Quân đội Ukraine thu mình phòng thủ khi nhiệm kỳ mới của ông Trump đến gần

Trên các tuyến đầu, binh sĩ Ukraine ủng hộ lời kêu gọi của ông Trump về đàm phán chấm dứt chiến tranh.

Xe Lada vượt qua xe vận tải quân sự mang lựu pháo ở khu vực Donetsk của Ukraine ngày 26/12/2024. Ảnh: WP.

Xe Lada vượt qua xe vận tải quân sự mang lựu pháo ở khu vực Donetsk của Ukraine ngày 26/12/2024. Ảnh: WP.

Thiếu nhân lực, tự bỏ tiền túi mua thiết bị

Quân đội Nga tại Ukraine đang tiến công với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ đầu cuộc xung đột, khi họ khai thác tối đa lợi thế lớn nhất của mình: lực lượng nhân sự dồi dào. Các binh sĩ Ukraine nhận định, chính những đợt tấn công liên tiếp của Nga đã tạo ra áp lực lớn nhất, liên tục khai thác những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ vốn ngày càng suy yếu của Ukraine.

“Mỗi khi chúng tôi tiêu diệt một lính Nga thì lại có hai người khác xuất hiện thay thế”, Valentyn, một binh sĩ thuộc Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 35 của Ukraine, chia sẻ. “Cảm giác như họ có nguồn nhân lực không bao giờ cạn”.

 Một người lính ngồi trên giường trại trong ngôi nhà được dùng làm căn cứ ở vùng Donetsk vào ngày 26/12/2024. Ảnh: Washington Post.

Một người lính ngồi trên giường trại trong ngôi nhà được dùng làm căn cứ ở vùng Donetsk vào ngày 26/12/2024. Ảnh: Washington Post.

 Binh sĩ Taras, 33 tuổi, trái và Oleksandr, 27 tuổi, thảo luận về cuộc chiến. Ảnh: Washington Post.

Binh sĩ Taras, 33 tuổi, trái và Oleksandr, 27 tuổi, thảo luận về cuộc chiến. Ảnh: Washington Post.

Hiện tại, quân Nga đã áp sát khu vực cách thị trấn Pokrovsk ở miền Đông chưa đến 3 km, đe dọa các tuyến hậu cần và tiếp tế trọng yếu từ đây đến những phần khác của chiến tuyến.

Trong khi quân Nga đang gia tăng áp lực, các binh sĩ Ukraine lại phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn cả về nhân lực lẫn trang thiết bị. Những người lính trên chiến trường thể hiện sự kiệt sức, mất tinh thần, và sự thất vọng với cách điều hành từ chính phủ ở Kiev.

Nhiều binh sĩ thừa nhận họ phải tự bỏ tiền túi hoặc dựa vào sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên để có được các thiết bị cần thiết như máy bay không người lái (UAV) hay xe vận chuyển gần tiền tuyến. Một số khác cho rằng chiến dịch huy động lực lượng của chính phủ quá chậm trễ và thiếu hiệu quả.

 Một tòa nhà bị phá hủy ở Dobropillia, cách thị trấn chiến lược Pokrovsk 12 dặm về phía bắc. Ảnh: Washington Post.

Một tòa nhà bị phá hủy ở Dobropillia, cách thị trấn chiến lược Pokrovsk 12 dặm về phía bắc. Ảnh: Washington Post.

 Xe AMX-10 của quân đội Pháp đi qua khu vực Donetsk. Ảnh: Washington Post.

Xe AMX-10 của quân đội Pháp đi qua khu vực Donetsk. Ảnh: Washington Post.

“Khi tôi mới nhập ngũ, tình hình đã rất khó khăn”, Oleksandr, một binh sĩ 27 tuổi thuộc Lữ đoàn 35, cho biết. “Nhưng bây giờ, với những người mới, điều kiện còn tồi tệ hơn. Tôi không trách những người đào ngũ, vì họ thực sự không còn lựa chọn nào khác”.

Quốc hội Ukraine đã thông qua quy định giảm độ tuổi tối thiểu nhập ngũ xuống 25, nhưng nhiều binh sĩ cho rằng quyết định này đến quá muộn, khi các đơn vị đã cạn kiệt quân số sau nhiều tháng thiếu hụt lực lượng thay thế. Hiện tượng đào ngũ gia tăng do người dân không còn tự nguyện tham gia chiến đấu, mà chủ yếu bị bắt buộc.

