Quân đội Myanmar thừa nhận đang bị phe nổi dậy tấn công dữ dội
Chính quyền quân sự Myanmar thừa nhận họ đang phải đối mặt với 'các cuộc tấn công nặng nề' từ phe nổi dậy, từ khi họ bắt đầu cuộc tấn công phối hợp vào cuối tháng trước.
Ông Zaw Min Tun, người phát ngôn chính quyền quân sự, cho biết quân đội đang bị “tấn công nặng nề từ một số lượng đáng kể những người nổi dậy có vũ trang” ở bang Shan thuộc miền bắc, bang Kayah ở miền đông và bang Rakhine ở miền tây.
Ông cho biết thêm, phe nổi dậy đang sử dụng hàng trăm máy bay không người lái để thả bom vào các đồn quân sự và một số đồn đã phải sơ tán.
“Chúng tôi đang khẩn trương thực hiện những biện pháp để bảo vệ hiệu quả trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái”, người phát ngôn tuyên bố ngày 15/11.
Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi hồi tháng 2/2021.
Sau đảo chính, hàng triệu người Myanmar xuống đường kêu gọi khôi phục nền dân chủ. Khi quân đội đáp trả bằng vũ lực, một số thường dân tham gia các nhóm vũ trang sắc tộc từ lâu đã đấu tranh cho quyền tự quyết.
Cuộc tấn công phối hợp mang mật danh Chiến dịch 1027 bắt đầu ở bang Shan gần biên giới với Trung Quốc ngày 27/10, dưới sự chỉ đạo của Liên minh Ba Anh em, một nhóm của Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA).
Sau đó, phong trào tấn công lan sang các khu vực khác của đất nước, bao gồm các bang Rakhine ở miền và bang Chin giáp biên giới Bangladesh và Ấn Độ.
Lực lượng ở bang Kayah giáp biên giới Thái Lan đang giao tranh với quân đội gần thủ phủ bang Loikaw.
Ông Zaw Min Tun cho biết, nhà tù và văn phòng cảnh sát của thị trấn đang bị tấn công.
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 200.000 người Myanmar đã phải di dời do giao tranh và ít nhất 75 thường dân, bao gồm cả trẻ em, đã thiệt mạng.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 15/11, người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông “quan ngại sâu sắc trước tình trạng mở rộng xung đột”.
Quân đội Myanmar lâu nay vẫn khẳng định họ là lực lượng duy nhất có thể đoàn kết Myanmar và đã quản lý đất nước trong 50 năm trước khi chuyển sang cuộc cuộc cải cách, cuối cùng đưa bà Aung San Suu Kyi trở thành nhà lãnh đạo dân sự.
Tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN ngày 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto nhắc lại sự cần thiết phải khôi phục hòa bình.
“Chúng tôi rất buồn trước tình hình ngày càng xấu đi ở Myanmar. Indonesia khuyến khích các nước thành viên ASEAN khác hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tình hình hiện tại”, ông Prabowo đề cập trong bài phát biểu khai mạc.