Quân đội Sudan sa thải 6 đại sứ sau cuộc đảo chính
Các đại sứ Sudan tại Mỹ, EU, Trung Quốc, Qatar, Pháp và người đứng đầu phái bộ tại Geneva, Thụy Sĩ đã bị bãi chức sau khi bày tỏ không thừa nhận sự tiếp quản quyền lực của giới quân sự nước này.
Quân đội cầm quyền ở Sudan đã sa thải 6 đại sứ, tại Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Qatar, Pháp và người đứng đầu phái bộ tại Geneva, Thụy Sĩ, trong khi các lực lượng an ninh tiếp tục gia tăng đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ, bất chấp áp lực và dư luận quốc tế.
Quyết định được công bố vào cuối ngày 28/10 trên truyền thông nhà nước, dường như do các đại sứ này đã từ chối thừa nhận chính quyền quân sự, sau cuộc đảo chính hôm 25/10.
Trong khi một số đại sứ quán phương Tây ở Khartoum tuyên bố sẽ tiếp tục công nhận Thủ tướng Abdalla Hamdok vừa bị quân đội phế truất và nội các của ông là “những nhà lãnh đạo hợp hiến của chính phủ chuyển tiếp” của Sudan.
Hôm 28/10, Liên minh châu Phi đã thông báo quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Sudan cho đến khi giới chức khôi phục chính phủ chuyển tiếp do dân sự lãnh đạo. Cùng với việc Mỹ đình chỉ viện trợ khẩn700 triệu đô la, Ngân hàng Thế giới cũng quyết định đóng băng khoản tài trợ phục hồi kinh tế 2 tỉ USD cho Sudan.
Các cuộc tuần hành của công chúng phản đối việc chiếm đoạt quyền lực của quân đội vẫn tiếp diễn ở thủ đô Khartoum và nhiều nơi khác với khẩu hiệu hô vang “Hãy biến đi” nhắm tới giới quân sự.
Các báo cáo cho biết người biểu tình đã ném đá vào lực lượng an ninh đang cố giải tỏa các vật cản trên đường phố, trong khi ở phía bắc thủ đô, các nhân viên an ninh đã bắn hơi cay và đạn cao su vào hàng chục người biểu tình.
"Các đường phố đã bị phong tỏa bởi xe bọc thép và những binh sĩ mang súng trường", Bộ thông tin, cơ quan vẫn trung thành với Thủ tướng Abdalla Hamdok, người vừa bị quân đội truất quyền, cho biết trong một tuyên bố.
Hôm 28/10, có thêm những người biểu tình bị giết và bị thương. Trong 4 ngày qua, ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, theo các nguồn tin y tế.
Hôm 28/10, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Sudan, Volker Perthes, đã gặp người đứng đầu quân đội Sudan, tướng al-Burhan nhắc lại lời kêu gọi của Liên hợp quốc về việc cần thiết quay trở lại quá trình chuyển đổi quyền lực theo tuyên bố hiến pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả những chính trị gia bị giam giữ tùy tiện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng ủng hộ người dân Sudan.
“Thông điệp của chúng tôi gửi đến các nhà chức trách quân sự của Sudan là dứt khoát và rõ ràng: người dân Sudan phải được phép bày tỏ một cách hòa bình và chính phủ chuyển tiếp do dân sự lãnh đạo phải được khôi phục,”, ông Biden tuyên bố, nhấn mạnh “Những sự kiện trong những ngày gần đây ở Sudan là một bước lùi nghiêm trọng và Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Sudan trong cuộc đấu tranh bất bạo động của họ”.