Mặc dù cựu Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, từng kêu gọi huy động thêm 500.000 binh sĩ trong năm 2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ đồng ý huy động khoảng 200.000 người, cho rằng con số lớn hơn là không khả thi. Kiev cũng từ chối đề xuất của Nhà Trắng về việc giảm độ tuổi nhập ngũ xuống 18, bất chấp nhu cầu về tăng cường lực lượng.

“Thực tế rất nghiệt ngã”, Taras, một phó chỉ huy tiểu đoàn chiến đấu gần Pokrovsk, chia sẻ. “Chúng tôi mất người, và những mất mát này cần được bù đắp. Nhưng lực lượng thay thế hiện tại thực sự không đủ”.

Trong khi đó, hỗ trợ quân sự từ phương Tây cũng đang dần giảm bớt, làm trầm trọng thêm tình thế khó khăn của Ukraine. Không có dòng viện trợ ổn định, Ukraine khó có thể đẩy lùi quân Nga, đặc biệt khi đối phương tiếp tục duy trì ưu thế về pháo binh và đưa vào sử dụng các máy bay không người lái mới với công nghệ vượt trội.

 Một chiếc xe bọc thép được phủ lưới thép để bảo vệ nó khỏi máy bay không người lái. Ảnh: Washington Post.

Một chiếc xe bọc thép được phủ lưới thép để bảo vệ nó khỏi máy bay không người lái. Ảnh: Washington Post.

 Các binh sĩ đặt bữa trưa tại một ngôi làng ở vùng Donetsk vào ngày 26/12/2024. Ảnh: Washington Post.

Các binh sĩ đặt bữa trưa tại một ngôi làng ở vùng Donetsk vào ngày 26/12/2024. Ảnh: Washington Post.

Thiếu động lực trên chiến trường

Hiện tại, Moscow kiểm soát hơn 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm một dải đất lớn từ phía Đông Bắc đến bán đảo Crimea. Một số binh sĩ Ukraine lo ngại rằng quân Nga có thể tiếp tục đẩy chiến tuyến về phía Tây, tiến sát thành phố Dnipro – nơi có hơn 1 triệu dân.

Dù khó khăn chồng chất, các binh sĩ Ukraine vẫn đang nỗ lực chiến đấu từng ngày. Nhưng với tình hình hiện tại, họ tự hỏi liệu đã đến lúc cần tìm một giải pháp khác ngoài chiến tranh để bảo vệ đất nước.

Các phóng viên đã trò chuyện với binh sĩ từ 6 lữ đoàn khác nhau của Ukraine, đang chiến đấu tại miền Đông. Họ bày tỏ sự hoài nghi về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn, đặc biệt khi quân Nga đang giữ thế chủ động trên chiến trường. Một số lo ngại rằng, dù chiến sự có tạm dừng trong năm nay, Nga vẫn có thể khơi mào một cuộc tấn công mới sau đó.

“Thú thật, tình hình bây giờ tệ hơn so với lúc cuộc chiến bắt đầu,” Taras, chỉ huy đại đội thuộc Lữ đoàn 35, chia sẻ. “Hiện tại, chúng tôi có thể đàm phán được gì đây? Chỉ còn cách gật đầu đồng ý với các yêu sách của họ, và những điều họ đòi hỏi chắc chắn không phải thứ chúng ta muốn”.

Binh sĩ Ukraine cho biết họ thường đẩy lùi được các đợt tấn công đầu tiên, nhưng chiến thuật của Nga dựa trên việc áp đảo quân số. Bằng cách không ngừng thăm dò, quân Nga tìm kiếm những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ để chọc thủng.

Physic, chỉ huy xe tăng thuộc Lữ đoàn 68, mô tả chiến thuật này là “điên rồ”, bởi các binh sĩ Nga rõ ràng biết cơ hội sống sót rất thấp nhưng vẫn tiếp tục tiến lên. “Chỉ khoảng một người trong mỗi ba nhóm tấn công mới có thể đến được mục tiêu”, anh nói. “Người đó lập tức đào hào, liên lạc và dẫn dắt những người khác. Họ dần tập trung lực lượng tại một điểm, bất chấp pháo cối và các đợt phản công. Dù chịu tổn thất nặng nề, họ vẫn không lùi bước”.

Nga cũng thường xuyên sử dụng chiến thuật tiến quân theo nhóm nhỏ, lặng lẽ tập hợp lực lượng từng người một trước khi phát động tấn công mới. Xe bọc thép, vốn từng được Nga sử dụng rộng rãi, giờ hầu như không còn xuất hiện trong các cuộc tấn công, binh sĩ Ukraine cho biết.

