Quân đội Mỹ thử nghiệm máy bay không người lái và khinh khí cầu độ bền cao tại Philippines
Một đốm trắng khó nhìn thấy xuất hiện cạnh mặt trời vào buổi xế chiều và nhanh chóng lẫn vào mây. Đốm trắng sau đó hiện nguyên hình là một máy bay không người lái.
Máy bay này hạ cánh một cách khéo léo và im lặng trên đường bay của một sân bay tại một hòn đảo hẻo lánh của Philippines. Hệ thống này – một chiếc K1000 của Kraus Hamdani Aerospace – đã dành gần một ngày bay trên Biển Đông và thu thập dữ liệu cho Đại đội Phát hiện và Đối phó Tầm Xa (ERSE), một phần của Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền thứ Nhất (1st MDTF) thuộc Quân đội Mỹ.
Tại Philippines, 1st MDTF tận dụng cuộc tập trận Balikatan để thử nghiệm cấu trúc của đại đội này và nhận định các khí tài có thể phục vụ tốt cho các lực lượng liên minh và tác chiến trong các trường hợp phe địch có thể ngăn chặn lực lượng tiến vào khu vực. Cuộc tập trận song phương giữa Mỹ và Philippines này đã diễn ra từ ngày 11/4 tới 9/5.
ERSE đóng quân tại Basco, một đảo núi lửa của chuỗi đảo Batanes nằm ở phía Bắc hòn đảo Luzon lớn nhất Philippines.
Đại đội này làm việc trong một lều nhỏ ngay bên cạnh một sân bay thương mại phục vụ một số lượng nhỏ các chuyến bay mỗi ngày.
Vị trí của đại đội này ở phía cực Bắc khu vực diễn ra cuộc tập trận, chỉ có một đơn vị khác ở xa hơn về phía Bắc với nhiệm vụ xây dựng một nhà kho tại đảo Itbayat.
Tại trung tâm điều hành nhỏ ở Basco, Thiếu tá Seth Holt, chỉ huy của ERSE, cho biết anh đang tập trung vào phát hiện cách đại đội của mình có thể đóng góp cho một lực lượng đặc nhiệm đa miền.
Holt cho biết đại đội của anh được thiết kế nhằm cung cấp khả năng phát hiện phổ điện từ trong phạm vi từ mặt đất tới độ cao 30km. Phổ điện từ là một nguồn tài nguyên tối quan trọng trong các cuộc xung đột hiện đại, do những phe có khả năng kiểm soát phổ điện từ này sẽ có thể thao túng khả năng liên lạc, hệ thống dẫn đường của vũ khí và nhiều hơn nữa.
Đại đội này bao gồm ba trung đội: một trung đội tập trung vào chiến tranh điện tử, một tập trung vào các phương tiện bay không người lái và một tập trung vào hệ thống trên cao như các khinh khí cầu.
Cách sử dụng máy bay không người lái
Bên trong trung tâm điều hành, các binh lính của đại đội theo sát các tín hiệu đáng quan tâm thu thập được từ các hệ thống trinh sát điện tử.
Một số binh lính khác điều khiển máy bay K1000 và các vũ khí trên máy bay này, tập trung vào các khu vực đáng quan tâm và đánh dấu các đối tượng cần theo dõi.
Holt cho biết, trong cuộc tập trận, đại đội của anh đã gửi dữ liệu từ các cảm biến và camera của máy bay tới các binh lính của Philippines, một bước tiến quan trọng trong đẩy mạnh khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước.
Mặc dù K1000 không phải là một chương trình mang tính chính thức nhưng Quân đội Mỹ đã sử dụng hệ thống này trong một loạt các thử nghiệm, bao gồm cuộc tập trận Edge và Project Convergence.
Máy bay K1000 có trọng lượng nhỏ, mang hai tấm pin mặt trời trên cánh, đã từng phá vỡ kỷ lục sức bền trong các hệ thống máy bay không người lái loại 2 sau khi hoạt động trên không trong 76 giờ. Hạng mục này hiện đang áp dụng cho các máy bay không người lái có trọng lượng từ 9,5 tới 25kg.
Các nhân viên điều khiển tại Basco cho biết, sau khoảng 8 giờ thực hiện sứ mệnh, máy bay này đã trở lại căn cứ với khoảng 80% pin.
Máy bay này không có bộ hạ cánh và phải sử dụng một số bộ trượt được sản xuất bằng máy in 3D, và chúng cần phải được thay thế mỗi khi mòn.
Các kỹ sư của Kraus tại đây cũng cho biết, máy bay K1000 rất khó bị phát hiện, với phần lớn cảm biến và radar nhầm lẫn máy bay này là chim.
