Mới đây, chính quyền quân sự Myanmar bất ngờ trả tự do cho hơn 600 người biểu tình. Khoảng 15 xe buýt chở những người bị bắt giữ rời khỏi nhà tù Insein ở thành phố Yangon vào sáng 24/3. Ảnh: Một số người biểu tình vẫy tay trên xe buýt rời nhà tù Insein. AP.
Được biết, trong số hàng trăm người vừa được trả tự do vừa qua có phóng viên của hãng AP, Thein Zaw. Hãng AP dẫn lời ông Thein Zaw (ảnh) cho biết, một thẩm phán đã tuyên bố bãi bỏ mọi cáo buộc chống lại phóng viên này, bởi Thein Zaw chỉ đang làm nhiệm vụ đưa tin về cuộc biểu tình khi bị lực lượng an ninh bắt hôm 27/2. Ảnh: AP.
Hãng Kyodo bình luận việc quân đội Myanmar thả hơn 600 người biểu tình là động thái "xuống thang" đầu tiên của chính quyền quân sự, kể từ khi cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar bùng phát vào đầu tháng 2/2021. Ảnh: AA.
Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi liệu động thái xuống thang này có giúp "hạ nhiệt" cuộc biểu tình đã diễn ra suốt gần hai tháng qua tại Myanmar hay không? Ảnh: EPA.
Myanmar rơi vào khủng hoảng chính trị kể từ ngày 1/2, khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự và lên nắm quyền. Kể từ đó đến nay, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời kêu gọi trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi (ảnh) diễn ra gần như hàng ngày. Ảnh: Reuters.
Đụng độ giữa lực lượng Quân đội Myanmar và người biểu tình thời gian qua đã khiến nhiều người thương vong. Ảnh: Reuters.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar (AAPP) cho biết, tính tới ngày 20/3, hơn 250 người biểu tình ở Myanmar đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh nước này. Ngoài ra, tổng số những người bị bắt giữ tính đến ngày 21/3 là 2.665 người. Ảnh: Reuters.
Được biết, một số nhân viên chính phủ cùng các nhân viên y tế, giáo viên,...ở Myanmar cũng tham gia vận động biểu tình và đình công. Mục tiêu của những người biểu tình là khôi phục nền dân chủ ở Myanmar cũng như đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, và có lẽ họ sẽ không dừng biểu tình cho tới khi đạt được mục đích. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi, những nhân viên y tế, đi đầu trong chiến dịch này để kêu gọi tất cả nhân viên chính phủ tham gia. Thông điệp của chúng tôi gửi tới công chúng là đặt mục tiêu xóa bỏ chế độ quân sự và chúng ta phải chiến đấu cho số phận của mình", Aye Misan, y tá tại bệnh viện ở thành phố Yangon, kêu gọi biểu tình hồi đầu tháng 2/2021. Ảnh: Reuters.
Vào hôm 21/3 vừa qua, hàng trăm người, bao gồm nhân viên y tế, ở thành phố Mandalay, đã xuống đường. "Sự thất bại của chế độ quân sự. Mục tiêu của chúng ta. Nền dân chủ liên bang", đám đông người biểu tình hô vang. Ảnh: EPA.
Trong khi đó, Quân đội Myanmar hôm 23/3 đổ lỗi cho người biểu tình. Người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun (ảnh) cho rằng tình hình căng thẳng do người biểu tình kích động bạo lực và đốt phá. Ảnh: Reuters.
Tuần này, Quân đội Myanmar đã khẳng định họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc "trấn áp tình trạng hỗn loạn". Do vậy, đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Myanmar có thể vẫn tiếp diễn thời gian tới, bấp chấp động thái "xuống thang" gần đây của quân đội. Ảnh: Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar - Tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: Reuters.
Trước đó, trong bài phát biểu được Bộ Ngoại giao Malaysia công bố ngày 2/3, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein (ảnh) nhấn mạnh rằng đối thoại giữa Quân đội Myanmar và phe bà Aung San Suu Kyi là con đường khả thi nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước này. Ảnh: BAR.
Mời độc giả xem thêm video: Quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm (Nguồn video: THĐT)
An An (T.H)