“Bạn tưởng rằng mọi thứ ổn định vì không thấy nhiều quân địch, nhưng đột nhiên có 10 người lao ra từ một tầng hầm”, Taras, chỉ huy phó tại Pokrovsk, kể lại. “Chuyện đó vừa mới xảy ra với chúng tôi. Họ từ đâu xuất hiện vậy?”.

 Một người phụ nữ đang múc nước từ giếng ở một ngôi làng phía bắc Pokrovsk. Ảnh: Washington Post.

Một người phụ nữ đang múc nước từ giếng ở một ngôi làng phía bắc Pokrovsk. Ảnh: Washington Post.

 Những người lính tiến về phía bắc từ ngoại ô Pokrovsk vào ngày 29/12. Ảnh: Washington Post.

Những người lính tiến về phía bắc từ ngoại ô Pokrovsk vào ngày 29/12. Ảnh: Washington Post.

Đủ yếu tố để hướng tới lệnh ngừng bắn

Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng ở lực lượng bộ binh – những người đảm nhận vị trí tiền tuyến. Năm ngoái, Ukraine bắt đầu triển khai chiến lược tuyển dụng các phạm nhân tham gia vào các nhiệm vụ nguy hiểm. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ giúp giải quyết một phần nhỏ vấn đề, theo các chỉ huy.

Volodymyr, 33 tuổi, từng bị kết án tù vì tội giết người, là một trong những người đầu tiên gia nhập Tiểu đoàn Tù nhân của Lữ đoàn 93. “Chúng tôi tự nguyện tham chiến – không ai ép buộc – nên có lẽ động lực của chúng tôi cao hơn những người bị cưỡng ép nhập ngũ”, anh chia sẻ.

 Những người bị kết án tình nguyện chiến đấu cho quân đội như một phần của chương trình ân xá tham gia một cuộc diễn tập hỏa lực và diễn tập ở khu vực Donetsk. Ảnh: Washington Post.

Những người bị kết án tình nguyện chiến đấu cho quân đội như một phần của chương trình ân xá tham gia một cuộc diễn tập hỏa lực và diễn tập ở khu vực Donetsk. Ảnh: Washington Post.

 Một người lính từng là tù nhân nạp lại các tạp chí giữa các cuộc tập trận vào ngày 27/12/2024. Ảnh: Washington Post.

Một người lính từng là tù nhân nạp lại các tạp chí giữa các cuộc tập trận vào ngày 27/12/2024. Ảnh: Washington Post.

Theo các binh sĩ, tỷ lệ thương vong ở các vị trí phòng thủ thường cao hơn khi tấn công. Với việc sử dụng drone giám sát, cả hai bên có thể dễ dàng theo dõi mọi chuyển động trên chiến trường. Hiện nay, mối nguy hiểm lớn nhất là khi binh sĩ đang di chuyển đến các vị trí chiến đấu.

“Điều tệ nhất là khi các đồng đội chưa kịp đến nơi đã bị hạ gục”, Taras nói. “Nếu bị thương ở tiền tuyến, điều đó có thể hiểu được. Nhưng thật đau lòng khi chứng kiến những người lần đầu tham gia nhiệm vụ chiến đấu lại không thể đến nơi.”

Nga đang sử dụng UAV được điều khiển qua cáp quang dài tới 20 km, khiến các biện pháp gây nhiễu trở nên kém hiệu quả. Oleksandr, thuộc Lữ đoàn 35, từng phát hiện cáp quang trên cành cây nhưng không thể mạo hiểm cắt đứt vì lo sợ bị drone khác tiêu diệt ngay lập tức.

“Tâm lý căng thẳng sau nhiệm vụ khiến bạn luôn cảnh giác cao độ”, Oleksandr nói. “Mọi âm thanh hay chuyển động nhỏ cũng có thể khiến bạn nghĩ đó là UAV, và bản năng đầu tiên là tìm chỗ nấp”.

Trong bài phát biểu mừng năm mới, Tổng thống Zelensky đã chuyển từ giọng điệu cứng rắn kêu gọi đánh bại Nga sang một lời kêu gọi “nền hòa bình công bằng”. Ông cho biết Ukraine có thể chấm dứt giai đoạn chiến tranh “nóng” trong năm nay và đàm phán để giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong tương lai.

“Các dấu hiệu đều đang dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn”, Serhii Filimonov, chỉ huy Tiểu đoàn Da Vinci Wolves, nhận định. “Những yếu tố, bao gồm các cuộc bầu cử tại Mỹ và phát biểu của ông Trump, đã tác động không nhỏ đến tình hình”.

Theo Washington Post

Nhật Anh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/quan-doi-ukraine-thu-minh-phong-thu-khi-nhiem-ky-moi-cua-ong-trump-den-gan-post181730.html