Máy bay này có thể được đặt vừa vào một chiếc vali bình thường, và người dùng chỉ mất khoảng 10 phút để gỡ, lắp đặt và phóng. Máy bay này khi phóng cần được đặt trên một phương tiện di chuyển để bắt gió và cất cánh. Tại Basco, máy bay này đã được phóng trên một chiếc SUV đen.
Mặc cho những thiết kế của mình, máy bay này vẫn phải đối mặt với quy luật thiên nhiên và vật lý. Defense News đã chứng kiến đội điều khiển quyết định không phóng máy bay trong một buổi sáng vì gió quá mạnh.
Kraus đã phát triển một phiên bản cất cánh và hạ cánh thẳng đứng cho máy bay cánh cố định này nhằm giúp hoạt động trong điều kiện gió mạnh và đã cung cấp một số đơn vị tới Hải quân Mỹ để được đánh giá. Tuy nhiên, theo Holt, phiên bản này hy sinh tính bền bỉ do mức tiêu thụ pin của các motor điện.
Một trong số các trung đội của ERSE cũng đã thử nghiệm một hệ thống bay không người lái cỡ nhỏ sản xuất bằng máy in 3D trong vòng 5 ngày và được thiết kế bởi một người lính tại Căn cứ Tác chiến Lewis-McChord tại bang Washington, Mỹ – trụ sở của 1st MDTF. Máy bay này đã bay dọc bờ phía Bắc đảo Luzon.
ERSE cũng đã thử nghiệm khinh khí cầu tầm cao tại một địa điểm khác tại Philippines. Bên cạnh đó cũng có một hệ thống khác không mang tính chính thức, có tên Khinh khí cầu Cỡ nhỏ Tầng Bình lưu của Urban Sky, mà theo khẳng định từ công ty này hoàn toàn không phát thải.
Những khinh khí cầu tầm cao có thể mang theo cảm biến giúp trinh sát, phát hiện và xác định mục tiêu, giúp ERSE mang lại hệ thống kết nối lực lượng và Holt cho biết trong tương lai có thể mang theo vũ khí. Holt cho biết, những hệ thống tương tự đang dần trở nên đáng chú ý hơn vì chúng dễ triển khai với các đơn vị nhỏ hoạt động tại các địa điểm hẻo lánh và chính những khinh khí cầu cũng khó bị phát hiện.
ERSE cũng đã gửi một số thành viên có kinh nghiệm điều khiển khinh khí cầu tầm cao tới các vị trí khác để giúp quân đội Philippines phóng khinh khí cầu thời tiết.
Vì sao Mỹ thành lập các đơn vị này?
Quân đội Mỹ thành lập 1st MDTF vào năm 2018 với vai trò là một đơn vị thử nghiệm với nhiệm vụ thu thập dữ liệu về học thuyết Chiến tranh đa miền của họ, một học thuyết mà lực lượng này đã công bố vào năm 2022. Quân đội Mỹ đã quyết định giá trị của đơn vị này lớn hơn so với chỉ mục đích thử nghiệm và đã quyết định thành lập năm lực lượng đặc nhiệm đa miền (MDTF) khác cho các mặt trận khác nhau.
Có ba lực lượng MDTF đã được Quân đội Mỹ triển khai và đang trong các giai đoạn khác nhau. Lực lượng thứ nhất đang tập trung vào mặt trận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kể từ khi thành lập. Lực lượng thứ hai hoạt động tại châu Âu và lực lượng thứ Ba hoạt động tại Hawaii. Lực lượng thứ tư cũng sẽ được triển khai tại Thái Bình Dương. Lực lượng thứ năm, với trụ sở tại Fort Liberty, Nam Carolina, hiện chưa có kế hoạch được triển khai tại mặt trận nào.
Những lực lượng đặc nhiệm này bao gồm các phần tử đa miền với các thiết kế khác nhau kết hợp các hệ thống vật lý và phi vật lý bao gồm các tiểu đoàn chiến đấu tầm xa, tiểu đoàn đối phó đa miền, tiểu đoàn vận hành hệ thống IFPC và các tiểu đoàn hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm.
Trung tâm của các lực lượng đặc nhiệm này là tiểu đoàn đối phó đa miền, từng mang tên đơn vị Tình báo, Thông tin, Chiến tranh Mạng, Chiến tranh Điện tử và Không gian.
Các tiểu đoàn này bao gồm sáu đại đội, trong đó bao gồm ERSE. Năm đại đội còn lại tập trung vào ưu thế thông tin, không gian, tình báo quân sự, tình báo tín hiệu và các vấn đề về trụ sở Quân đội Mỹ. Các đại đội này được thiết kế để phối hợp, bổ sung khả năng phát hiện và đối phó với mục tiêu cho lẫn nhau.
Nguyễn Quang Minh (theo Defense News)