Quân đội Sudan cáo buộc RSF bắn máy bay sơ tán của Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận chiếc máy bay của nước này dùng để sơ tán công dân đã bị bắn. Không có người thương vong trong vụ việc.
Quân đội Sudan ngày 28/4 cáo buộc Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đã bắn một chiếc máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ dùng để sơ tán công dân, khi phương tiện này đang hạ cánh xuống sân bay Wadi Seyidna, ở Omdurman, làm hỏng hệ thống nhiên liệu của máy bay.
Hiện chiếc máy bay này đang được sửa chữa.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận chiếc máy bay của nước này dùng để sơ tán công dân đã bị bắn. Không có người thương vong trong vụ việc.
Tuy nhiên, RSF bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời cho biết vẫn duy trì cam kết đối với thỏa thuận ngừng bắn, vừa được gia hạn thêm 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm 28/4.
Trước đó một ngày, quân đội Sudan và RSF đã nhất trí gia hạn lệnh ngừng bắn, vốn được hai bên nhất trí từ nửa đêm 24/4, thêm 72 giờ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nhân đạo.
Tuy nhiên, theo các nhân chứng và các hình ảnh video phát trực tiếp, giao tranh đã nổ ra ở nhiều khu vực ở thủ đô Khartoum ngay trong ngày 28/4.
Các nhân chứng cho biết nhiều vụ cướp bóc đã xảy ra tại thủ đô Khartoum, trong khi nhiều nước vẫn đang tổ chức cho công dân sơ tán. Các lực lượng của quân đội Sudan và RSF vẫn đang mở rộng hệ thống chiến hào.
Giao tranh dữ dội giữa quân đội Sudan và RSF bắt đầu nổ ra tại quốc gia châu Phi này từ giữa tháng 4.
Bộ Y tế Sudan cho biết ít nhất 512 người đã thiệt mạng và gần 4.200 bị thương trong cuộc giao tranh này và con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Liên hợp quốc và các đối tác sẽ thành lập một nhóm nòng cốt nhằm giải quyết tình hình nhân đạo nghiêm trọng tại Sudan do các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), lực lượng bán quân sự chính ở Sudan.
Cơ quan điều phối nhân đạo của Liên hợp quốc ngày 27/4 ra thông cáo báo chí cho biết tình trạng thiếu lương thực, nước sạch, thuốc men và nhiên liệu đang tiếp tục ảnh hưởng tới Sudan, đặc biệt tại thủ đô Khartoum và các vùng phụ cận, trong khi khả năng tiếp cận với điện và dịch vụ viễn thông bị hạn chế ở nhiều nơi trên cả nước, khiến các hoạt động cứu trợ gặp nhiều khó khăn hơn.
Quyền Điều phối viên nhân đạo và thường trú của Liên hợp quốc tại Sudan, ông Abdou Dieng nhấn mạnh nhu cầu cứu trợ của người dân đang rất khẩn cấp và trên diện rộng.
Theo ông Dieng, các nhân viên của Liên hợp quốc còn lại ở Sudan đã di tản đến thành phố Port Sudan từ thủ đô Khartoum, nơi giao tranh diễn ra ác liệt nhất và tình hình an ninh đặc biệt nguy hiểm và khó lường./.