục tiêu vào các nhà báo và dân thường.
“Những nhà báo này tiếp tục đưa tin bất chấp rủi ro cá nhân nghiêm trọng. Họ tiếp tục đưa tin bất chấp sự mất mát của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, nhà cửa và văn phòng bị phá hủy, phải di dời liên tục, mất điện và thông tin liên lạc, thiếu lương thực và xăng.”, bức thư viết, lưu ý, các nhà báo cũng là dân thường và chính quyền Israel phải bảo vệ họ như những người không tham chiến theo luật pháp quốc tế.